28/11/2017 - 09:18

Nguy cơ ngộ độc vì tùy tiện uống paracetamol 

Paracetamol là thành phần chính trong các thuốc giảm đau, hạ sốt, được bán khá phổ biến không cần toa tại các nhà thuốc. Nhiều người dân dùng paracetamol nhưng không biết rõ liều lượng sử dụng, tác dụng phụ không mong muốn của thuốc có thể gây ngộ độc, thậm chí gây tử vong.

Nhiều tác dụng phụ

Chị Thu Thanh, 43 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, trong nhà chị luôn dự phòng thuốc giảm đau, hạ sốt có thành phần paracetamol. Mỗi khi chị, hoặc người thân trong gia đình bị nhức đầu, nóng sốt, đau họng,… thường uống thuốc này vài ngày đầu, nếu bệnh giảm thì thôi, không giảm mới đi bác sĩ khám. Chị Thanh không biết tác dụng phụ của thuốc có thể gây chết người.

Khi có vấn đề về sức khỏe, mọi người nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thành Suôl, Trưởng Khoa Dược BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, paracetamol là thành phần chính trong nhiều thuốc điều trị cảm cúm, giảm đau, chống viêm, hạ sốt, sổ mũi. Paracetamol được sử dụng rộng rãi trong điều trị sốt và các chứng đau từ nhẹ đến trung bình như: đau đầu, đau cơ, đau răng, đau khớp, đau bụng kinh… Thuốc có hiệu quả, nhất là giảm đau có cường độ thấp, không phải đau do nội tạng. Ngoài ra, paracetamol được dùng để hạ sốt ở người bệnh có thân nhiệt cao do bất cứ nguyên nhân gì như: viêm khớp, nhiễm khuẩn tai mũi họng, miệng, phế quản - phổi, say nắng, phát ban và truyền nhiễm ở trẻ em, sốt do tiêm chủng.

Thuốc paracetamol được bán khá phổ biến ở các nhà thuốc, không cần có đơn thuốc của bác sĩ, chủ yếu dưới dạng viên nén hay viên sủi với nhiều tên biệt dược khác nhau. Tuy nhiên, giống như các thuốc khác, paracetamol cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Đôi khi có phản ứng da (ban đỏ da, sần ngứa và mày đay). Khi dùng paracetamol liều cao (người lớn 6-10g/24 giờ) gây hoại tử tế bào gan, có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời. Ở người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, xơ gan, đang dùng các thuốc khác độc với gan thì có thể ngộ độc với liều thấp hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường. Nhiễm độc paracetamol có thể do dùng một liều độc duy nhất, hoặc do uống liều lặp lại lớn hơn liều điều trị hoặc do uống paracetamol dài ngày. Hoại tử tế bào gan phụ thuộc liều là tác dụng độc tính cấp nghiêm trọng nhất do quá liều và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cần bỏ thói quen xấu   

Bộ Y tế vừa thông tin một kết quả nghiên cứu về thói quen dùng thuốc của cộng đồng. Có tới trên 70% người bệnh ở nước ta tự mua thuốc về điều trị hoặc điều trị theo mách bảo của người xung quanh, đặc biệt sử dụng toa thuốc của người khác. Thói quen xấu này đã dẫn đến nhiều hậu quả: vi khuẩn gây bệnh đề kháng kháng sinh, làm số ngày điều trị tăng, chi phí tăng và tử vong tăng. Chính từ thói quen này đã dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thành Suôl, Trưởng Khoa Dược BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ, khi bị viêm họng, đau đầu, đau răng, đau bụng, thay vì phải đến viện khám để được điều trị đúng bệnh, rất nhiều người dân vẫn có thói quen ra hiệu thuốc, kể triệu chứng rồi nhờ người bán kê đơn, mua về uống. Thậm chí nhiều người cảm cúm cũng ra mua kháng sinh về uống trong khi thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên vi-rút, tác nhân gây cảm cúm. Nguy hiểm hơn, nhiều người dùng kháng sinh 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết viêm, hết đau thì ngừng thuốc. Cũng có người khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày, tùy theo từng người bệnh. Chính thói quen tự chữa trị này đã góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc và làm mất dần đi “thuốc kháng sinh” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Còn các bệnh nhân phải chịu hậu quả nặng nề, đối diện với nhiều rủi ro hơn khi cơ thể kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, lắp hệ thống camera tại các nhà thuốc để giám sát.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Việc sử dụng kháng sinh của người dân tràn lan dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất phức tạp. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều đã kháng kháng sinh, một số loại thậm chí còn biến đổi gen và kháng toàn bộ thuốc vốn vẫn dùng để điều trị bệnh. Một số loại thuốc mới đưa vào thị trường Việt Nam chưa được 10 năm đã giảm nhanh về độ nhạy cảm với các vi khuẩn và làm giảm hiệu quả điều trị.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết