02/09/2024 - 16:50

"Nguyện ước yêu thương" và khao khát hòa bình 

Chiến sự ở Syria là điều thế giới đều biết nhưng nó diễn ra thế nào và người dân ở đó sống ra sao là điều mà cô bé 7 tuổi Bana Alabed sẽ kể cho mọi người nghe qua tự truyện "Nguyện ước yêu thương" (NXB Thế giới, Bùi Thị Ngọc Hương dịch). Những trải nghiệm kinh hoàng, những ký ức tồi tệ và những điều cầu nguyện của cô bé về một cuộc sống bình yên, không sợ hãi, không chiến tranh khiến độc giả thấu hiểu sâu sắc giá trị của 2 chữ "hòa bình".

Bana Alabed, sinh năm 2009 ở thành phố Aleppo, Syria. Cuộc sống của cô bé và gia đình bình yên cho đến năm cô bé 3 tuổi. Chiến sự nổ ra đã khiến đời sống của bao người dân vô tội bị đảo lộn. Trong 4 năm tiếp theo, Bana và gia đình luôn sống trong lo lắng, sợ hãi vì nơi cô bé sống là nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất. Đỉnh điểm là khi chính quyền thực hiện chiến dịch ném bom liên tục vào phía Đông thành phố Aleppo để tiêu diệt quân đội tự do Syria. Một trái bom đã rơi trúng nhà của gia đình Bana, may mắn là không ai thiệt mạng vì kịp chạy xuống hầm trú ẩn. Cả nhà phải trốn chạy tới vùng quê hẻo lánh trong khí hậu lạnh giá, thiếu thốn thức ăn, nước uống trầm trọng cùng những nguy hiểm do bom rơi, đạn nổ. Tương lai nào đang chờ đón cô bé và gia đình?

Trước đó, Bana được mẹ dạy cách dùng mạng xã hội Twitter và cô bé thường xuyên đăng tải những dòng trạng thái về cuộc sống của mình cũng như kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Hàng loạt những dòng trạng thái của cô bé đã gây chú ý cho cộng đồng thế giới, như: "Làm ơn hãy dừng chiến tranh lại đi, chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi!", "Làm ơn đừng tước đi tuổi thơ của chúng tôi!", "Tôi chỉ muốn sống mà không phải sợ hãi", "Nhân danh toàn thể trẻ em ở Aleppo, tôi yêu cầu hãy trao hòa bình cho chúng tôi"… Từ đó, với hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên Twitter cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng, của những người yêu hòa bình trên thế giới, Bana trở thành tâm điểm của đấu tranh cho hòa bình. Khi gia đình cô cùng người dân ở Aleppo rơi vào cảnh khốn khó, bế tắc, tưởng chừng không lối thoát khi chạy trốn chiến tranh thì chính sự lan truyền tích cực trên mạng xã hội và những tác động của các tổ chức, các quốc gia, họ đã được cứu!

Cuốn sách như một quyển hồi ký với từng chương nhỏ, kể lại tuần tự cuộc sống và những trải nghiệm không thể nào quên của cô bé. Xen lẫn là những bức thư đầy yêu thương mà mẹ cô bé viết cho các con, như một lời tâm tình, trần thuật về kỷ niệm đáng nhớ và những khó khăn mà gia đình họ đã trải qua.

Theo bước chân cô bé, người đọc được dẫn dắt đến thành phố Aleppo xinh đẹp, cổ kính, gặp gỡ những con người thân thiện, hòa vào không khí đầm ấm, hạnh phúc của gia đình, nội, ngoại hai bên nhà cô bé Bana, đến cú sốc đầu đời khi quả bom đầu tiên rơi xuống thành phố và chiến sự nổ ra, cùng hàng loạt biến cố mà gia đình cô bé phải đối mặt.

Sự kinh hoàng của chiến tranh trong đôi mắt trẻ thơ được miêu tả bằng những suy nghĩ đơn giản, chân thật, đôi khi ngô nghê nhưng lại khiến người ta chua xót. Thời gian đầu, cô bé chỉ đơn thuần không thích chiến tranh vì cô bé phải mặc đồ con trai khi cửa hàng không còn đồ con gái; khi cô không được ăn những món ăn yêu thích vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm, vì mất đi những con búp bê yêu quý hay không được đi chơi, đi học… Dần dà, cô bé trưởng thành và hiểu chuyện hơn, góc nhìn của cô càng nhuốm màu u ám, đến nỗi đôi lúc cô không còn thiết sống vì quá mệt mỏi, quá sợ hãi. May mắn thay, cô bé còn có ba mẹ, họ hàng và những người dân tốt bụng làm điểm tựa, động viên, giúp nhau vượt qua khó khăn.

Hiện tại, gia đình Alabed đã an toàn trong cuộc sống mới với tư cách là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cô vẫn có rất nhiều những nguyện ước yêu thương hướng về quê hương, như: "Người ta ngừng đánh nhau bằng bom và súng đạn ở Syria và ở mọi nơi trên thế giới", "Tôi ước hòa bình lan tỏa khắp muôn nơi"…

"Nguyện ước yêu thương" giúp người đọc hiểu rõ sự đáng sợ của chiến tranh và thêm trân quý giá trị của hòa bình!

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết