07/02/2010 - 16:32

Nguyễn Hoàng Nam với những khoảnh khắc đẹp

TƯỜNG VI

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Nam trong một lần đi sáng tác. Ảnh: CTV 

“Mấy năm theo đuổi nghề nhiếp ảnh, tôi chiêm nghiệm rằng để nắm bắt những khoảnh khắc đẹp phải biết kiên nhẫn. Ai chờ được đến lúc ánh sáng, mây trời, sương mù, khung cảnh và cả con người giao thoa hòa quyện thì sẽ hy vọng thành công” - đó là tâm sự của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Nam - tay máy vừa đoạt giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật thường niên ĐBSCL năm 2009.

Anh đã đi về ngôi nhà nhỏ của một gia đình đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở Kiên Giang hơn 30 lần. Gởi vật dụng cá nhân, Nguyễn Hoàng Nam đi vào đồng năn trầm mình trong nước “canh” bầy Sếu. Thức ăn mang theo chỉ là xúc xích - vì được bọc trong lớp vỏ chịu nước. Sau một mùa Sếu dài từ 3 đến 3,5 tháng, anh đã rành mọi sinh hoạt của Sếu: giờ nào đi, giờ nào về, động tác nào báo hiệu nó sắp cất cánh hay lúc nào sắp cất tiếng kêu... Thời gian, sức khỏe, sự kiên nhẫn của anh đã kết tinh trong tác phẩm “Đôi bạn”. Trong ảnh thể hiện đôi Sếu vươn cao cổ cất tiếng kêu giữa nền trời hoàng hôn lãng đãng màu vàng nâu của nắng chiều sắp tắt trên nền xanh thẫm của rừng. Ảnh được trao Huy chương Vàng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật ĐBSCL năm 2009 như một sự “tưởng thưởng” cho lao động nghệ thuật của anh. Thế nhưng Nguyễn Hoàng Nam đã nói rằng: Sự “đạt” của tác phẩm mới là điều quan trọng nhất.

Tác phẩm “Mưu sinh”. 

33 tuổi, Nguyễn Hoàng Nam vẫn còn được gọi là nhiếp ảnh gia trẻ. Anh có gương mặt góc cạnh, làn da nâu sạm bởi nắng gió, trang phục đơn giản và chiếc túi bạc màu trĩu nặng lỉnh kỉnh thiết bị. Anh siêng đi khắp nơi để ghi lại những phong cảnh đẹp của quê hương An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Trò chuyện với ai, lúc nào câu chuyện của anh cũng trở về đề tài nhiếp ảnh và những chuyến đi thực tế sáng tác. Hơn 20 lần anh đi về chụp ảnh Tà Pạ - một thung lũng - đồng nước giữa vùng núi cao của huyện Tri Tôn, để “bắt” cảnh “Sương sớm Tà Pạ” với ánh nắng hửng nhẹ chiếu chút ánh vàng xanh trên mặt nước với đàn bò thong dong đi giữa sương mù. Tác phẩm này được trao giải nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật An Giang 2008. Anh mày mò, tìm tòi, học kinh nghiệm từ đồng nghiệp trên các diễn đàn nhiếp ảnh để biết sử dụng thiết bị hồng ngoại, kết hợp ống kính góc rộng để chụp “Làng nổi Châu Đốc”: khung cảnh quen thuộc trở nên huyền ảo với những sắc màu xanh thẫm, đỏ tía, vàng nâu - đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh thị xã Châu Đốc, giải nhì tỉnh An Giang và Huy chương Đồng cuộc thi ảnh của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cùng năm 2008. Anh nhớ lần đầu tiên thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy hơn hai tháng. Gần như kiệt sức sau chuyến đi, nhưng Nguyễn Hoàng Nam vẫn phấn chấn nói: “Những chuyến vào rừng phải ngủ qua đêm ở trạm kiểm lâm, rồi chạy đua ở Tây Nguyên né bão số 9... nhiều gian lao, nhưng tôi đã thu hoạch nhiều cảnh đẹp đất nước. Đó là tài sản vô giá với người cầm máy”.

Nguyễn Hoàng Nam là một trong những người chụp ảnh ở Đồng bằng sông Cửu Long sống chỉ bằng tác phẩm: sáng tác và bán ảnh cho các nhà làm lịch tại TP Hồ Chí Minh. Hành trang giúp anh có chỗ đứng trên thị trường là ảnh phong cảnh ĐBSCL - vốn hiếm ai dấn thân. Bên cạnh đó là lao động nghệ thuật nghiêm túc được kiểm chứng qua các giải thưởng. Từ tác phẩm đầu tay “Châu Đốc ngày nay” đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh thị xã Châu Đốc năm 2003, đến nhiều giải cao tại các cuộc thi ảnh thường niên ở địa phương trong các năm sau đó, rồi vươn xa đến các giải thưởng khu vực ĐBSCL, quốc gia và quốc tế trong những năm 2007 - 2008 - 2009 với các tác phẩm tiêu biểu như “Bếp nồng”, “Mưu sinh”, “Thuyền độc mộc”, “Sương sớm Tà Pạ”, “Đôi bạn”...

Tác phẩm “Bếp nồng”. 

Hiếm người biết, để có nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Nam hôm nay, là một câu chuyện khá dài đủ các cung bậc hỷ, nộ, ái, ố. Cách đây 7 năm, Nguyễn Hoàng Nam vốn là ông chủ của tiệm gia công cửa nhôm tại thị xã Châu Đốc. Đang “ăn nên làm ra” và có một gia đình êm ấm, anh “bén duyên” với nhiếp ảnh từ những lần xem Triển lãm ảnh nghệ thuật của CLB Nhiếp ảnh Châu Đốc. Đam mê của anh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của gia đình, dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Buồn, nhưng anh quyết tâm chứng minh cho gia đình thấy việc theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh sẽ đem đến những thành công khác trong cuộc sống. Anh lên TP Hồ Chí Minh theo học các lớp nhiếp ảnh căn bản, rồi nâng cao và nghệ thuật sử dụng photoshop. Nam kể: “Đó là thời gian cực khổ, thiếu thốn về vật chất nhưng giàu có trong nghề nghiệp của tôi. Ban ngày tôi đến lớp học hoặc lân la ở các studio học nghề. Đêm về, thường là sau 2 giờ sáng, một số studio cho tôi mượn phòng lab để thực tập. Thời gian này cho tôi kiến thức nền tảng để theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Bây giờ, bên cạnh những thành công trong nghệ thuật, Nguyễn Hoàng Nam cũng đã tìm được người bạn đời thấu hiểu, chia sẻ với khát vọng nghề nghiệp của anh. Khoe ảnh vợ và con trai vừa hơn một tuổi bụ bẫm dễ thương, anh cười rạng rỡ khiến người đối diện có cảm giác một mùa xuân mới và nhiều khoảnh khắc đẹp trong đời đang chờ tay máy trẻ đồng bằng.

Chia sẻ bài viết