17/02/2008 - 21:12

Giá hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao

Người lao động, thu nhập thấp gặp khó

Trước giá cả thịt gia cầm tăng cao, sức mua thịt gia cầm yếu so với trước. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua gia cầm làm sẵn tại chợ Tân An. Ảnh: ANH KHOA

Nhiều tháng qua, người tiêu dùng trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn do các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, ga… tăng giá mạnh. Đặc biệt, một số mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh trong dịp Tết Nguyên đán đến nay vẫn giữ giá cao, các dịch vụ ăn uống cũng có mức giá mới làm người lao động nghèo càng thêm bất an trước bài toán thu nhập và chi tiêu.

* Tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”

Sau Tết Nguyên đán, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống đã dần xuống trở lại như bình thường trước Tết. Đến ngày 16-2-2008, giá gà ta làm sẵn tại nhiều chợ nội ô thành phố đã xuống còn phổ biến ở mức 85.000 đồng/kg, vịt ta làm sẵn khoảng 40.000 đồng/kg; ức và đùi gà công nghiệp 35.000 đồng/kg, cánh gà công nghiệp 43.000 đồng/kg. Còn giá thịt heo nạc tại nhiều chợ ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, thịt đùi 50.000-53.000 đồng/kg... Các loại trứng gà, trứng vịt ở mức 12.000-16.000 đồng/chục, tùy loại. Tuy nhiên, nhiều loại cá đồng vẫn còn đứng giá ở mức khá cao. Cụ thể, cá lóc đồng loại 1 ở mức 60.000 đồng/kg; cá rô đồng loại 1 55.000 đồng/kg.

Hiện nay, dù giá thịt gà, thịt heo trở lại mức gần tương đương với thời điểm trước Tết Mậu Tý, song nếu so với cùng kỳ năm trước (tháng 2-2007), giá nhiều loại thịt heo cao hơn khoảng 19.000-20.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn giá cao hơn khoảng 28.000-30.000 đồng/kg, vịt ta làm sẵn khoảng 10.000-12.000 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Thanh, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Gia đình tôi có bốn nhân khẩu. Lúc trước, mỗi ngày đi chợ tốn khoảng 50.000 đồng, giờ phải tăng thêm 10.000 đồng/ngày nhưng lượng hàng mua được lại ít hơn. Tăng thêm thu nhập rất khó nên gia đình tôi phải chi tiêu rất gói ghém. Nhưng chỉ cần có nhiều khoản chi hiếu, hỉ phát sinh hay gia đình có người ốm đau là chúng tôi phải tìm cách cắt xén những nhu cầu chi tiêu khác để bù đắp”.

Còn anh Nguyễn Thành Đệ, công nhân ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, lo lắng: “Tôi chủ yếu ăn cơm tiệm vì công nhân không có thời gian nấu nướng. Cách nay chừng 2-3 tháng, một dĩa cơm giá chỉ 6.000 đồng, giờ lên đến 8.000 đồng. Giá cả tăng cao trong khi đồng lương công nhân không tăng theo kịp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, thu nhập trung bình của tôi chỉ khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng không có nhiều hàng làm, ít tăng ca thì thu nhập cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng. Trong khi đó, vừa phải chi tiền ăn, nhà trọ và các khoản chi xài cá nhân khác, mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng không đủ chi. Vì vậy, tôi phải chắt chiu từng đồng mới sống nổi trong tình hình giá cả hàng hóa leo thang như hiện nay...”.

Áp lực giá cả còn tác động đến học sinh. Nếu các em chỉ được cha mẹ cho khoảng 5.000 đồng để ăn sáng thì chỉ có thể lựa chọn ăn bánh mì và uống trà đá hoặc uống trà đá, ăn mì gói. Vì giá các món ăn như: cơm, hủ tiếu, phở... tại TP Cần Thơ hiện đã ở mức phổ biến từ 7.000-15.000 đồng/dĩa hoặc tô. Hầu như còn rất ít nơi bán cơm tấm hay hủ tiếu với giá 5.000 đồng/suất như trước đây. Giá cà phê hay trà Lipton tại một quán bình dân cũng ở mức từ 3.000-5.000 đồng/ly...

Trong khi đó, tiểu thương tại các chợ cũng lao đao vì giá tăng, sức mua giảm nên lợi nhuận giảm. Chị Đoàn Thị Mỹ Lệ, bán thịt gia cầm ở chợ An Nghiệp, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm nay, giá thịt gia cầm tăng quá cao nên khó bán và lợi nhuận thấp hơn các năm trước. Hiện nay, sức mua yếu nhưng do giá đầu vào cao nên tôi không thể hạ giá bán xuống”.

Ông La Phước Lợi, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến thực phẩm 1 (Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ), nhận định: Hiện nay, heo hơi có giá đến 33.000 đồng/kg, tăng khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá thịt bán ra chỉ tăng gấp rưỡi. Vì vậy, tiểu thương không lời nhiều bằng năm trước. Giá thịt heo tăng cao đã làm cho sức mua yếu, giảm khoảng 40%.

* Nông sản giá cao, nông dân có lợi?

Bà Võ Thị Sử, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, đang nuôi một ao cá trê lai diện tích 1.000 m2, cho biết: “Vụ vừa rồi tôi thu hoạch được 21 tấn cá trê, bán với giá 12.300 đồng/kg. Sản lượng tăng tới 5 tấn cá so với vụ trước, giá cũng tăng khoảng 3.000 đồng/kg. Nhưng sau khi trừ chi phí, tính ra tôi đã bị lỗ tới 50 triệu đồng. Nguyên nhân do các chi phí đầu vào như: thức ăn, xăng dầu... đều tăng mạnh. Năm trước, giá cá biển phụ phẩm dùng làm thức ăn cho cá trê chỉ ở mức 2.000-2.500 đồng/kg, nay đã vọt lên ở mức 4.800 đồng/kg. Bây giờ, ai nuôi cá trê mà bán dưới giá 13.000 đồng/kg là coi như bị lỗ. Vụ này tôi đang thả nuôi lại 400 kg cá giống, nếu bị lỗ nữa chắc tôi nghỉ nuôi luôn”.

Dù giá heo hơi đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng giá thức ăn gia súc, giá heo giống... đều tăng cao, nên người nuôi heo cũng không còn lời nhiều. Chị Ngô Ngọc Dung, ở Cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), cho biết: “Tôi nuôi 20 con heo thịt. Vừa qua, tôi bán một số con với giá 3,1-3,2 triệu đồng/tạ, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời được 300.000-400.000 đồng/tạ. Được vậy là nhờ tôi chịu khó bỏ công đi lấy cơm, canh cặn về cho heo ăn. Chứ nuôi heo cho ăn thức ăn công nghiệp tính ra lời meo lắm. Với giá heo hơi hiện tại, nếu nuôi giỏi chỉ còn lời khoảng 100.000-200.000 đồng/tạ. Vì vậy, năm nay ít người nuôi heo hơn các năm trước”.

Còn ông Hà Ngọc Thuận, nông dân trồng rau màu ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, tính toán: “Năm nay, giá các loại rau màu đều tăng. Thậm chí có nhiều loại như: rau muống, mồng tơi... giá đã tăng gấp đôi so với năm trước nên thu nhập của gia đình tôi tăng đáng kể. Tuy nhiên, giá các loại vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày cũng đã tăng mạnh so với năm trước nên gia đình tôi cũng phải tiêu xài rất tiết kiệm. Vì giá rau muống, mồng tơi dù tăng lên gấp đôi cũng chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, trong khi các loại cá thịt và hàng tiêu dùng đã tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/kg hoặc món hàng”.

KHÁNH TRUNG – ANH KHOA

Chia sẻ bài viết