20/06/2008 - 21:51

Giá dừa nguyên liệu ở mức cao

Nhà nông phấn chấn nhất thời ?

Gần 1 tháng qua, nông dân trồng dừa ở Trà Vinh, Bến Tre vô cùng phấn khởi vì giá dừa khô luôn đứng ở mức cao, có lúc giá dừa khô lên đến 65.000 đồng/chục (12 trái). Với giá dừa hiện tại, nông dân trồng dừa cầm chắc thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.

GIÁ DỪA SẼ CÒN TĂNG

Từ cuối tháng 4-2008 đến nay, giá dừa khô tại Trà Vinh đã tăng bình quân khoảng 8.000-10.000 đồng/chục so với những tháng trước. Hiện nay, giá dừa khô được các tiểu thương mua tại vựa ở mức 50.000-55.000 đồng/chục, mua tại vườn ở mức 45.000-46.000 đồng/chục. Giá dừa tăng do đang vào thời điểm nghịch mùa, cây dừa cho trái ít, trong khi nhu cầu dừa nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến dừa trong tỉnh và nhu cầu dừa trái xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Hiện tại, dừa khô loại 1kg/trái trở lên được tàu của Trung Quốc, Thái Lan, Sri Lanka mua với giá 4.500-5.000 đồng/trái, loại 0,85kg đến dưới 1kg/trái giá 4.000 đồng/trái. Nhiều thương lái từ Bến Tre, Vĩnh Long đến các nhà vườn ở Trà Vinh mua dừa trái dạng xô (không phân loại) giá 3.750 đồng/trái.

Nhiều tiểu thương cho biết, nguồn cung dừa trái trên thị trường đang có dấu hiệu giảm mạnh do đang vào mùa nghịch dừa thường cho trái ít. Năm nay, năng suất dừa tại Trà Vinh đã sụt giảm do nhiều diện tích trồng dừa đã lâu năm nên bị lão hóa; một số diện tích chưa được cải tiến giống mới cũng như việc chăm sóc bón phân còn hạn chế. Chị Trần Thị Thúy, chủ một cơ sở thu mua dừa trái và sản xuất chỉ xơ dừa ở ấp Đại Phước, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, nhận định: “Hằng năm, thường từ tháng 8 âm lịch, giá dừa tăng mạnh do thị trường Trung Quốc tăng nhu cầu nguyên liệu dừa trái để phục vụ cho sản xuất, nên đẩy mạnh thu mua. Sản lượng dừa trái tại tỉnh Trà Vinh và các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy trong nước sản xuất liên tục. Vì vậy, thời gian tới, giá dừa khô có thể tăng lên ở mức hơn 55.000-60.000 đồng/chục”.

 Dừa khô Bến Tre được giá giúp nông dân rất phấn khởi. Ảnh: CAO DƯƠNG

Ở Bến Tre, thương lái đang mua dừa tại vườn với giá dao động từ 53.000-57.000 đồng/chục, tùy theo khu vực. Mặc dù giá dừa khô đã giảm so với lúc cao điểm, nhưng nông dân trồng dừa vẫn vui vì đạt thu nhập cao từ trái dừa. Ông Lê Văn Danh, hộ dân trồng dừa ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày, phấn khởi nói: “Tôi có 6 công đất trồng dừa cho trái ổn định, với giá bán dừa như hiện nay, mỗi tháng bẻ dừa khô bán tôi có thu nhập trên 3 triệu đồng. Thời buổi vật giá đắt đỏ, giá dừa khô tăng cao giúp cho nhà vườn chúng tôi có điều kiện sống thoải mái hơn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá dừa khô liên tục tăng là tăng theo mặt bằng giá chung. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trái dừa khô hiện đã mở rộng cả ở trong và ngoài nước. Dừa khô được bán vào các nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy, các lò làm bánh, kẹo dừa; được bán cho tàu Trung Quốc đến thu mua và theo các ghe buôn đi bằng đường tiểu ngạch sang Thái Lan, Campuchia...

Anh Phan Văn Gọn, một chủ cơ sở mua bán dừa khô ở khu vực Chợ Thom, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày, cho rằng: “Cuộc sống người trồng dừa hiện nay đã được nâng lên, bớt khó khăn. Vì vậy, khi giá dừa xuống thấp, nông dân có điều kiện trữ hàng lại, chờ giá tăng. Trái dừa không bẻ xuống, để trên cây đến nửa tháng vẫn không hư hao. Trong khi các tàu lớn mua dừa không có hàng phải neo tàu hoài chịu không nổi phải tăng giá mua”.

So với năm 2007, giá dừa hiện đã tăng hơn 20.000 đồng/chục. Người dân trồng dừa tuy có thu nhập khá hơn nhưng niềm vui chưa trọn vẹn. Nếu trước đây, bán một trăm dừa (120 trái), nông dân có thể mua một bao phân hóa học để bón dừa, nhưng hiện tại thì không thể được.

SỨC ÉP CẠNH TRANH NGUYÊN LIỆU

Do người trồng dừa đã có thể tham gia quyết định giá dừa nguyên liệu, những cơ sở, doanh nghiệp lâu nay có thể chèn ép nông dân khi sản lượng dừa nhiều giờ đây cũng phải tính toán kỹ càng mới mong làm ăn ổn định. Có doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tăng giá trị sản phẩm, tăng giá bán; có doanh nghiệp liên kết với cơ sở để thu mua sản phẩm cơm dừa qua sơ chế để giảm chi phí... Tuy vậy, vào thời điểm dừa “treo đọt”, sản lượng giảm, các nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy, các cơ sở gọt cơm dừa, các tàu Trung Quốc mua dừa... cạnh tranh thu mua quyết liệt, nhiều nhà máy chế biến cơm dừa ở Bến Tre, Trà Vinh phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, tình trạng các nhà máy chế biến và xuất khẩu dừa tại Trà Vinh nhiều lúc phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu dừa trái đã xuất hiện từ năm 2003. Toàn tỉnh đang có trên 11.844 ha trồng dừa với trên 3 triệu cây, sản lượng bình quân khoảng 70 triệu trái/năm. Với 6 nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy, công suất 4.700-5.000 tấn thành phẩm/năm, tiêu thụ khoảng 50 triệu trái dừa/năm. Nhưng hằng năm, thương lái từ các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... đến Trà Vinh thu mua từ 40-50 triệu trái dừa chuyển về cung cấp cho nhà máy sản xuất và bán cho các tàu từ Trung Quốc, Thái Lan, Sri Lanka. Vì vậy, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, giá dừa khô tăng đột biến là điều đương nhiên.

Ông Lê Văn Sĩ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu BTCO, phường 8, thị xã Bến Tre, cho biết: Trong vòng 4 tháng nay, giá cơm dừa nạo sấy liên tục tăng từ 5.400 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá dừa xuất khẩu tăng không tương ứng, từ 950 USD/tấn lên khoảng 1.550 USD/tấn. Hiện tại, mỗi ngày công ty chỉ thu mua được khoảng 13 tấn cơm dừa nạo sấy, đáp ứng được 1/3 công suất nhà máy. Lực lượng vệ tinh của công ty chỉ còn 7/30 nhà cung cấp cơm dừa nạo sấy, số còn lại phải đóng cửa ngưng hoạt động.

Chủ một cơ sở gọt cơm dừa cung cấp cho các nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy cũng than thở: “Giá dừa liên tục tăng cao ở mức 55.000 đồng đến trên 60.000 đồng/chục nên chúng tôi hoạt động bị thua lỗ phải tạm ngưng hoạt động khoảng 20 ngày nay. Một chục dừa, chúng tôi làm ra được 5 kg cơm dừa bán được 50.000 đồng, cộng với tiền nước dừa, da cơm dừa cũng chỉ được 54.000 đồng/chục dừa. Các thứ khác như: vỏ dừa, gáo dừa thì dùng để trả tiền thuê nhân công”.

CAO DƯƠNG-QUỐC DŨNG

Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Giá dừa ổn định ở mức cao và liên tục tăng trong những năm qua giúp nông dân trồng dừa có lãi đã thu hút nhiều bà con đầu tư trồng dừa trong 3 năm trở lại đây. Dừa giống ở Bến Tre được tiêu thụ mạnh không thua gì giống cây ăn trái. Nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có gần 36.000 ha vườn dừa thì nay đã tăng lên khoảng 44.400 ha, đến cuối năm có thể đạt gần 46.000 ha, sản lượng trên 300 triệu trái/năm. Diện tích dừa hiện tại đã vượt kế hoạch thực hiện dự án trồng mới 5.000 ha dừa của tỉnh giai đoạn 2005–2010. Ngành nông nghiệp đang hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích nông dân tiếp tục đầu tư trồng dừa ở những vùng đất trồng mía, cây ăn trái kém hiệu quả, thực hiện thâm canh vườn dừa để bà con đạt thu nhập cao, ổn định cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy trong tỉnh.

C.D

Chia sẻ bài viết