08/01/2020 - 19:30

Nhãn hiệu cho nông sản thời hội nhập 

Tết này, 29 thành viên Hợp tác xã (HTX) bò sữa Long Hòa, quận Bình Thủy và 62 thành viên Tổ hợp tác (THT) làm vườn Đồng Tâm, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cùng gia đình đón năm mới đủ đầy, sung túc.  Đó là minh chứng sống động cho sự thành công của các mô hình liên kết sản xuất được các cấp Hội Nông dân thành phố hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản.         

Sữa bò Long Hòa

Với diện tích khoảng 200m2, mô hình nuôi bò sữa đem lại  cho gia đình ông Võ Thanh Cần trên 500 triệu đồng/năm. 

Nhãn hiệu Sữa bò Long Hòa của HTX bò sữa Long Hòa, quận Bình Thủy, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào tháng 5-2018. Việc xây dựng nhãn hiệu giúp các thành viên HTX an tâm phát triển sản xuất, đồng thời quảng bá thương hiệu đến thị trường trong và ngoài thành phố. Nhờ đó, sữa bò của HTX có đầu ra ổn định, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

Tham quan trại chăn nuôi bò sữa của ông Võ Thanh Cần, khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, nhiều người rất tâm đắc do hiệu quả kinh tế cao với diện tích đất nhỏ. Trại chăn nuôi nằm phía sau căn nhà khang trang của gia đình ông Cần chỉ rộng khoảng 200m2, với các dãy chuồng được thiết kế thông thoáng. Ông Cần cho biết: “Gia đình tôi nuôi 15 con bò sữa, trong đó có 8 con đang cho sữa, 7 con hậu bị và bò tơ. Mỗi ngày, tôi thu được trên 100kg sữa và bán 14.000 đồng/kg, thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng”.

Năm 2001, ông mua 6 con bê khoảng 5 tháng tuổi (trị giá 24 triệu đồng) ở quận Cái Răng về nuôi thử. Sau 3 năm chăm sóc, bò đã trưởng thành và cho sữa. Thời điểm đó, giá sữa chỉ 3.000 đồng/kg và chủ yếu bán lẻ cho khách hàng trong và ngoài quận. Thấy sản lượng sữa của bò mẹ nhiều (10-15kg sữa/ngày), ông Cần quyết định mở rộng quy mô.

Từ năm 2004, mô hình nuôi bò sữa ở Long Hòa đã phát triển và HTX bò sữa Long Hòa ra đời, do ông Cần làm Giám đốc. Lúc đầu, HTX chỉ có 10 thành viên, với 30 con bò sữa. Đến nay, HTX đã có 29 thành viên, với 300 con bò sữa. Từ khi có nhãn hiệu “Bò sữa Long Hòa”, ông Cần cùng các thành viên HTX đã hợp đồng bán sữa cho nhà máy sữa Cần Thơ. Theo hợp đồng, người nuôi phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt từ phía nhà máy đưa ra. Ngược lại, nhà máy cam kết thu mua sữa hằng ngày nên các thành viên trong HTX an tâm sản xuất, không lo đầu ra của sản phẩm.

Nhãn Ido Đồng tâm

Ông Lê Bá Phước (bìa trái), Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, trao quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ cho ông Nguyễn Văn Triều, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn Ido Đồng Tâm.

Năm 2017, THT làm vườn Đồng Tâm, xã Định Môn, huyện Thới Lai được thành lập với diện tích 40ha, 32 thành viên, do ông Nguyễn Văn Triều làm Tổ trưởng. Đến nay, THT đã nâng diện tích gần 70ha với 62 thành viên. Ông Nguyễn Văn Triều cho biết: “Tháng 10-2018, THT gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhãn Ido Đồng Tâm và cuối năm 2019 được cấp Giấy chứng nhận. Đây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm vươn xa...”. Ông Triều trồng 3ha trồng nhãn Ido, trong đó 1ha đang cho trái và 2ha cây hơn 1 năm tuổi. Năm 2017, ông Triều thu hoạch vụ trái đầu tiên hơn 6 tấn, thu vào trên 150 triệu đồng.

Năm 2015, biết giống nhãn Ido năng suất cao, giá bán hấp dẫn, ông Triều bàn với gia đình cải tạo, chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang trồng nhãn Ido. Ông Triều tham gia nhiều lớp tập huấn, đi tham quan các mô hình để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Ido. Ông Triều chia sẻ: “Giai đoạn nhãn ra đọt non rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ. Cần chú ý bón phân theo định kỳ để cây tốt, sẽ kháng được sâu, bệnh”. Thấy rõ hiệu quả của cây nhãn Ido, năm 2018, ông Triều tiếp tục cải tạo 2ha đất ruộng, đầu tư vào cây nhãn.

Ông Triều luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhãn Ido cho nhiều hội viên nông dân. Phong trào trồng nhãn Ido bắt đầu lan tỏa. Ông Nguyễn Văn Hiền, Thành viên THT làm vườn Đồng Tâm, ấp Định Khánh A, phấn khởi nói: “Lúc đầu, khi bàn việc xây dựng nhãn hiệu, nhiều thành viên THT chưa hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu. Nhờ cán bộ Hội Nông dân thành phố và các ngành vận động, giải thích, các thành viên thống nhất cao. Năm nay, 5 công nhãn Ido của tôi thu hoạch được gần 10 tấn trái, được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 25.000 -30.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, tôi lời trên 150 triệu đồng”. Ông Hiền tiếp tục cải tạo 4,5ha đất ruộng còn lại để trồng nhãn Ido.

Nhiều năm tâm huyết, nhiệt tình vận động, giúp đỡ nông dân xây dựng, đăng ký nhãn hiệu nông sản, ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Hiện nay, chất lượng nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận, mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ… Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xây dựng thương hiệu trở nên cấp bách. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các ngành đã xây dựng được 26 nhãn hiệu hàng hóa nông sản, trong đó, có 12 nhãn hiệu có giấy chứng nhận, 4 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và 10 nhãn hiệu đang tiến hành làm thủ tục gửi Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ xem xét trong thời gian tới”. 

 Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết