08/01/2023 - 09:48

Nhà văn Trần Nhã Thụy tâm tình “Trong và ngoài căn phòng tôi” 

CÁT ÐẰNG

Tạp văn “Trong và ngoài căn phòng tôi” (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Nhã Thụy. Ở tập sách này, tác giả như tâm tình cùng bạn đọc mọi việc trên đời, những điều nhà văn lưu tâm, để ý và suy nghĩ. Ðó có thể là những điều rất đơn giản, một ý niệm vụt qua, nhưng cũng có thể là những vấn đề phức tạp, trăn trở, băn khoăn chất chứa lâu ngày. Dù là gì, thì sách cũng rất đời và thú vị.

Vẫn cách viết mộc mạc, chân thành, Trần Nhã Thụy chia sẻ suy nghĩ của mình qua gần 60 bài viết, được chia làm hai phần. Phần một là những tạp văn ngắn (từ 300-700 chữ), gần như là những cảm hứng hay những câu chuyện nhỏ, những cảm xúc lướt qua. Phần hai là những bài viết dài (từ 1.000-2.000 chữ) gần với tiểu luận và ghi chép, thể hiện rõ ràng quan điểm, triết lý sống của tác giả về nhiều vấn đề.

Ðọc các bài viết, có thể thấy tác giả là người tinh tế, thích quan sát và suy ngẫm. Anh viết không chỉ như một thói quen mà còn gửi gắm vào đó nhiều ý niệm và góc nhìn của một người nhiều vốn sống. Anh viết về mọi thứ, từ những căn tính con người như: “Về cái ác”, “Về kẻ giàu người nghèo”, “Yêu và ghét”, “Thói đố kỵ”… đến môi trường sống, nghề nghiệp, cái chết, lối sống của người trẻ và thậm chí về những ham muốn thầm kín bản năng. Xem những bộ phim hay đọc những quyển sách, gặp điều tâm đắc, suy tư, anh nêu lên suy nghĩ, ý kiến của mình, thậm chí đưa ra câu hỏi khó để người đọc tự tìm câu trả lời. Khi viết về dịch COVID-19, anh cho rằng đại dịch càn quét cả thế giới làm lộ ra nhiều điều, không chỉ cái chết và sự sống, về trí tuệ và sức mạnh của mỗi quốc gia hay bản lĩnh của ngành y tế mà còn rất nhiều vấn đề trong xã hội, trong các mối quan hệ và trong mỗi người… Dù thế nào, đại dịch thức tỉnh con người một điều: “Con người không phải là sinh vật bá chủ vũ trụ” (trang 119).

Ký ức về quê hương và những nỗi niềm thương nhớ quê nhà cũng được anh trải lòng qua những trang sách. Và rồi anh tự an ủi, tự tìm cho mình niềm vui mới với quan niệm mới: “Nơi nào mang lại cho tâm hồn mình bình yên, làm cho trí mình không cùn lụt, ấy chính là quê nhà…”. Nhưng có một hình ảnh in sâu vào trí óc và được anh trân quý, giữ gìn là hình ảnh những người đàn ông bận áo dài. Anh kể: “Ông tôi, ba tôi cậu tôi… từng là những người đàn ông bận áo dài. Nhưng họ bận áo dài không phải để ra phố chụp vài tấm hình khoe trên facebook. Họ bận áo dài như một nghi tức tôn kính. Lúc đó, trông họ vừa oai nghiêm, vừa đẹp đẽ, dù chiếc áo dài đó có thể được may một cách vụng về, với một chất liệu không tốt. Nhưng đó là cái đẹp của tinh thần” (trang 175).

Với một người trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp và yêu thích văn thơ, Trần Nhã Thụy không giấu nỗi bức xúc và tiếng thở dài khi văn hóa đọc và sách không còn được coi trọng, khi người viết nhiều hơn người đọc, khi những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội lấn át những giá trị đạo đức… Trăn trở và suy tư được anh trút vào những trang viết. Nhưng rồi anh tự hỏi: “Tôi là một nhà văn, nhưng dù đã nghe, đã thấy, đã cảm nhận được; song có lúc tôi cũng thật vô tình. Tôi đã có sẵn lòng trắc ẩn, nhưng rồi tôi cũng không làm được gì. Cái làm được, đôi khi chỉ là những trang viết, nhưng để làm gì?” (Lòng trắc ẩn và trang viết). Câu hỏi tự vấn đó có lẽ cũng là câu hỏi cho nhiều người, dù bất cứ nghề nghiệp gì chứ không phải chỉ nhà văn, rằng: mình đã làm được gì để xã hội tốt đẹp hơn?

Chia sẻ bài viết