05/08/2010 - 21:05

GIÁ LÚA NHÍCH LÊN:

Nhà nông không còn lúa bán!

Thu mua lúa gạo tại Công ty Lương thực
Sông Hậu ở TP Cần Thơ.

Trong 2 tuần qua, cùng với việc các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh thu mua lúa gạo tạm trữ, các bạn hàng xáo cũng “săn tìm” mua lúa làm cho giá lúa gạo liên tục nhích lên. Đến thời điểm này, giá nhiều loại lúa đã vọt lên mức trên 4.000 đồng/kg. Thế nhưng phần lớn nông dân có lúa tồn đọng trong vụ hè thu 2010 hiện đã không còn lúa để bán, do trước đó giá lúa nhích lên 3.500-3.600 đồng/kg, nông dân đã tung hàng ra bán vì không còn khả năng dự trữ tiếp và sợ giá có thể giảm trở lại…

* Giá lúa gạo tăng trở lại

Giá lúa gạo tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL hiện tăng thêm 200-300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL, giá các loại lúa tròn và dài lỡ hiện ở mức 3.800-4.000 đồng/kg, lúa dài 3.900-4.100 đồng/kg (tùy theo bán tại nhà hay đem đến các điểm thu mua của các DN). Giá gạo lức nguyên liệu loại 5-25% tấm dao động ở mức 5.050- 5.500 đồng/kg, tùy loại; gạo trắng thành phẩm 6.100-6.400 đồng/kg.

Vào giữa đầu tháng 7-2010, giá các loại gạo lức nguyên liệu xuất khẩu phổ biến 4.300-4.700 đồng/kg. Còn giá nhiều loại lúa tròn và dài lỡ vụ hè thu 2010 phơi, sấy khô chỉ ở mức 3.000-3.100 đồng/kg, lúa hạt dài vụ hè thu 2010: 3.200-3.300 đồng/kg và lúa dài cũ vụ đông xuân 2009-2010 khoảng 3.800 đồng/kg. Giá lúa ở mức khá thấp, nhưng nông dân gặp khó khi kêu bán lúa do có ít bạn hàng xáo đi mua. Thế nhưng, chỉ hơn 2 tuần sau khi các DN thực hiện việc thu mua lúa hè thu 2010 tạm trữ, giá nhiều loại lúa gạo đã tăng tổng cộng khoảng 700-800 đồng/kg. Hoạt động thu mua được đẩy mạnh đã giúp cho nhà nông dễ dàng tiêu thụ được lúa, do sợ giá lúa giảm trở lại, nên nhiều nhà nông đã bán lúa với giá 3.500-3.600 đồng/kg. Đến thời điểm này, khi giá nhiều loại lúa vọt lên ở mức trên 4.000 đồng/kg, thì phần lớn nhà nông đã không còn lúa để bán và tỏ ra tiếc! Trong khi đó, một số nông dân có điều kiện còn neo lúa lại, hiện có tâm lý chờ giá tăng thêm, chưa muốn bán ra...

Ông Võ Văn Xem ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, bộc bạch: “Cách đây 2 tuần, giá lúa chỉ ở mức 3.100 đồng/kg nhưng kẹt tiền trả nợ tiền vật tư, thuê mướn nhân công thu hoạch lúa và dọn đất sạ vụ thu đông 2010 nên tôi không thể trữ lúa được nữa mà phải kêu bán. Vụ hè thu 2010, tôi làm được 15 công lúa, năng suất đạt gần 30 giạ/công nhưng giá lúa rẻ quá nên bán lúa rồi trừ đi chi phí tính ra tôi không có lời. Bây giờ thấy lúa tăng mà tiếc”. Ông Lương Minh Tâm ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ hiện còn 15 tấn lúa IR50404 chưa bán. Ông cho biết: “Hiện nay, có 80% bà con ở đây đã bán lúa. Tiểu thương đến tận nhà hỏi mua lúa IR50404 với giá 3.900-4.000 đồng/kg nhưng bà con ở đây không còn lúa để bán. Cách đây khoảng 4 ngày, tiểu thương đến tận nhà tôi trả giá chỉ 3.500 đồng/kg, nhưng cũng may là tôi chưa bán, chứ nếu không tôi đã bị mất hơn 7 triệu đồng chỉ trong mấy ngày. Tôi dự định chờ tăng thêm chút nữa mới bán lúa, vì nếu bán với giá 4.000 đồng/kg chưa có lời nhiều”...

* Tiếp tục đẩy mạnh thu mua tạm trữ

Theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các DN thành viên đóng trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ thu mua tạm trữ 95.000 tấn gạo, với thời gian thực hiện từ 15-7 đến 15-11-2010. Các DN nhận được chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tích cực triển khai việc thu mua. Bên cạnh việc thu mua gạo lức nguyên liệu và các loại gạo trắng thành phẩm, một số DN (như Công ty cổ phần Mê Kông) còn tổ chức thu mua lúa cho nông dân. Cùng với các điểm thu mua chính, cố định tại các xí nghiệp và tại kho, nhiều DN còn tổ chức thêm nhiều chốt, trạm thu mua lúa gạo lưu động.

Hiện lượng lúa hàng hóa trong dân đang giảm mạnh so với tháng trước, giá lúa gạo nhích lên hàng ngày, người dân thấy giá lúa tăng có xu hướng trữ lại chờ giá đang gây khó khăn cho hoạt động thu mua tạm trữ của các DN. Thêm vào đó, DN cũng còn gặp khó khi đầu ra trong xuất khẩu chưa tăng. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian tới và có khả năng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Công ty được phân bổ thu mua tạm trữ 20.000 tấn. Từ ngày 15-7-2010, cùng với 3 điểm thu mua chính tại 3 xí nghiệp trực thuộc, công ty đã triển khai thêm nhiều chốt, trạm thu mua lúa gạo lưu động tại các huyện thuộc TP Cần Thơ và Hậu Giang, Kiên Giang. Tính đến cuối tháng 7-2010, công ty đã thu mua tạm trữ được hơn 6.000 tấn quy gạo. Dự kiến trong tháng 8 này, công ty hoàn thành xong chỉ tiêu thu mua tạm trữ mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao và bước sang tháng 9 công ty sẽ xin chủ trương của Hiệp hội cho mua tạm trữ thêm 10.000 tấn gạo nữa”. Bà Trần Thị Kim Huyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông, cũng cho biết: “Đến cuối tháng 7-2010, công ty đã thu mua tạm trữ được 600 tấn gạo các loại và thu mua được hơn 1.000 tấn lúa (tương đương với hơn 500 tấn gạo). Giá thu mua lúa tại nhà máy ở mức 3.900-4.050 đồng/kg, gạo trắng 6.100-6.400 đồng/kg. Khả năng công ty sẽ hoàn thành được chỉ tiêu mua tạm trữ 10.000 tấn quy gạo ngay trong tháng 8-2010”.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Công thương TP Cần Thơ, sau 2 tuần thực hiện thu mua tạm trữ, 9 DN được giao chỉ tiêu đã thu mua tạm trữ tại thành phố đã thu mua tạm trữ hơn 50.548 tấn quy gạo. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện không chỉ các DN được giao chỉ tiêu mới thực hiện việc thu mua lúa gạo tạm trữ mà nhiều DN khác cũng tranh thủ đẩy mạnh việc thu mua lúa gạo nhằm tranh thủ lúc giá còn thấp mua vào, chủ động chuẩn bị “nguồn hàng” để phục vụ cho việc đấu thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, đặc biệt là các hợp đồng cho đầu năm 2011. Sau vụ hè thu này sẽ không còn nhiều lúa gạo hàng hóa để các DN thu mua nữa nên nhiều DN còn thiếu “nguồn hàng” đang tranh thủ mua vào. Làm cho giá lúa gạo liên tục nhích lên trong những ngày gần đây”.

Cũng theo ông Lê Văn Hừng, giá nhiều loại lúa gạo hiện đã vọt lên ở mức trên 4.000 đồng/kg nhưng rõ ràng đa số nông dân chưa được hưởng mức giá này. Nguyên nhân do đa phần những hộ nông dân nghèo, không có điều kiện trữ lúa hiện đã không còn lúa để bán. Bên cạnh đó, do phải bán lúa qua các trung gian nên nông dân cũng chưa được hưởng mức giá cao nhất. Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng ở Trung ương cần có chính sách lâu dài cho việc tạm trữ lúa gạo vào những thời điểm rộ mùa và nên có sự chủ động trước trong việc tạm trữ lúa gạo cho các năm tới.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Đã thu mua tạm trữ trên 400.000 tấn gạo các loại

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu này, sau hơn nửa tháng thực hiện, các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ được trên 400.000 tấn gạo các loại. Nhìn chung, giá gạo mua tạm trữ đã tăng lên, có lợi cho nông dân sản xuất vụ lúa hè thu 2010, giá sàn thu mua ở loại lúa giống IR 50404 là từ 3.950 đồng đến 4.000 đồng/kg, đối với lúa khi xay xát thành phẩm gạo đạt chuẩn về độ ẩm để xuất khẩu.


Thu mua lúa gạo tại Công ty Lương thực Sông Hậu ở TP Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết