MAI QUYÊN (Theo Nikkei)
Hướng tới một xã hội “trẻ em là trên hết”, 10 năm tới được cho là giai đoạn rất quan trọng với Nhật Bản khi Thủ tướng Fumio Kishida cam kết triển khai loạt biện pháp “chưa từng có” nhằm thay đổi xu hướng nhân khẩu học.

Nhật Bản muốn xây dựng xã hội với trẻ em là trên hết. Ảnh: Getty Images
Thách thức giảm dân số
Sau 7 thập kỷ kinh doanh, công ty chuyên cung cấp dụng cụ mỹ thuật Tsuboyone ở Osaka thông báo đóng cửa vào tháng 3 này. Theo giải thích từ doanh nghiệp, nhu cầu về các sản phẩm như bảng màu, gọt bút chì…trong trường học dần bị thu hẹp khi số lượng học sinh ngày càng giảm. Ðối mặt thực tế khắc nghiệt này, cùng chi phí vật liệu tăng cao và tác động từ đại dịch COVID-19, Chủ tịch Tsuboyone Shuji Omori quyết định từ chức kèm thông báo đóng cửa công ty.
Sự việc của Tsuboyone chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể về những thách thức mà Nhật Bản đối mặt do tình trạng già hóa dân số. Ðược biết, Tsuboyone thành lập năm 1949 và đây cũng là năm nước Nhật ghi nhận số ca sinh kỷ lục (2,69 triệu ca) trong thời kỳ bùng nổ trẻ em sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Ðến năm 2022, tỷ lệ này chưa bằng 1/3 so với mức cao nhất khi số trẻ em sinh ra tại Nhật giảm xuống mức dưới 800.000 trẻ.
Theo tờ Nikkei, Nhật Bản đã tìm cách đảo ngược tình trạng suy giảm dân số trong hàng chục năm qua. Tuy đạt được một số tiến bộ, nhưng các chính sách dường như không theo kịp tốc độ suy giảm đang tăng tốc.
Tuy có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng các chuyên gia cho biết một trong những nguyên nhân chính là số người trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm xuống. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi có nhiều cặp đôi bắt đầu trì hoãn kết hôn sau đại dịch COVID-19. Với một bộ phận đã lập gia đình, nhiều người ngần ngại sinh con vì lo lắng vấn đề tài chính hoặc cảm thấy đã quá già để có thêm con.
Nỗ lực của chính phủ
Theo Thủ tướng Kishida, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang “trên bờ vực” rối loạn chức năng xã hội. Ông cũng xác định nhu cầu giải quyết vấn đề trẻ em và chính sách nuôi dạy mầm non là thách thức không thể trì hoãn. Theo ông Kishida, Nhật Bản phải đảo ngược tỷ lệ sinh và xây dựng một xã hội kinh tế ưu tiên trẻ em.
Các biện pháp cụ thể sẽ được công bố vào tháng 6. Về cơ bản, chính phủ có kế hoạch tăng gấp đôi nguồn ngân sách nuôi dạy trẻ em, tập trung vào 3 trụ cột gồm hỗ trợ kinh tế, dịch vụ chăm sóc trẻ và cải cách chế độ phúc lợi. Hiện chính phủ hàng tháng trợ cấp từ 75 USD đến 113 USD/trẻ cho các hộ gia đình có con đến khi chúng tốt nghiệp trung học cơ sở (15 tuổi). Nguồn ngân sách này hạn chế với những hộ thu nhập cao hơn. Nhưng thời gian tới, chính phủ sẽ nới lỏng hỗ trợ tài chính cho tất cả hộ gia đình có trẻ em. Chính quyền cũng tăng cường số lượng và chất lượng chăm sóc trẻ nhỏ, cũng như mở rộng các dịch vụ sau sinh. Nhà nước còn xem xét cải thiện chế độ nghỉ phép của các bậc phụ huynh nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi thúc đẩy mọi người muốn có con.
Bất chấp những nỗ lực này, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vấp không ít tranh cãi vì nhiều người cho rằng họ làm “quá ít và quá muộn”. Cũng có nghi vấn việc chính phủ làm thế nào tài trợ cho các chương trình vì trẻ em khi họ đang chuẩn bị tăng chi tiêu quốc phòng. Theo các chuyên gia, vấn đề sẽ không thể giải quyết chỉ với một số lợi ích nhỏ. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách cần cải thiện môi trường kinh tế, đặc biệt giúp giải quyết áp lực tài chính ở người trẻ sau khi họ tốt nghiệp. Bên cạnh đó là những thay đổi cơ bản về điều kiện đối với lao động nữ khi gánh nặng công việc nhà và chăm sóc con cái đang đổ lên đầu họ một cách không tương xứng.
Nhìn chung, nhà kinh tế cấp cao Takumi Fujinami của Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) cho rằng Tokyo tuy nỗ lực nhưng khó phục hồi số ca sinh mới theo hình chữ V trong một thời gian nữa. Kịch bản sáng sủa nhất có thể là duy trì mức sinh của năm 2022, hoặc cao hơn một chút. Tuy vậy, cơ hội ngăn chặn xu hướng giảm dân số là vẫn có khi số lượng phụ nữ Nhật trong độ tuổi sinh đẻ đang trẻ hơn. Và trước khi nhóm người này bắt đầu thu hẹp, ông Fujinami cho rằng Nhật Bản từ đây đến khoảng năm 2030 cần tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh con ở người trẻ. “Một số người cho rằng đã quá muộn, bản thân tôi thì nghĩ thập kỷ tới là hy vọng cuối cùng” - ông Fujinami nói thêm.