01/05/2019 - 18:12

Nhà thơ Phan Hoàng nhận giải thưởng với “Bước gió truyền kỳ” 

Tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của nhà thơ Phan Hoàng vừa được UBND TP Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ II. Nếu như lần thứ I giải thưởng này chỉ trao cho văn xuôi thì lần thứ II có 3 tập thơ được vinh danh, trong đó trường ca “Bước gió truyền kỳ” của nhà thơ Phan Hoàng nhận giải Ba, còn 2 tập thơ của Phạm Sỹ Sáu và Trần Hữu Dũng nhận giải Khuyến khích.

Nhà thơ Phan Hoàng (giữa) nhận Giải thưởng.

Giải thưởng danh giá này của TP Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo với sự tham gia thẩm định của những tên tuổi uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cả nước. “Bước gió truyền kỳ” được ấn hành bởi NXB Hội nhà văn, năm 2016 và từ đó đến nay tập thơ nhận được những đánh giá tích cực.

Nhận định về “Bước gió truyền kỳ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng cảm: “Khi nào những ngọn gió còn thổi trên đất đai này thì những bài ca bi tráng về lịch sử của dân tộc còn vang mãi trong tâm hồn chúng ta. Và “Bước gió truyền kỳ” của thi sĩ Phan Hoàng đã dẫn tôi đi theo một con đường riêng của nó”. Đạo diễn - nhà thơ Văn Lê trong lời mở đầu trường ca này phát hiện rằng: “Khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca là anh có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử. Anh đã khéo léo kéo xa về gần, đưa cội nguồn về với hiện tại. Cả tập trường ca là một câu chuyện truyền kỳ về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề mà anh đặt ra trong thơ luôn làm cho người đọc phải thảng thốt, giật mình”. 

Nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh từ Quảng Bình đã viết: “Bước gió truyền kỳ” của Phan Hoàng là trường ca trữ tình hiện đại, đậm chất suy tưởng. Ngoài phần mở đầu và phần vĩ thanh, tập thơ có 3 phần với sự kết hợp ngẫu hứng, trùng điệp, đan xen những câu thơ ngắn dài. Trong đó, gió là hình tượng xuyên suốt, làm nền/điểm tựa cho cảm xúc thơ. Hình tượng gió vừa cụ thể vừa khái quát, đi về giữa quá khứ và hiện tại, thực và mộng, hôn phối với cảm hứng, niềm tự hào, tôn vinh lịch sử hào hùng của dòng giống Lạc Hồng từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước, biến chuyển qua mấy ngàn năm cho đến hôm nay. Ở góc độ nhà nghiên cứu chuyên sâu, PGS.TS Cao Hồng ở Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Trong tập trường ca của Phan Hoàng, gió là một sinh thể tự nhiên, hiện diện trong không gian rộng lớn, từ thuở hồng hoang, sơ khai của lịch sử đến thời kỳ dựng nước giữ nước. Nhưng gió ở đây không đơn thuần là một tín hiệu tự nhiên mà đã trở thành một tín hiệu nghệ thuật, thẩm mỹ. Gió là hiện thân tiếng nói của nhà văn, cất giữ những vẻ đẹp nguồn cội, những thăng trầm của đất nước”.

Còn nhà văn Trần Nhã Thụy lại khẳng định: “Một nhà thơ mà không có giọng riêng, e rằng đã thất bại ngay từ khi "thử giọng". Với Phan Hoàng, tôi thấy anh có một giọng thơ hào sảng rất riêng, nó như được nuôi dưỡng hun đúc từ nắng gió sông Ba - Phú Yên quê anh; từ những trang sử Việt mà Phan Hoàng nhuần nhuyễn từ thời tuổi trẻ". Nhà thơ Đặng Huy Giang nổi tiếng giỏi thẩm định thơ của Hà Nội cho rằng: “Xét về mặt nội dung, trường ca “Bước gió truyền kỳ” thực chất là một tráng ca. Còn xét về mặt hình thức, trường ca “Bước gió truyền kỳ” rất mở. Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó có thể đứng độc lập, nhưng một khi được kết nối, nó tạo ra sự gắn kết, sự tiếp nối. Theo tôi, đây chính là đóng góp của Phan Hoàng về mặt thi pháp cho thơ nói chung và thể loại trường ca nói riêng trong thi ca Việt Nam hiện đại”. Và đó cũng là điều cần thiết đối với nhà thơ ở Việt Nam hiện nay, một khi không muốn trở thành người nhả chữ quen thuộc, sáo mòn.

CHÂU THANH

Chia sẻ bài viết