26/04/2015 - 08:54

Ngưng thở khi ngủ đẩy nhanh tốc độ suy giảm nhận thức

 Nhạc cụ khí giảm nguy cơ ngừng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý hô hấp, xảy ra khi các mô mềm phía trên cổ họng thả lỏng lúc chúng ta ngủ và chùng xuống làm tắc đường thở, khiến hơi thở bị gián đoạn nhiều lần trong đêm. Tình trạng này xuất hiện nhiều nhất ở người hay ngáy, ảnh hưởng tới 53% nam giới và 26% phụ nữ. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia Đại học New York (Mỹ) cho biết nếu không sớm điều trị chứng ngừng thở khi ngủ thì về lâu dài, nó không chỉ khiến bệnh nhân suy kiệt thể chất (do ngủ không ngon giấc) mà còn đẩy nhanh quá trình suy giảm trí nhớ và tư duy, dẫn đến chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (Alzheimer).

 Ảnh: Timesofindia

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Neurology, các nhà khoa học xem xét hồ sơ bệnh án của 2.470 người độ tuổi từ 55 đến 90 tuổi từng tham gia một nghiên cứu tìm kiếm dấu hiệu bệnh Alzheimer. Họ được chia thành nhóm không có vấn đề về chức năng ghi nhớ và tư duy, đang trong giai đoạn đầu của chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) hoặc mắc bệnh Alzheimer. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện ngưng thở khi ngủ có liên quan đến sự phát triển nhanh của tình trạng suy giảm chức năng nhận thức. Cụ thể, những người bị ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán bị MCI sớm hơn trung bình 10 năm so với đối tượng không gặp vấn đề hô hấp lúc ngủ và sớm hơn 5 năm so với những người ngủ ngon giấc.

Tuy không rõ nguyên nhân chính xác, nhưng các chuyên gia cho rằng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến hiện tượng giảm nồng độ ôxy trong máu gây ảnh hưởng và tổn thương các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Ngoài ra, vai trò của giấc ngủ là loại bỏ các chất thải độc hại trong não. Vì vậy, giấc ngủ bị gián đoạn có thể tạo điều kiện tích tụ mảng bám prôtêin vốn gây hại và giết chết tế bào thần kinh, dẫn đến bệnh Alzheimer.

Hiện tại, Alzheimer là bệnh không thể chữa khỏi, nhưng các chuyên gia cho biết việc điều trị các vấn đề về hô hấp lúc ngủ ít nhất có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn tốc độ MCI – giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer – đến 10 năm. Do đó, họ khuyến cáo nên sàng lọc sớm chứng ngừng thở khi ngủ, đặc biệt ở người lớn tuổi, hoặc có thể hạn chế nguy cơ bằng cách sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).

 Trong một nghiên cứu khác có liên quan, các nhà khoa học Ấn Độ cho biết học chơi một nhạc cụ khí như kèn, sáo (ảnh) có thể là biện pháp hữu hiệu và ít tốn kém để giảm nguy cơ phát triển chứng ngừng thở khi ngủ.

Công bố kết quả nghiên cứu tại Hội nghị Giấc ngủ và Hô hấp tại Barcelona (Tây Ban Nha), nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành kiểm tra chức năng phổi của nhóm 64 người chơi nhạc cụ bộ khí và so sánh với nhóm 65 người không chơi bất kỳ nhạc cụ nào. Người tham gia còn được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi nhằm đánh giá nguy cơ phát triển các rối loạn liên quan đến giấc ngủ. Nhóm nghiên cứu phát hiện những người chơi nhạc cụ khí có nguy cơ khả năng phát triển chứng ngừng thở khi ngủ thấp hơn rất nhiều so với nhóm đối chứng, dù kiểm tra chức năng phổi cho thấy không có gì khác biệt giữa hai nhóm.

Các chuyên gia giải thích rằng việc sử dụng nhạc cụ khí đòi hỏi người chơi kiểm soát tốt phần cơ trên của cổ họng (để tạo ra âm thanh mượt mà hơn), nhờ đó giảm tình trạng mô mềm phía trên chùng xuống làm cản đường thở.

ĐƯỜNG THẤT (Theo NBC News, Independent)

Chia sẻ bài viết