15/02/2020 - 20:04

Nhà văn 83 tuổi kể chuyện “biến khỏi thành phố” 

Sau truyện thiếu nhi “Con cò mồ côi” tạo được tiếng vang hồi năm rồi, nhà văn 83 tuổi Nguyễn Thị Thanh Huệ (Hội Nhà văn TP Cần Thơ) vẫn miệt mài sáng tác. Trong tập truyện ngắn “Người biến khỏi thành phố” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) vừa ra mắt, độc giả sẽ gặp lại những trang viết rất đặc biệt.

Gặp nữ nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ, ai cũng cảm thấy dường như tuổi tác “bỏ quên” bà. 83 tuổi mà gương mặt vẫn rạng ngời sức sống, giọng nói rổn rảng, vui tính. Đặc biệt, sự nhiệt huyết, say sưa với cuộc đời của bà làm người đối diện ấn tượng, như cách bà nói “Luôn tràn đầy sự trẻ trung của một tâm hồn chưa già” và rằng “Con người ta không già, chỉ là thời gian chất chồng mà thôi”.

Nữ nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ (trái) tặng tác phẩm mới cho bạn văn.

Nhà văn Thanh Huệ cho biết tập truyện ngắn “Người biến khỏi thành phố” tuy cũ mà mới và là “đứa con” bà rất tâm đắc. Bởi lẽ, đây là những truyện ngắn bà viết từ ngày đầu chập chững vào nghiệp văn chương, thuở nổi tiếng trên văn đàn với hình ảnh người phụ nữ nghèo ngồi bán xăng lẻ, viết văn trên cuốn tập học trò kê trên cục gạch ống. Một số truyện trong tuyển tập này đã đăng rải rác trong các ấn phẩm khác của bà, nhưng “Người biến khỏi thành phố” là tuyển tập “rặt” truyện ngắn. “Đây là những truyện ngắn mang rõ nhất phong cách sáng tác và tư duy nghệ thuật của tôi. Bây giờ đọc lại, sau mấy mươi năm, tôi vẫn cho rằng đó là những dòng văn nhiều triết lý mà tôi may mắn có được cảm xúc thăng hoa”, nhà văn Thanh Huệ chia sẻ. Bà cũng giải thích thêm, từ sau những truyện ngắn này, bà bắt tay vào viết tiểu thuyết nhiều tập kiểu “ngôn tình” ăn khách với bút danh Hoàng Lan nên phần nào “chất truyện ngắn” và những đặc sắc trong ngôn từ đã lợt phai bớt.

15 truyện ngắn trong “Người biến khỏi thành phố” đều có “tuổi đời” khoảng 20 năm trở lên, trong đó có nhiều tác phẩm đã được công chúng biết đến. Đó là “Phù sa trên tóc bạch kim”, đoạt giải Ba (không có giải Nhất, Nhì) cuộc thi truyện ngắn do Báo Hậu Giang tổ chức năm 1991 hay “Tuổi trẻ mong manh”, “Trật tự của cái đầu”, “Người biến khỏi thành phố”… Mỗi câu chuyện là một mảnh đời, một cảnh đời và một mảnh ghép thế thái nhân tình, đằng sau câu chữ là nỗi niềm cảm thông, san sẻ của tác giả.

Đọc “Tuổi trẻ mong manh”, người đọc xót xa cho nỗi ân hận muộn màng của người cha trẻ lêu lổng, chơi bời để lại cô con gái với khát khao hạnh phúc không trọn, một quá khứ mong manh và tương lai cạn cùng. Truyện “Đêm Giáng sinh” lại đầy triết lý và lòng vị tha. Đó là chuyện một thanh niên đâm cướp ngay vị linh mục nhân lành. Biết chuyện, vị linh mục vị tha và còn giúp đỡ mẹ già của anh thanh niên chữa bệnh. Anh thanh niên sau những ngày dằn vặt, tìm đến vị linh mục cúi đầu nhận tội. Truyện kết thúc bằng những dòng văn tả thực rất hay: “Anh ta quỳ thụp xuống… Lập tức linh mục Vũ cũng cúi thấp xuống theo…” để rồi đọng lại trong lòng người đọc là dư vị rất đẹp về sự ăn năn và lòng vị tha.

Quả như lời nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ, đây là những truyện ngắn bà tâm đắc bởi sự trau chuốt trong ngôn từ và cấu tứ tác phẩm. Bà kỹ lưỡng và sâu sắc trong miêu tả, từ cái khép của đôi môi, nụ cười của một cô gái hay hành vi tưởng rất lộn xộn nhưng đầy “trật tự” của một người phụ nữ tâm thần… được nhà văn miêu tả ấn tượng và thú vị.

Cầm quyển sách tặng tôi, bà nhắn nhủ: “Sẽ ráng ra sách thêm nữa”. Ở tuổi này, bà vẫn còn say sưa với văn chương và tâm huyết việc thiện nguyện. Gia cảnh bà khó khăn, bạn văn ai cũng biết. Vậy mà bà lại đang xông xáo đi làm từ thiện. Bà vận động các mạnh thường quân rồi trao lại cho người nghèo. Bà luôn miệng nhắc về cảnh đời này, mảnh đời khác đang cần sự giúp đỡ. Bà vẫn đang chạy đua với đời để làm đẹp cho đời.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết