Vụ lúa đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ có kế hoạch nhân rộng diện tích thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp (PTT) lên 200ha. Đây là các mô hình triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC và PTT gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC) tại TP Cần Thơ. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh CLC và PTT với quy mô diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.
Mô hình hiệu quả thiết thực
Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC đã được Thủ tướng phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27-11-2023. Cần Thơ là địa phương đầu tiên tại vùng ĐBSCL phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện mô hình thí điểm triển khai Đề án này với diện tích 50ha tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận ở huyện Vĩnh Thạnh từ vụ hè thu 2024. Đến nay, mô hình đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận so với nông dân sản xuất ngoài mô hình, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng… Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc HTX Tiến Thuận, cho biết: “Qua kết quả thực hiện mô hình trong các vụ hè thu, thu đông 2024 vừa qua, nông dân không chỉ giảm được nhiều chi phí đầu vào mà năng suất, chất lượng và giá bán lúa cũng tốt hơn, từ đó thu nhập được nâng cao. Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tại HTX tiếp tục duy trì mô hình và có kế hoạch phát triển diện tích thực hiện trong các vụ lúa tiếp theo”.
Thu hoạch lúa trong mô hình canh tác lúa CLC và PTT tại HTX Tiến Thuận.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mô hình thí điểm được thực hiện tại HTX Tiến Thuận đã giúp nông dân giảm chi phí từ 10-15% và giảm thất thoát sau thu hoạch ít nhất 3% so với ruộng đối chứng. Mô hình giúp giảm từ 2-12 tấn CO2/ha và lợi nhuận của nông dân cao hơn từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha, tương đương 6,6-36,7% nhờ giảm 50% lượng giống sử dụng, giảm 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới 30-40%. Nông dân cũng gia tăng thêm thu nhập từ việc đưa rơm rạ khỏi đồng để bán và phục vụ các hoạt động sản xuất khác.
Nhân rộng mô hình
Để nhân rộng các mô hình thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, giới thiệu về Đề án để nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đơn vị có liên quan để triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật và nông dân. Hỗ trợ và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi và thực hiện các nội dung mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra theo Đề án. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Cần Thơ xác định vùng triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC tập trung tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 là 48.000ha và có sự tham gia của 26 xã, 56 HTX và 51.000 hộ dân.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức tài chính cũng cam kết tích cực tham gia đồng hành cùng các ngành chức năng và nông dân tại TP Cần Thơ trong nhân rộng các mô hình thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Theo ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Cần Thơ II, đơn vị cam kết và bảo đảm thực hiện nguồn vốn luôn luôn đáp ứng đủ cho triển khai Đề án. Đối với Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao là ngân hàng chủ lực cho vay, trong giai đoạn thí điểm từ nay đến cuối năm 2025, nhằm thực hiện tốt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo CLC và PTT vùng ĐBSCL. Agribank dành 30.000 tỉ đồng cho Đề án và nếu nhu cầu vốn trên thực tế có lớn hơn thì sẽ tiếp tục tăng cường thêm. Nông dân trong vùng thực hiện Đề án được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn bên ngoài mô hình. Agribank cũng tiếp tục cho nông dân, doanh nghiệp vay các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thuộc các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Theo nhiều nông dân và doanh nghiệp, hiện việc triển khai nhân rộng các mô hình canh tác lúa CLC và PTT tại Cần Thơ có thuận lợi khi được sự quan tâm vào cuộc và hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành chức năng và sự chung tay đồng hành của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Nông dân tại các địa phương cũng rất muốn tham gia thực hiện mô hình nhằm có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập. Song, khi thực hiện mô hình, nông dân vẫn còn gặp một số khó khăn và trở ngại cần được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời như hỗ trợ về đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; áp dụng các máy móc, công nghệ mới; tập huấn kỹ thuật để đảm bảo thực hiện đúng các quy trình sản xuất theo Đề án. Nông dân và các doanh nghiệp tham gia mô hình cũng cần được hỗ trợ trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và thực hiện liên kết theo chuỗi.
Anh Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX Thuận Thắng ở huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tại HTX thực hiện mô hình canh tác lúa CLC và PTT với diện tích 20ha. Việc triển khai có thuận lợi khi hầu hết nông dân đều thấy sự cần thiết phải thực hiện mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập. Tuy nhiên, nông dân còn gặp khó khi sản xuất lúa ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong khi các cơ sở hạ tầng và máy móc phục vụ sản xuất còn chưa đảm bảo, nông dân rất cần có sự hỗ trợ đầu tư từ Nhà nước. Đặc biệt, cần đầu tư máy bơm điện tập trung và hoàn thiện hệ thống giao thông để thuận lợi vận chuyển máy móc, vật tư và lúa…”. Theo ông Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Sang, công ty là đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua quá trình công ty tham gia cung cấp các thiết bị cơ giới cho nông dân tại các mô hình thí điểm thực hiện Đề án tại ĐBSCL cho thấy, nông dân đã sử dụng các máy móc phục vụ gieo sạ chính xác kết hợp với bón vùi phân bón. Kết quả, nông dân có thể giảm được chi phí lên tới 4-5 triệu đồng/ha nhờ giảm giống, phân bón và năng suất lúa từ bằng đến cao hơn ngoài mô hình. Để nhân rộng các mô hình, tới đây cần tạo điều kiện cho nông dân tại các HTX đầu tư các máy móc cơ giới, nhất là máy phục vụ gieo sạ chính xác để nông dân giảm mạnh được lượng giống và phân bón phải sử dụng.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG