07/05/2008 - 22:30

Nhà nông đối mặt với nỗi lo tăng chi phí...

Đợt “sốt” giá gạo vừa qua, giá lúa cũng đã tăng cao theo giá gạo, lúa thường đạt mức đến 6.000 đồng/kg. Nhiều người ăn gạo đong lo sốt vó trước giá gạo tăng cao. Trong khi đó, nhiều nông dân lại cho rằng nếu giá lúa gạo không tăng thì nông dân sẽ là người thiệt thòi nhất. Bởi lẽ, thời gian qua giá phân bón cứ tăng liên tục, các loại chi phí khác như: xăng dầu, công cắt, suốt… cũng đã tăng so với trước!

* NHU CẦU GIẢM, PHÂN BÓN VẪN TĂNG GIÁ MẠNH

Sau một thời gian giảm giá, trong 3 tuần qua, tại các tỉnh, thành ĐBSCL, giá nhiều loại phân bón đã tăng mạnh trở lại. So với giữa tháng 4-2008, hiện giá phân DAP đã tăng 170.000-210.000 đồng/bao, phân urê tăng 60.000 –70.000 đồng/bao, nhiều loại phân NPK tăng 20.000-30.000 đồng/bao. Giá phân urê trên thị trường ĐBSCL đang phổ biến ở mức 435.000-475.000 đồng/bao, tùy theo cửa hàng (các cửa hàng là đại lý cấp 1 có giá bán rẻ hơn). Còn giá phân DAP (Trung Quốc) ở mức 1.150.000-1.300.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá NPK 20-20-15 Đầu Trâu, của nhà Máy Bình Điền hiện ở mức 720.000-730.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật: 600.000-630.000 đồng/bao; Kali Canada: 620.000 đồng/bao...

Nhiều chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ cho biết, giá phân bón trong nước đang tăng mạnh do một số nước trên thế giới (như Trung Quốc) tăng mức thuế xuất khẩu phân bón từ ở mức 35% lên 135%. Dự đoán giá nhiều loại phân bón có khả năng còn tăng cao trong thời gian tới, nhất là các loại phân NPK. Do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng nên hiện một số nhà máy sản xuất phân NPK trong nước đã thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá trong thời gian tới.

Giá phân bón tăng đang làm nhiều nông dân ở TP Cần Thơ lo lắng. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Giá phân bón tăng, ngoài nguyên nhân do nguồn cung phụ thuộc vào nhập khẩu, còn do nhiều nông dân ở ĐBSCL thường mua nợ phân tới cuối vụ mới trả tiền. Vì vậy, để đảm bảo kinh doanh có lời, nhiều cửa hàng đã kê giá bán phân bón lên. Mặt khác, giá phân bón tăng cao còn do khâu phân phối hàng lòng vòng, qua nhiều trung gian. Đơn cử như giá bán buôn phân urê tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đang ở mức khoảng 8.100-8.200 đồng/kg nhưng về tới các tỉnh, thành ĐBSCL tăng đến 9.500 đồng/kg.

Hiện nay, nhà nông không chỉ chịu sức ép phân bón tăng giá mà còn gặp khó khăn, do nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp không bán thiếu nợ như các vụ trước. Bà Trần Thị Bạch Tuyết, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Sẩm Dũng ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, phân bua: “Hiện nay, hơn 90% nông dân ở đây mua chịu phân bón đến cuối vụ mới trả tiền. Với tình hình giá phân bón tăng cao, tôi chỉ bán chịu phân bón với số lượng hạn chế so với trước”. Còn chị Nguyễn Kim Tuyết, chủ cửa hàng phân bón Ngọc Danh ở quận Ô Môn, giải thích: “Năm nay, giá phân ở mức cao nhưng sức mua phân bón vẫn như cùng kỳ năm trước. Chỉ có điều, nếu giá phân quá cao thì nhà nông làm lúa và trồng trọt hoa màu, cây ăn trái sẽ không có lời nhiều, thậm chí bị lỗ. Vì vậy, nhằm đảm bảo nguồn vốn kinh doanh, hiện tôi bán phân trả tiền mặt chứ không cho mua thiếu như trước”.

* CHI PHÍ CAO, NHƯNG GIÁ LÚA CÒN... HỒI HỘP!

Sau khi tính toán các khoản chi phí, anh Nguyễn Văn Phương (ở ấp Tân Phước, xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt), giải bày: “Với 6 công (1.300 m2) lúa vụ xuân hè, chỉ riêng chi phí phân bón đầu vụ đã khoảng 1 triệu đồng/công, còn tổng chi phí cho cả vụ ít nhất cũng phải 2 triệu đồng/công. Như vậy, nếu làm trúng mùa, từ 35 giạ/công trở lên mới có lời, nhưng cũng còn tùy thuộc vào giá lúa nữa. Nếu đến khi thu hoạch, giá lúa được 6.000 đồng/kg thì có lời, còn dưới 5.000 đồng/kg, cầm chắc bị lỗ vốn...”. Ông Lê Văn Hoánh, nông dân ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chi phí vụ này đã tăng thêm khoảng 500.000 đồng/công so với vụ đông xuân. Vốn cao như vậy, giá lúa phải ở mức 6.000 đồng/kg, mới có lời...”. Còn ông Nguyễn Văn Chính ở ấp Vĩnh Qui, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, có 2,6 ha lúa xuân hè, nhẩm tính: “Vụ đông xuân rồi, trừ hết chi phí tôi còn lời được 2 triệu đồng/công (1.300 m2). Có mức lời cao do trúng mùa và lúa có giá. Vụ rồi, năng suất đạt 8 tấn/ha và bán được giá bình quân 5.000 đồng/kg. Giá phân vụ rồi cũng thấp hơn nhiều so với hiện nay, DAP chỉ 800.000-900.000 đồng/bao. Còn vụ xuân hè này, năng suất không bằng vụ đông xuân, giá phân lại cao hơn nên mức lời sẽ giảm đáng kể. Ước tính, năng suất vụ này cũng chỉ đạt 5,5-6 tấn/ha, trong khi giá phân DAP vụ này trên 1 triệu đồng/bao. Tôi hy vọng vụ này Nhà nước có chính sách giữ giá lúa ở mức như hiện nay thì may ra nông dân mới đảm bảo có lời”.

KHÁNH TRUNG-ANH KHOA

Tổ Điều hành giá cả thị trường trong nước của Chính phủ vừa tổng hợp tình hình cân đối các mặt hàng trọng yếu để báo cáo Chính phủ, trong đó có tình hình cung-cầu phân bón. Theo đó, vụ hè thu (từ tháng 4 đến tháng 6) năm nay, cả nước cần khoảng 400.000 tấn urê (các tỉnh miền Bắc 30.000 tấn, miền Trung 80.000 tấn, Nam bộ 290.000 tấn).

Nguồn tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, phân bón tồn kho đến ngày 1-4 là 213.000 tấn. Trong 3 tháng (4-6), lượng phân urê sản xuất trong nước là 177.000 tấn và nhập khẩu 150.000 tấn. Như vậy, tổng nguồn cung đạt 540.000 tấn, đủ cung ứng vụ hè thu và gối đầu sang quí 3-2008.

Chia sẻ bài viết