Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, bộ đội Đặc công là một trong những đơn vị vũ trang cách mạng được thành lập từ khá sớm, ngay trước cuộc Đồng khởi 14-9-1960. Vừa thành lập, đơn vị đã đi ngay vào chiến đấu và chính trong thực tiễn chiến đấu mà xây dựng và trưởng thành, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào truyền thống binh chủng đặc biệt tinh nhuệ và chiến công chung của quân dân Trà Vinh anh hùng.
Người có mặt ngay từ buổi đầu thành lập và cũng là người chỉ huy đầu tiên của đơn vị chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cống.
Nguyễn Văn Cống, còn có tên là Út Ruộng, sinh năm 1932, trong một gia đình nông dân nghèo, tại ấp Nhì, xã Mỹ Long (nay là Mỹ Long Nam), huyện Cầu Ngang. Truyền thống của quê hương và gia đình đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm nơi chàng trai trẻ vùng đất ven biển này. Chưa đầy 18 tuổi, Nguyễn Văn Cống tham gia lực lượng dân quân du kích xã, làm giao thông liên lạc. Anh bị thực dân Pháp bắt được trong một trận đánh và đưa về giam tại khám đường Trà Vinh cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết.
Ra tù, Nguyễn Văn Cống tham gia công tác Đoàn Thanh niên xã Mỹ Long. Khi đơn vị bán vũ trang xã được thành lập (2-1959), anh trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của đơn vị. Giữa tháng 4-1959, cùng một số chiến sĩ gan dạ ở các xã vùng căn cứ, Nguyễn Văn Cống được rút về khu rừng ngập mặn Long Vĩnh làm nòng cốt để thành lập trung đội vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Các đồng chí trong tiểu đội của anh lần lượt được đặt bí danh là Quyết Tâm Chiến Đấu Thực Hiện Dân Cày Có Ruộng. Và Nguyễn Văn Cống có cái tên mới: Út Ruộng!
Do yêu cầu chiến đấu, tháng 6-1959, đồng chí Nguyễn Văn Cống cùng hai đồng chí khác được chọn ra để thành lập tổ Đặc công, do anh làm tổ trưởng. Nguyễn Văn Cống lặn lội tìm về các địa phương, tuyển chọn nhân sự, ổn định đơn vị, trực tiếp huấn luyện kỹ chiến thuật. Tháng 6-1960, tiểu đội Đặc công non trẻ đã lập nên chiến công đầu, tiêu diệt đồn Kinh Đào (tề xã Long Vĩnh) bằng phương thức bất ngờ thọc sâu đánh hiểm, diệt hơn 20 tên địch, thu gần 30 khẩu súng các loại.
Đầu năm 1961, Ban Quân sự tỉnh (tiền thân của cơ quan Tỉnh đội) quyết định mở lớp huấn luyện kỹ chiến thuật đặc công, đồng chí Nguyễn Văn Cống lại được phân công trực tiếp tuyển chọn hơn 80 học viên và trực tiếp đứng lớp huấn luyện. Ba tháng sau, Đại đội 513 Bộ đội Đặc công tỉnh Trà Vinh ra đời từ số học viên này, Nguyễn Văn Cống được phân công làm Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ. Đầu năm 1962, quân số Đại đội 513 lên đến 140 cán bộ, chiến sĩ - trở thành một trong những đơn vị quân số đông, trang bị khá của địa phương quân Trà Vinh. Trong hai năm 1962 1963, Đại đội Đặc công vừa tổ chức huấn luyện, xây dựng đơn vị vừa trực tiếp chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục đồn bót, cứ điểm quân sự, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Những chiến công tiêu biểu của đơn vị giai đoạn này là trận diệt đồn tề xã Ngũ Lạc, tề xã Long Toàn, đồn Cái Già (Hiệp Mỹ), tề xã Mỹ Long...
Đầu năm 1963, đơn vị Đặc công Trà Vinh lập nên một chiến công, đến nay vẫn còn được truyền tụng trong nhân dân Duyên Hải. Trong một trận càn quét vào vùng giải phóng Cái Đôi (Long Vĩnh), đại đội bảo an chi khu Long Toàn bắn bị thương và bắt được nữ đồng chí Bí thư Chi đoàn Út Tiếp, đưa về giam tại trại giam Long Toàn. Tỉnh đội Trà Vinh giao nhiệm vụ cho đơn vị Đặc công bằng mọi giá phải giải cứu cho được người nữ đồng chí này trước khi địch tổ chức tra tấn. Nhận mệnh lệnh, Chi ủy và chỉ huy đơn vị hội ý, chọn ra một tổ 6 người, do chính đại đội trưởng Nguyễn Văn Cống chỉ huy thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Cống phân công 4 chiến sĩ cảnh giới vòng ngoài, còn mình cùng đồng chí Nguyễn Văn Hưng (Hai Phát, sau này cũng trở thành Anh hùng LLVTND) vượt qua nhiều lớp hàng rào, đột nhập vào trại giam. Trở ra, Út Ruộng và Hai Phát thay nhau cõng người nữ tù đang bị thương nặng băng qua những lớp kẽm gai chướng ngại vật, bãi mìn và ánh đèn pha sáng rực của địch từ chòi canh liên tục quét tới quét lui để về tuyến sau an toàn.
Giữa năm 1963, Tỉnh đội Trà Vinh cùng Huyện đội Duyên Hải xây dựng phương án hạ yếu khu quân sự Long Khánh, nhằm tạo điều kiện cho các xã vùng căn cứ ven biển đẩy mạnh cao trào phá ấp chiến lược. Tuy chỉ là đồn cấp xã nhưng Long Khánh là một cứ điểm quân sự quan trọng của địch, có một đại đội bảo an trang bị hỏa lực mạnh, có nhiệm vụ đánh phá khắp các xã lân cận như Long Vĩnh, Trường Long Hòa, Long Toàn... Đại đội 513 được chọn làm chủ công thọc sâu vào tung thâm theo đúng cách đánh sở trường của đặc công, tiêu diệt chỉ huy sở làm tê liệt khả năng đề kháng của địch. Đồng chí Nguyễn Văn Cường lại trực tiếp đảm nhiệm cương vị mũi trưởng, dẫn đầu tiểu đội thọc sâu vào sào huyệt địch. Đơn vị tiêu diệt hai ổ đề kháng chung quanh chỉ huy sở, tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh xung phong. Địch củng cố đội hình, chống trả quyết liệt. Trước tình thế đó, Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Cống xin ý kiến và được sự chấp thuận của chỉ huy Tỉnh đội, tự mình ôm bộc phá trèo lên điểm cao, đánh cảm tử tiêu diệt ổ đề kháng cuối cùng, tiêu diệt luôn vị trí chỉ huy của địch, khiến cho lực lượng địch tuy đông về quân số, mạnh về trang bị bỗng như rắn mất đầu, trở nên hoảng loạn, không tổ chức được sự chống trả.
Khi lá cờ Mặt trận được cắm lên nóc chỉ huy yếu khu quân sự Long Khánh thì Đại đội trưởng Đặc công Nguyễn Văn Cống (Út Ruộng) trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay thân yêu của đồng đội. Đó là đêm 30-5-1963.
Trong hơn 3 năm giữ cương vị chỉ huy đơn vị bộ đội đặc công Trà Vinh, từ nhiệm vụ tổ trưởng tổ ba người đến cương vị Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Đại đội 513, đồng chí Nguyễn Văn Cống đã tận tâm, tận lực chăm lo từ cái ăn, cái mặc, cái ở đến việc huấn luyện kỹ chiến thuật tác chiến, xây dựng chiến lệ kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh. Có thể nói, đồng chí Nguyễn Văn Cống chính là người anh cả, người đặt tiền đề quan trọng cho sự hình thành và phát triển lực lượng bộ đội Đặc công tỉnh Trà Vinh. Trong hơn ba năm, dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh, đơn vị bộ đội Đặc công tỉnh Trà Vinh đã tổ chức và tham gia hơn 120 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 53 lượt đồn bót, cứ điểm quân sự của địch, diệt và làm tan rã hơn 500 tên địch, tịch thu hàng trăm khẩu súng và các phương tiện chiến tranh các loại. Đến nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đặc công Trà Vinh giai đoạn này vẫn còn truyền tụng với lòng cảm phục sâu sắc về anh. Bao giờ, trong mỗi trận đánh, đồng chí Nguyễn Văn Cống cũng là người tổ chức điều nghiên trận địa, tham gia vạch phương án tác chiến. Khi trận đánh diễn ra, anh vừa là người chỉ huy chung vừa là mũi trưởng mũi xung kích thọc sâu đánh hiểm vào trận địa chính, bảo đảm cho chiến thắng chung.
Với những chiến công đó, liệt sĩ Nguyễn Văn Cống (Út Ruộng) nguyên Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Đại đội 513 đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1994.
Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin thắp nén nhang lòng tưởng nhớ người con dũng liệt của quê hương Mỹ Long anh hùng.
CHÂU XUÂN THIỆN