08/10/2017 - 08:19

Người dùng Internet Ấn Độ lao đao vì “tin vịt” 

Trong khi ở phương Tây, tin tức giả thường nhằm vào giới chức cấp cao và người nổi tiếng thì tại Ấn Độ, những mẩu “tin vịt” trên mạng đã trở thành một phần trong đời sống hằng ngày, thậm chí làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng thời tiết, gia tăng bạo lực giữa các tầng lớp và tôn giáo, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Người dân đọc tin tức trên điện thoại tại Thủ đô New Delhi. Ảnh: Quartz 

Theo ghi nhận từ báo The National, Ấn Độ có 200 triệu người dùng WhatsApp và ít nhất 300 triệu công dân sử dụng điện thoại thông minh hỗ trợ ứng dụng nhắn tin miễn phí qua Internet phổ biến nhất thế giới này. Vì vậy, WhatsApp là phương tiện truyền đạt hoàn hảo để tung tin đồn tại quốc gia Nam Á. Bởi ngay cả những người dùng “mù chữ” cũng có thể xem các đoạn video hoặc hình ảnh giả mạo được phát tán trên nền tảng trực tuyến này.

Washington Post cho hay có rất nhiều tin tức giả tại Ấn Độ đã được lan truyền thông qua WhatsApp. Đáng chú ý là chúng mang nội dung về tất cả vấn đề - chẳng hạn như những thuyết âm mưu về các chính trị gia, cảnh báo về tấn công khủng bố, những trường hợp thiên văn kỳ dị và cả tuyên truyền tôn giáo.

Trong đó, nhiều “tin vịt” đã gây hoang mang trong dư luận. Như hồi tháng 11 năm ngoái, tin đồn về việc thiếu muối ăn đã gây nên “cơn sốt” muối tại 4 bang của Ấn Độ. Còn nữ bác sĩ Neeraja Swaminathan ở thành phố Chennai kể từng nhận được một tin nhắn trên WhatsApp, cảnh báo rằng loại thuốc viên paracetamol mới có chứa vi-rút gây chết người Machupo.

Đáng quan ngại là một số tin giả còn dẫn tới các vụ bạo lực chết người. Như hồi tháng 5, tin đồn về những kẻ bắt cóc trẻ em tại một ngôi làng đã châm ngòi cho nhiều vụ hành hung làm 7 người thiệt mạng. Còn hồi tháng 8, tin tức về một băng đảng bí ẩn chuyên cắt tóc của phụ nữ ở miền Bắc Ấn Độ đã lan truyền tâm lý hoảng sợ và khiến một phụ nữ bị giết hại.

Không chỉ vậy, tin tức giả cũng làm leo thang căng thẳng tôn giáo. Mới đây, các bức ảnh chụp những vụ tấn công nhằm vào người Hindu bị tố là do “những phần tử khủng bố Hồi giáo Rohingya” thực hiện đã được chia sẻ khắp mạng xã hội tại Ấn Độ. Sự việc sau đó gây nên lòng căm hận đối với người Rohingya ở quốc gia có người Hindu chiếm đa số.

Tin giả tràn lan đã dẫn tới sự xuất hiện của “những nhà kiểm tra sự thật”. Tuy có xuất thân khác nhau (từ cựu phóng viên, chuyên viên phần mềm cho đến dân thường), nhưng họ là những người đang lập ra các trang web cùng chung mục đích “lật tẩy” những câu chuyện hoang đường đang lưu hành trên mạng.

    Đơn cử, cựu kỹ sư phần mềm Pratik Sinha đã sáng lập trang web chuyên kiểm chứng sự thật www.altnews.in. Tương tự, Shammas Oliyath - cựu nhân viên của Tập đoàn máy tính IBM bắt tay với doanh nhân Internet Bal Krishn Birla tạo ra trang web kiểm tra sự thật www.check4Spam.com, nơi khách hàng gửi những thông tin mà họ muốn kiểm chứng đến qua điện thoại. “Hiện chúng tôi nhận được khoảng trên 200 tin nhắn mỗi ngày nên không thể giải quyết kịp. Chúng tôi có quá nhiều công việc đang chờ đến nỗi phải thuê 6 tình nguyện viên để giúp đỡ”- ông Oliyath cho biết.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ấn ĐộInternet