02/08/2019 - 08:26

Nhận diện khó khăn cần tháo gỡ 

Đến thời điểm này, hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn (viết tắt là TTVHTT cấp xã) đã được đầu tư gần như khép kín 9 quận, huyện của thành phố. Đây là một trong những tiêu chí để địa phương đạt chuẩn các danh hiệu Phường, Thị trấn Văn minh đô thị, Xã Văn hóa nông thôn mới. Vậy nhưng chuyện phát huy hiệu quả hoạt động của các TTVHTT cấp xã vẫn đang khiến nhiều địa phương loay hoay tìm giải pháp.

TTVHTT phường Ba Láng, quận Cái Răng.

Cuối tháng 6-2019, 80/85 xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ có TTVHTT/Nhà văn hóa. 5 đơn vị còn lại cũng đang rốt ráo hoàn thiện, cụ thể: phường An Nghiệp, phường An Khánh (quận Ninh Kiều) và xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai) đang xây dựng gần xong; xã Thạnh Phú và thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) chưa xây dựng. Đây là những con số cho thấy sự quan tâm của thành phố và các quận, huyện trong hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa ở cơ sở. Ngoài ra, việc bố trí ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa cơ sở cũng được thành phố rất quan tâm. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư trong lĩnh vực này giai đoạn 2016-2019 là hơn 196,3 tỉ đồng, chưa tính quận, huyện đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là: Hiệu quả hoạt động của những TTVHTT cấp xã này đến đâu? Mới đây, tại Hội nghị giao ban văn hóa, văn nghệ chuyên đề "Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, văn nghệ cấp cơ sở" do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức, câu hỏi này lại khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Các đại biểu khái quát những khó khăn trong vấn đề này ở những vấn đề: quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất văn hóa; nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế; khó khăn về nguồn nhân lực văn hóa…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ninh Kiều, chia sẻ, việc tìm một mảnh đất đạt yêu cầu ở quận trung tâm để xây dựng TTVHTT không hề dễ dàng. Thực tế chọn địa điểm xây dựng TTVHTT phường An Khánh, phường Cái Khế… là ví dụ. Còn với địa bàn các huyện, cũng do thiếu quỹ đất xây dựng Nhà văn hóa ấp nên phải mượn đất của dân theo thỏa thuận, sau thời gian sẽ trả lại đất cho dân, kèm theo công trình nhà trên đất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phong Điền, việc đầu tư một căn nhà để làm Nhà văn hóa phải tốn không dưới 300 triệu đồng, nhưng mượn đất 10 năm phải trả thì lãng phí đầu tư.

Vấn đề được rất nhiều địa phương quan tâm là từ năm 2013-2018, UBND TP Cần Thơ hỗ trợ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn các danh hiệu: văn hóa, văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị là 50 triệu đồng/đơn vị/năm. Theo các quận, huyện và đơn vị cấp xã, số tiền này là không đủ để duy trì hoạt động suốt 1 năm. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Bình, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương dường như có sự "hiểu lầm" bởi đây chỉ là kinh phí thành phố hỗ trợ để nâng chất các danh hiệu. Nhiệm vụ của quận, huyện và xã, phường, thị trấn là phân bổ kinh phí hằng năm phải chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, không thể chỉ dựa vào 50 triệu đồng hỗ trợ này. Mới đây, lãnh đạo UBND thành phố đã có chỉ đạo ngành chức năng sớm tham mưu để trình HĐND thành phố đồng ý tăng tiền hỗ trợ từ 50 triệu đồng lên 80 triệu đồng/đơn vị/năm.

Vấn đề cốt lõi để nâng chất hoạt động TTVHTT cấp xã là nhân lực nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Ban chủ nhiệm TTVHTT cấp xã đa phần là kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực, trình độ nên khả năng tham mưu, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về văn hóa chưa hiệu quả. Theo ông Lê Thanh Bình, sâu xa của vấn đề là nhân lực văn hóa cơ sở đang thiếu tính ổn định: người có năng lực làm chưa bao lâu thì bố trí công tác chỗ khác; người không có chuyên môn, nghiệp vụ được bố trí làm lĩnh vực văn hóa. Còn theo một vị lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ô Môn, nếu xét cho kỹ 7 công chức văn hóa ở 7 phường của quận, thì chỉ có 2 người làm được việc, số còn lại dường như không đúng năng lực, sở trường...

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Văn Chì, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Thốt Nốt lo ngại tình hình các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ xuống cấp, chất lượng sinh hoạt thuyên giảm, không đều, thậm chí là đình trệ. Như ở quận Thốt Nốt, các câu lạc bộ này đang yếu dần, còn chăng là Đội Thông tin lưu động quận. Theo ông Chì, cái khó là thiếu nhân lực tham gia các câu lạc bộ, đến kỳ thi cử hoặc cần thì phải thuê mướn. Đặc biệt, để thu hút đội ngũ trẻ tham gia các câu lạc bộ lại càng khó khăn hơn.

*  *   *

Nhận diện được những khó khăn này cũng là cơ sở để các địa phương trong thành phố có giải pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của TTVHTT cấp xã. Một động lực khác rất quan trọng là Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 2-5-2019 của Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị. Rõ ràng, cơ sở vật chất đã có, cơ chế, chủ trương, chính sách đã rõ, điều còn lại là quyết tâm từ cơ sở.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết