 |
Hàng hóa thực phẩm chế biến đủ cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán 2009. Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Còn hơn 1 tháng là đến Tết Dương lịch và hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đang vào cuộc đua nước rút để chuẩn bị hàng phục vụ Tết. UBND TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo Sở Công Thương đề ra giải pháp để đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các DN vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng phục vụ Tết.
DN ĐÃ SẴN SÀNG
Đến nay, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch tăng cường sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường, đồng thời chủ động dự trữ nguồn hàng hóa. Bước đầu, những đơn vị này đã chuẩn bị một khối lượng hàng hóa với tổng giá trị trên 814 tỉ đồng. Trong đó: lương thực- thực phẩm gần 195 tỉ đồng; vải sợi- may mặc 40,5 tỉ đồng; đồ dùng gia đình gần 22 tỉ đồng; hóa mỹ phẩm hơn 30 tỉ đồng; xăng dầu gần 441 tỉ đồng... Theo nhận định của Sở Công Thương, nguồn hàng năm nay khá dồi dào, mẫu mã đẹp, chất lượng cũng được nâng lên.
Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) đã đăng ký với Phòng Kinh tế Quận Ninh Kiều về việc sắp xếp kinh doanh tại Chợ Cần Thơ, chợ Hưng Lợi và đường Nguyễn An Ninh trên 40 lô hàng bán trái cây, hoa tươi, hoa kiểng, bánh mứt, bia nước ngọt các loại. Riêng 2 xí nghiệp I và II trực thuộc công ty sẽ hoạt động suốt ngày đêm phục vụ Tết. Tổng Giám đốc C.T.C- La Minh Hồng cho biết: “Công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết với tổng giá trị hơn 7 tỉ đồng, trong đó mặt hàng lương thực- thực phẩm hơn 6 tỉ đồng. Nguồn hàng dự trữ năm nay tăng về giá trị so với năm ngoái, nhưng số lượng tăng không đáng kể”. Theo ông La Minh Hồng, hiện nay do lãi suất cho vay còn khá cao, nên đơn vị phân bổ kinh phí nhập và chọn lựa một số mặt hàng có khả năng sức mua tăng nhiều (như: bia, nước ngọt, đường, sữa, bột ngọt, xà bông...) để nhập trước khi phân bổ vào 3 tháng cuối năm 2008. Hai xí nghiệp trực thuộc C.T.C sẽ có kế hoạch tìm nguồn hàng và đặt hàng thực phẩm tươi sống dự trữ; còn bánh mứt, lạp xưởng... sẽ nhập hàng vào cuối tháng 12-2008 và đầu tháng 1-2009, tùy thuộc vào sức mua trong những ngày cận Tết.
Hiện nay, Siêu thị Co.opMart Cần Thơ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong 1 tháng Tết với tổng giá trị khoảng 60 tỉ đồng, tăng 35-40% so với năm rồi.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo ngành công thương có kế hoạch đảm bảo nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành công thương đã làm việc với một số DN trên địa bàn để nắm tình hình chuẩn bị nguồn hàng, nhu cầu vốn của DN mới, đề xuất cụ thể lên UBND thành phố để có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Chủ yếu tập trung vào nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá và các mặt hàng công nghiệp đóng hộp”. Theo ông Hừng, đây là năm đầu tiên TP Cần Thơ thực hiện chính sách hỗ trợ DN vay nguồn vốn ưu đãi để dự trữ hàng Tết, còn những năm trước DN phải tự chủ. Hiện Sở Công Thương đã gởi văn bản đến 2 DN (gồm C.T.C và Co.opMart Cần Thơ) tìm hiểu nhu cầu vay vốn dự trữ hàng trong dịp Tết và sẽ đề xuất lên UBND thành phố để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho những đơn vị này.
Bên cạnh đó, để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, giá cả biến động bất thường, ngành công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lượng cung- cầu hàng hóa trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
SỨC MUA TĂNG DẦN
Trong tình hình lạm phát, giá cả tăng, người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt hầu bao chi tiêu đã tác động đến sức mua trên thị trường. Hiện nay, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như heo hơi giảm 20%, cá cũng giảm từ 5-10% so với cùng kỳ. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc C.T.C, dự báo các mặt hàng đồ dùng và thực phẩm công nghệ (dầu ăn, bột ngọt, hàng nhựa...) sẽ không tăng nhiều trong dịp Tết; còn bánh kẹo, bia, nước giải khát có chiều hướng tăng từ 3-7% và sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. C.T.C đang làm đề nghị thành phố xem xét và có kế hoạch hỗ trợ cho công ty này vay ưu đãi để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, cá các loại) dự kiến khoảng 4,5 tỉ đồng. Năm 2008, lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các DN, nông dân gặp khó khi giá nông sản liên tục giảm. Thu nhập của nông dân thấp, do đó sức mua trong dịp Tết năm nay sẽ không cao hơn Tết Mậu Tý 2008.
Còn ông Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn- Cần Thơ- Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, giá cả các mặt hàng đã tăng 18-20% so với thời điểm chưa xảy ra lạm phát. Chính phủ đang nỗ lực giảm phát, nên sức mua năm nay sẽ không bằng năm trước và chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Hy vọng Nhà nước sẽ có biện pháp kích cầu trong những tháng cuối năm để cải thiện sức mua”. Hiện nay, nguồn hàng cung cấp cho Co.opMart Cần Thơ có đến 90% số lượng từ các DN ở TP Hồ Chí Minh. Do vậy, nguồn dự trữ của siêu thị khá ổn định.
Trong 10 tháng đầu năm 2008, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 36.398 tỉ đồng, tăng hơn 29% so cùng kỳ; trong đó, mức bán lẻ khoảng 16.752 tỉ đồng (đạt 90% kế hoạch năm và tăng 36,5% so cùng kỳ). Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thì thành phần kinh tế cá thể chiếm hơn 53% (đây là kênh phân phối bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường), kế đến là kinh tế tư nhân chiếm hơn 41%. Riêng tháng 10-2008, hàng hóa bán ra hơn 3.780 tỉ đồng, trong đó bán lẻ 1.770 tỉ đồng, tăng hơn 2% so với tháng 9-2008; giá cả nhóm hàng lương thực- thực phẩm tuy không tăng đột biến, nhưng ổn định ở mức cao làm ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Những ngày đầu tháng 11-2008, giá lúa, gạo, vật phẩm, vải sợi, hàng nhựa... có xu hướng tăng trở lại. Từ nay đến cuối năm, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và DN sức mua sẽ giảm so với Tết Mậu Tý 2008, dù giá cả được dự báo chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Ông Nguyễn Trung Mãn, Quyền Trưởng Phòng Thương mại - Sở Công Thương, cho biết: “Tết Mậu Tý 2008, tổng lượng hàng hóa dự trữ của DN trên địa bàn chỉ hơn 200 tỉ đồng. Năm nay do trượt giá, nguyên liệu đầu vào tăng, nên làm đội tổng giá trị hàng hóa lên trên 814 tỉ đồng. Thêm vào đó, nông dân sản xuất lúa, cá bán không được giá. Do đó, sức mua trong tháng Tết có tăng so ngày thường, nhưng sẽ không bằng năm ngoái”.
Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm do giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng giảm. Thị trường hàng hóa, tiền tệ trong nước đang dần ổn định, tuy nhiên sức mua tăng chưa đáng kể. Theo qui luật, sức mua hàng hóa trên thị trường sẽ tăng vào dịp cuối năm, khi các DN đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm, lượng kiều hối về nhiều và nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng.
GIA BẢO