05/04/2015 - 16:26

Người dân đổ xô bán lá mãng cầu gai

Báo Cần Thơ vừa qua đã có bài viết thông tin việc nhiều thương lái đến Hậu Giang, Tiền Giang… để thu mua lá mãng cầu gai tươi, không rõ mục đích sử dụng. Hoạt động thu gom này cũng đã lan rộng đến nhiều địa bàn trong khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng khi gần đây tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, với nhiều thương lái đến "gom hàng" lá mãng cầu tươi với giá khá cao. Thấy lợi nhuận trước mắt, người dân đổ xô bẻ lá mãng cầu tươi bán bất chấp rủi ro.

Trong 8 ấp của xã Vĩnh Quới, Vĩnh Kiên là ấp trồng mãng cầu gai số lượng nhiều, có những gia đình trồng hơn 1ha đất. Đây cũng là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thế nhưng, thời điểm này nhiều vườn mãng cầu gai ở Vĩnh Kiên chỉ toàn cây trụi lá bụi bám đầy, "chết đứng" dưới cái nắng chói chang. Bước vào gia đình ông Lê Văn Út Ba, trước sân, sau nhà đều có lá mãng cầu gai đang trong giai đoạn phơi khô. Theo ông Ba, lá này đã được ông bán với giá 12.000 đồng/kg cho thương lái và đang được thương lái phơi khô.

Mãng cầu gai từng được xem là cây ăn trái giúp người dân ở xứ Vĩnh Quới làm giàu nhanh chóng. Ông Ba cho biết: "Tôi bắt đầu trồng mãng cầu gai vào năm 1994 với diện tích khoảng 1,5 ha. Thời đó mãng cầu có giá, bình quân 1 ha cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Giờ giá mãng cầu trái không còn cao như xưa, nhưng bù lại được thương lái đến mua lá tươi nên bẻ bán cũng lời. Thay vì để lá khô rơi bỏ cũng vậy". Đối với cây ăn trái, lá được xem là "lá phổi". Hiện nay, vì lợi nhuận trước mắt mà người dân quay lưng khi bán đi "lá phổi" của cây.

Lá mãng cầu được thương lái thu mua và phơi đầy sân nhà.

Theo như người dân ở ấp Vĩnh Kiên, trong số các thương lái đang thu mua lá mãng cầu tươi, điểm nóng "gom hàng" là ông Lê Văn Mười. Tuy nhiên, ông Mười nói: "Tôi chỉ là người mua đi, bán lại, lấy công làm lời. Sau khi thu mua lá tươi, tôi phải phơi khô và bán cho công ty có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh với giá 40.000 đồng/kg". Khi được hỏi về địa chỉ và chủ công ty thu mua thì ông Mười bảo mình không biết. Hiện tại, gia đình ông Mười có thêm hai vợ chồng tự xưng là người ở tỉnh Kiên Giang (không cho biết tên) đang ở cùng gia đình ông phụ giúp buôn bán. Hai vợ chồng này tỏ ra rất am hiểu về quy trình thu gom, sử dụng lá mãng cầu gai, cho biết: "Chủ công ty thu mua là người Hàn Quốc, tuyệt đối không phải Trung Quốc. Lá mãng cầu sau khi mua được công ty đóng gói gởi về đất Hàn chế biến thuốc, có kiểm định của hải quan. Thuốc từ lá mãng cầu gai là "thần dược", trị được bá bệnh. Vợ chồng tôi uống mỗi ngày người khỏe khoắn, không lo bệnh tật gì cả".

Theo như người dân ở đây, loại thuốc mà vợ chồng người đàn ông lạ mặt đến từ Kiên Giang "chào hàng" là thuốc dạng bột, đóng gói giống như trà túi lọc, nấu với nước uống mỗi ngày. Trên bao bì có ghi trị được nhiều thứ bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư. Việc lấy lá mãng cầu gai làm thuốc có đúng là "thần dược" trị nhiều thứ bệnh hay không, hiện chưa có cơ quan nào xác định; nhưng trước mắt người dân đổ xô hái lá mãng cầu tươi đem bán đã ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng của cây. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quới, cho biết: "Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo về trên và theo dõi sát tình hình. Trước mắt là dùng biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác với việc mua bán còn nhiều khúc mắc".

Vẫn chưa có thông tin chính thức thương lái đến Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… thu mua lá mãng cầu gai tươi nhằm mục đích gì, nhưng việc người dân ở Vĩnh Quới đang sử dụng loại thuốc "thần dược" trị được nhiều bệnh và đua nhau hái lá mãng cầu gai tươi để bán là có thật. Thực trạng này đòi hỏi cần có sự quan tâm, sớm làm rõ, can thiệp của ngành chức năng để người dân nhẹ dạ, cả tin, nhất là nông dân ở nông thôn vùng sâu không bị "tiền mất, tật mang".

Bài, ảnh: DUY ANH

Chia sẻ bài viết