02/05/2019 - 08:02

Người dân đã ưu tiên tiêu dùng hàng Việt 

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cho biết, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ý thức của người tiêu dùng đã chuyển biến tích cực. Các hoạt động tuyên truyền triển khai rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú như: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để từng bước tạo uy tín, khẳng định thương hiệu, nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...

Chung tay

Qua 10 năm triển khai và tổ chức thực hiện, nhận thức về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, trước hết là trong Ban Chỉ đạo cuộc vận động (BCĐ CVĐ) các cấp. Quá trình thực hiện, BCĐ CVĐ đặc biệt tập trung công tác tuyên truyền tạo sức lan tỏa đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, từ đó, tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức cũng như hành vi của hầu hết người tiêu dùng và trong các tầng lớp nhân dân. BCĐ CVĐ cùng các doanh nghiệp đã có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong quá trình xúc tiến đưa nhiều hàng Việt về nông thôn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân với chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, giá cả cạnh tranh, đã tạo được lòng tin vững chắc trong hầu hết người tiêu dùng đối với hàng Việt, do đó, tâm lý "sính hàng ngoại" đã giảm dần. Chẳng hạn, tại quận Thốt Nốt, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt chiếm hơn  93%.

Người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt. 

Ông Cao Thanh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thới Lai, cho biết: Trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là vị trí hàng đầu; quá trình triển khai vận dụng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong và ngoài huyện. Công tác phối hợp thực hiện CVĐ giữa các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được đồng bộ, chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tham gia thực hiện CVĐ. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong từng cơ quan, đơn vị đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam tại nơi công sở và ngay trong sinh hoạt tiêu dùng của gia đình. UBND các quận, huyện đã hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Ở quận Ô Môn, trong 10 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn và hỗ trợ cho 2.009 hộ và cơ sở, số tiền hơn 314,6 tỉ đồng; 13 doanh nghiệp vay đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, số tiền 54 tỉ đồng; ngoài ra còn cho doanh nghiệp vay mua sắm tư liệu sản xuất, cải tiến công nghệ, hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp... Nhờ đó, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia thực hiện tốt chương trình bình ổn giá thị trường và chuẩn bị nguồn hàng nguyên liệu vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm; cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đã nâng lên một bước nhận thức về thay đổi hành vi và xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân, từng bước xóa dần tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân; nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước có uy tín được giới thiệu quảng bá thương hiệu thông qua nhiều hình thức, tạo được niềm tin đối với khách hàng, sức mua của thị trường tăng lên hằng năm. Công tác kiểm tra giá cả hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu cũng được các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động

Theo điều tra của Ban Tuyên giáo dư luận xã hội về đánh giá thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP  Cần Thơ năm 2018, cho thấy ý thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam (thể hiện qua việc xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam với tỷ lệ khá cao đạt 58,8%). Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng buôn lậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm có chiều hướng gia tăng… nên phần nào làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động. Thực tế hiện nay, các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài cũng như thách thức từ việc cắt giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN do đó công tác vận động mua sắm hàng Việt Nam gặp không ít khó khăn.

Theo BCĐ CVĐ các quận, huyện, công tác tuyên truyền về CVĐ có thường xuyên, liên tục nhưng số lượng các cuộc tuyên truyền theo chuyên đề chưa nhiều, thông tin tuyên truyền cổ động trực quan về CVĐ còn ít. Công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá về sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt đến người tiêu dùng còn chưa thường xuyên. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam chưa tạo động lực mạnh mẽ, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia CVĐ. Trong khi đó, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra, gây thiệt hại cho sản xuất và ảnh hưởng lớn quyền lợi của người tiêu dùng. Nguyên nhân được đưa ra là do nguồn kinh phí đầu tư cho CVĐ chưa được quan tâm đúng mức; các thành viên BCĐ các cấp đa số là kiêm nhiệm. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam chưa tạo động lực mạnh mẽ, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia CVĐ. Các doanh nghiệp trong nước, trên địa bàn thành phố đang phải chịu ảnh hưởng cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Cùng đó, vẫn còn không ít người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại.

  Có thể nhìn nhận rằng, sau 10 năm thực hiện CVĐ tại TP Cần Thơ đã tạo chuyển biến trong nhận thức, tâm lý người tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp tạo kênh phân phối sản phẩm hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để CVĐ thực sự mang lại hiệu quả tích cực, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường, doanh nghiệp cần chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa. Thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tạo điều kiện để mỗi xã, phường, thị trấn có sản phẩm đặc trưng; không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; cam kết thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm phát triển sản xuất tại địa phương. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng... để người dân an tâm sử dụng hàng Việt.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hàng Việt