04/07/2019 - 11:02

Nhận diện, thích ứng với rào cản thương mại 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dù nhận được những ưu đãi thuế quan nhờ ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, song cũng đối mặt ngày càng nhiều hơn với các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu đặt ra. Vì thế, việc nhận diện và thích ứng với các rào cản này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tận dụng được các ưu điểm của việc cắt giảm thuế quan cũng như có biện pháp phòng tránh, thích ứng phù hợp nhằm đưa hàng hóa xuất khẩu vươn ra thị trường thế giới.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ. Trong ảnh: Đóng container gạo xuất khẩu tại Cảng Tân Cảng Cái Cui. 

Cơ hội đan xen thách thức

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với các nền kinh tế lớn, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế 2 lần… Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, mở rộng từ ASEAN sang các nước khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và bước đầu phát triển sang châu Phi. Quan hệ thương mại được mở rộng đã góp phần mở cửa thị trường hàng hóa, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao, trong xu thế toàn cầu hóa, phát triển một nền thương mại tự do, không phân biệt đối xử là mục tiêu của nhiều quốc gia và cũng là nguyên tắc cơ bản trong các cam kết song phương và đa phương. Tuy vậy, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, mối quan tâm và sự ưu tiên của mỗi quốc gia rất khác nhau, nên mỗi nước lại đưa ra những quy định, tiêu chuẩn… nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia, bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng của đất nước mình. Bên cạnh đó, trong điều kiện nước ta tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương, dự báo nạn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, có yếu tố nước ngoài. Khi thị trường mở cửa, do có nhiều đối tác tham gia nên cạnh tranh sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn.

TP Cần Thơ có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản chủ yếu là các mặt hàng tôm, cá tra phi lê và gạo. Trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước thực hiện đạt 1,12 tỉ USD, đạt 50,95% kế hoạch, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2018. Dù kết quả này khá khả quan so với cùng kỳ nhưng thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng nông, thủy sản vẫn gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp ngày càng thu hẹp do Chính phủ các quốc gia nhập khẩu ban hành thêm các quy định mới, thiết lập các rào cản phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Ví dụ như quy định mới của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam; sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng hàng hóa giữa các quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh do chưa đạt chất lượng, tiêu chuẩn để được phép nhập khẩu vào nước đối tác.

Chọn giải pháp 

Hội nhập kinh tế quốc tế góp phần làm tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của mỗi quốc gia, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư của mỗi nước theo hướng chuyên môn hóa sản xuất, giúp khai thác tối đa lợi thế so sánh của mỗi nước… Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đang được áp dụng mở rộng từ quy định riêng cho bản thân sản phẩm trở thành quy định bắt buộc cho cả quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến sản phẩm đó. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao, các tiêu chuẩn đối với hàng hóa tiêu dùng luôn được bổ sung, nâng cao thậm chí xuất hiện thêm nhiều tiêu chuẩn mới. Hàng rào kỹ thuật trong thương mại đang được kết hợp với các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến hàng hóa. Với quy định này, việc vượt qua các hàng rào kỹ thuật trở nên khó khăn hơn nhiều.

Khi tham gia thị trường toàn cầu, xây dựng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới đòi hỏi mỗi nước, mỗi cộng đồng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân đều phải điều chỉnh lại tư duy và cách ứng xử nhằm hòa nhập vào dòng chảy hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu thị trường, tiếp cận các nhà nhập khẩu của các nước Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và sắp tới là Nga và Séc. Trung tâm cũng phổ biến thông tin về các khóa đào tạo để các doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo ông Nguyễn Trần Bửu Minh, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, đội ngũ chuyên viên của Trung tâm thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về các rào cản thương mại và lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam. Từ đó, kịp thời trang bị kiến thức cần thiết để có thể hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp của thành phố trong việc khai thác các lợi thế mà Việt Nam có được từ lộ trình cắt giảm thuế quan để định hướng sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao, vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản. Để thích ứng kịp thời với các hàng rào kỹ thuật đòi hỏi phải chủ động thay đổi mô hình sản xuất, bán những gì thị trường cần. “Chúng ta không chỉ tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn phải quan tâm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ. Các rào cản thương mại sẽ ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải cập nhật thông tin kịp thời, chủ động thích ứng, tính toán khả năng hội nhập để bán hàng sao cho hiệu quả. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để tham gia xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp nhằm chủ động thích ứng với thông lệ quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết