13/03/2019 - 16:48

Ngủ trưa giúp giảm nguy cơ cao huyết áp 

Theo các nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 68 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, thói quen ngủ trưa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, trong khi uống rượu vừa phải cũng có mối liên hệ với bệnh này.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Asklepieion (Hy Lạp) đã xem xét 212 người có tuổi trung bình là 62 (hơn phân nửa là phụ nữ) và huyết áp trung bình 129,9mm Hg. Trong đó, họ đánh giá và ghi lại chỉ số huyết áp của những người tham gia trong 24 giờ liên tục, thời gian ngủ trưa (trung bình 49 phút), thói quen sinh hoạt thường ngày (như tiêu thụ rượu, cà phê và muối, mức độ vận động) và vận tốc sóng mạch (đơn vị đo độ cứng trong động mạch). Ngoài ra, người tham gia còn mang một máy theo dõi huyết áp lưu động để đo và theo dõi huyết áp ở những mốc thời gian thường xuyên trong ngày, thay vì chỉ đo một lần khi ở bệnh viện. Họ cũng trải qua siêu âm tim, kỹ thuật cho thấy cấu trúc và chức năng của tim.

Ngủ trưa là liệu pháp dễ thực hiện và không tốn kém để giảm huyết áp. Ảnh: PicsWe

Trong quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp, bao gồm tuổi tác, giới tính, lối sống và dược phẩm. Họ nhận thấy không có sự khác biệt về số lượng thuốc chống tăng huyết áp được dùng giữa nhóm ngủ trưa và không ngủ trưa, trong khi kết quả kiểm tra vận tốc sóng mạch và siêu âm tim cũng tương tự. Nhìn chung, chỉ số huyết áp tâm thu trung bình 24 giờ của nhóm ngủ trưa đã giảm được 5,3mm Hg, trong khi chỉ số này không giảm ở nhóm không ngủ trưa. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy có mối quan hệ trực tiếp giữa thời gian ngủ trưa và huyết áp. Cụ thể là cứ mỗi 60 phút ngủ trưa, huyết áp tâm thu trung bình 24 giờ giảm được 3mm Hg.

Bác sĩ Manolis Kallistratos, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét: “Ngủ trưa dường như làm giảm huyết áp ở cùng mức độ với những biện pháp thay đổi lối sống khác”. Ví dụ, giảm muối và rượu có thể làm giảm chỉ số huyết áp  3-5mm Hg, thuốc hạ huyết áp trung bình giúp giảm huyết áp 5-7mm Hg. Theo Kallistratos, phát hiện nói trên là quan trọng vì làm giảm huyết áp ở mức nhỏ như 2mm Hg có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim tới tối đa 10%.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác cảnh báo rằng việc tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải (từ 7-13 ly/tuần) có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao. Phát hiện này trái ngược với nhiều nghiên cứu trước đó cho rằng uống rượu vừa phải giúp giảm nguy cơ mắc một số dạng bệnh tim.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu y tế từ 17.059 người trưởng thành ở Mỹ trong giai đoạn 1988-1994. Kết quả cho thấy so với nhóm không uống rượu, nhóm uống rượu vừa phải có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp giai đoạn 1 nhiều hơn 53% và có gấp 2 lần nguy cơ bị bệnh cao huyết áp giai đoạn 2. Tương tự, so với nhóm không uống rượu, nhóm nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp giai đoạn 1 nhiều hơn 69% và gấp 2,4 lần nguy cơ bị bệnh cao huyết áp giai đoạn 2.

Được biết, người bị cao huyết áp giai đoạn 1 có chỉ số huyết áp tâm thu ở mức 130-139mm Hg hoặc huyết áp tâm trương 80-89mm Hg, còn người bị cao huyết áp giai đoạn 2 có chỉ số huyết áp tâm thu ở mức trên 140mm Hg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mm Hg. Huyết áp bình thường của người lớn là khi huyết áp tâm thu dưới 120mm Hg và huyết áp tâm trương dưới 80mm Hg.

AN NHIÊN (Theo ScienceDaily, ANI)

Chia sẻ bài viết