24/10/2012 - 14:48

Người cán bộ lão thành gương mẫu

tuổi đã cao nhưng bác Lý Phước Vận vẫn hăng say lao động sản xuất và nhiệt tình với công tác địa phương.

Nhiều cán bộ, bà con ấp Nhơn Thọ I, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền đều biết tiếng và mến phục ông Lý Phước Vận (Năm Vận) - người cán bộ lão thành cách mạng gương mẫu, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ bà con xóm giềng. Trong năm 2012, ông Năm Vận được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen là người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích trong lao động sản xuất, học tập và công tác toàn quốc; được Huyện ủy Phong Điền khen là cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, rợp mát dưới những tán cây xanh um, ông Năm Vận bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tham gia cách mạng. Ông kể: "Tôi nhập ngũ vào tháng 3-1950, làm nhiệm vụ liên lạc ở Liên khu Miền Tây. Sau đó, tôi được phân công làm công tác y tế rồi gắn bó luôn với công tác này. Tôi được cấp trên cử đi học y tá, y sĩ rồi đến bác sĩ và phục vụ cho nhiều trận địa. Tháng 1-1960, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng".

Lần giở từng trang nhật ký, ông Năm Vận đọc cho chúng tôi một đoạn viết ngắn: "Lúc này thèm một bữa cơm quá - cứ có cho mình một nồi cơm và muối ăn cho đã là "ưu điểm" - có những hôm hành quân suốt ngày đói quá, lả người ra (...). Lý tưởng ơi, ở lúc này là lúc phải lấy tinh thần mà thắng vật chất,…". Ông Năm Vận bồi hồi cho biết thêm: "Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, hy sinh không thể quật ngã ý chí của người lính Cụ Hồ. Còn nhớ vào tháng 6-1961, khi chúng tôi đang vượt Trường Sơn thì có một đồng đội bị đau ruột thừa cấp. Giữa lúc tình thế nguy cấp đó, buộc lòng chúng tôi phải thực hiện ca phẫu thuật ngay tại chỗ với chỉ có 5cc thuốc tê 2%, ít cây kềm, cây kéo và dao mổ. Anh em thương nhau lắm, có người chạy vào bản của người dân tộc mượn đỡ một tấm ván để chúng tôi kê cho bằng phẳng. Sau 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi thực hiện xong ca mổ. Nhìn người đồng đội mạnh khỏe mà ai cũng vui mừng khôn xiết".

Năm 1975, ông cùng đơn vị tiếp quản bệnh viện Trùng Chính, sau đổi thành Quân y viện 7A (TP Hồ Chí Minh) và giữ chức vụ là Chủ nhiệm Khoa Ngoại. Năm 1985, ông xin chuyển về Quân y viện 121 (TP Cần Thơ) giữ chức vụ là Chủ nhiệm khoa Ngoại. Năm 1986, ông làm Viện Phó Quân y viện 121. Cùng với anh em, tập thể cán bộ bệnh viện, ông đã góp phần tích cực trong việc đưa ngành ngoại khoa của bệnh viện phát triển. Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, ông ngày ngày duy trì phòng mạch tại nhà để khám bệnh cho bà con địa phương. Những năm gần đây, phần do tuổi cao, phần do sức khỏe yếu dần vì di chứng của chất độc da cam, ông đóng cửa phòng mạch nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ, khám bệnh, tư vấn về sức khỏe khi bà con tìm đến. Chị Nguyễn Thị Út (ngụ tại ấp Nhơn Thọ I, xã Nhơn Ái) cho biết: "Bà con quanh đây bị bệnh thường đến gặp ông Năm. Ông khám bệnh, cho toa, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe nhưng chẳng lấy tiền. Gia đình tôi cũng thường đến nhờ ông giúp đỡ…". Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ cùng ấp) cũng hết lời khen ngợi: " Ông Năm đối với bà con ở đây giống như "già làng" vậy. Người bệnh đến gặp ông, ông đều chỉ dẫn nhiệt tình, cho những lời khuyên bổ ích để mọi người biết cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe. Ông Năm rất tốt bụng. Trước đây, khi tôi bị bệnh, ông Năm khám bệnh, tận tình chỉ dẫn cách điều trị và còn cho tôi ít mật ong về tẩm bổ…".

Nhắc đến ông Năm Vận, nhiều bà con xung quanh đều khen ngợi tính cần cù, siêng năng, tư duy mới trong lao động sản xuất của ông. Hôm chúng tôi đến nhà, ông dẫn chúng tôi đi xem thành quả lao động bao năm qua. Ông bộc bạch: "Quen cầm kim tiêm, thuốc men, khi bắt tay chăm sóc vườn tược, tôi phải tìm tài liệu, tự học rất nhiều từ trong sách báo, tài liệu, bà con… Nhờ vậy, tôi mới rút ra nhiều kinh nghiệm hay và mạnh dạn ứng dụng vào vườn nhà". 9 công đất vườn của ông chủ yếu trồng vú sữa lò rèn. Bình quân, hàng năm vườn vú sữa thu lời trên 100 triệu đồng. Ông còn tận dụng những bờ đất trống trồng xen thêm đu đủ, chuối cao, chôm chôm… thu lời cũng gần 100 triệu đồng/năm. Những mương rạch nhỏ quanh nhà được ông cải tạo nuôi ếch, nuôi cá, không chỉ giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/ năm. Ông Năm Vận chia sẻ: "Giờ đây tuổi đã cao, bản thân tôi không thể lao động nhiều như trước nữa. Do vậy, tôi chủ yếu hướng dẫn con trai trồng trọt, chăn nuôi".

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Năm Vận vẫn tích cực tham gia phong trào ở địa phương. Ông là hội viên tích cực của các đoàn thể: Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông Dân, Hội Người Cao tuổi. Trong những buổi sinh hoạt chi bộ, bác Năm luôn mạnh dạn đóng góp ý kiến, chỉ ra những điểm đúng, điểm sai; nhắc nhở về tác phong, đạo đức làm việc của cán bộ đối với dân để cán bộ, đảng viên rút kinh nghiệm. Anh Nguyễn Thanh Tùng, công an viên xã Nhơn Ái, cho biết: "Ông Năm là một cán bộ lão thành gương mẫu. Trong cuộc họp chi bộ, không chỉ thông tin cho mọi người về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, ông Năm còn hay kể cho chúng tôi nghe về tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Năm luôn chú trọng việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Cứ chiều chiều, con nít trong xóm này hay tụ lại nhà ông Năm để nghe ông kể chuyện cổ tích, chuyện về bác Hồ...". Đồng chí Nguyễn Chi Lăng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái kể với vẻ kính trọng: "Bác Năm rất gương mẫu trong tác phong làm việc, về đạo đức, lối sống. Đối với xóm giềng thì sống gần gũi, chân tình giúp đỡ những ai gặp hoàn cảnh khó khăn. Còn đối với đảng bộ, chính quyền, bác Năm cũng đã có những đóng góp thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Bác Năm là một trong những cá nhân tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa được Huyện ủy Phong Điền khen vào dịp sinh nhật Bác Hồ vừa qua...". Tháng 7 vừa qua, ông Năm cũng là cá nhân tiêu biểu của thành phố được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen là người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích trong lao động sản xuất, học tập và công tác toàn quốc năm 2012. Trước đó, vào tháng 2-2012, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vì đã có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân…

Năm nay, ông Năm Vận vừa tròn 80 mùa xuân, với 52 tuổi Đảng. Ông tâm niệm: " Tôi còn sức khỏe thì còn cống hiến để góp phần xây dựng quê hương. Đồng thời, phải nêu gương tốt, giáo dục con cháu trong gia đình và đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ ở địa phương trong mọi hoạt động…".

Bài, ảnh: H. VÂN

Chia sẻ bài viết