28/11/2016 - 20:53

Ngủ ngáy, dễ mắc các bệnh mãn tính

Ngủ ngáy là bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng, với tỷ lệ mắc phải khoảng 40% dân số, thường gặp ở nam giới, độ tuổi trung niên. Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngáy là biểu hiện của hội chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, nếu kéo dài, dẫn đến nhiều bệnh mãn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ…

* Ngủ ngáy gây phiền!

Bác sĩ Nguyễn Triều Việt thăm khám, tư vấn cho người bệnh về cách cải thiện tình trạng ngáy khi ngủ. 

Từ thực tế cuộc sống, có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan ngủ ngáy. Chị Ngọc Hân (quận Bình Thủy) kể, dạo gần đây, chị sụt cân, đầu óc lúc nào cũng bần thần vì mất ngủ, bởi mấy tháng nay, chồng chị bỗng dưng mắc bệnh ngáy, khiến chị thường xuyên giật mình, rồi khó ngủ lại được. Phòng ngủ nhỏ nên dù nằm góc nào cũng nghe tiếng ngáy rất lớn. Muốn ngủ cùng phòng với chồng, chị phải đeo tai nghe để giảm tiếng ồn. Đôi khi, chị phải sang phòng con gái ngủ, người thân trong nhà tưởng hai vợ chồng… ly thân! Còn chị Hồng Nga (quận Cái Răng) chia sẻ câu chuyện khôi hài hơn. Chồng chị cũng mắc bệnh ngáy ngủ nhưng hễ mỗi lần chị nhắc, anh nhất định cho rằng không bao giờ ngáy. Đến nỗi, chị phải thu âm lại tiếng ngáy của anh, hôm sau phát lại, làm bằng chứng thuyết phục anh đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Theo Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Triều Việt – Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, khoảng 40% dân số mắc bệnh ngáy, thường gặp ở nam giới, độ tuổi trung niên, nhất là người có thể trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, bệnh thường ít được quan tâm, trừ trường hợp bị người khác than phiền. Tuy nhiên, về mặt y học, ngáy có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như: tắc nghẽn đường thở khi ngủ, làm cho người ngáy ngưng thở trong vài giây đến 2 phút. Kết quả là làm giảm oxy máu, dẫn đến hôm sau nhức đầu, mệt mỏi, ảnh hưởng hiệu quả học tập, làm việc. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nhiều bệnh lý mãn tính khác như: tăng huyết áp, béo phì, bệnh lý tim mạch và đột quỵ, đái tháo đường... Ngáy cũng có thể gia tăng nguy cơ tai biến.

* Chữa bệnh ngáy

Tiến sĩ - bác sĩ Triều Việt cho biết, các yếu tố dẫn đến việc người ngủ bị ngáy bao gồm: uống bia; sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc hạ sốt, kháng histamine; ngủ trên gối quá mềm hoặc rộng hoặc ngủ nằm ngửa; thừa cân… Hút thuốc lá cũng có thể làm cho tình trạng ngáy thêm trầm trọng. Bất thường cấu trúc họng hoặc mũi như: khẩu cái mềm hoặc lưỡi gà quá dài, hay dị hình vách ngăn mũi cũng có thể dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn khí, dẫn đến bị ngáy. Ở trẻ em, amidan to cũng có thể gây ngáy. Bất kỳ bệnh lý nào làm co thắt phế quản như hen phế quản đều có thể dẫn đến tắc nghẽn và ngáy.

Tiến sĩ - bác sĩ Triều Việt khuyến cáo, để phòng ngừa hoặc cải thiện chứng ngáy trong lúc ngủ, mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh. Người thừa cân cần tập thể dục để giảm cân nặng. Đa số những người ngáy đều thừa cân và nhiều mỡ thừa. Trước khi ngủ ít nhất 3 giờ, không dùng thức ăn nhẹ hay uống rượu, bia, tránh dùng chất an thần, kháng histamine. Mặc dù các thuốc này giúp dễ đi vào giấc ngủ, nhưng chúng sẽ làm giãn các cơ ở cổ và tình trạng ngáy tệ hơn. Ngưng hút thuốc lá, vì hút thuốc làm mũi và phổi bị tắc nghẽn, là nguyên nhân chính gây ngáy. Nếu dị ứng, cần loại bỏ các nguyên nhân gây dị ứng ra khỏi phòng ngủ, chẳng hạn như: không cho thú cưng vào trong phòng ngủ; giặt giũ chăn mền thường xuyên trong nước nóng để loại bỏ mạt bụi và bào tử nấm; dùng máy làm ẩm nếu không khí trong phòng quá khô; ngủ nghiêng một phía. Những người ngáy mức độ trung bình có xu hướng ngáy nếu nằm ngửa. Một mẹo nhỏ là may túi sau lưng áo ngủ và đặt vào quả bóng tennis. Nó sẽ gây khó chịu khi nằm ngửa nên người bệnh sẽ nằm nghiêng khi ngủ. Không nằm gối khi ngủ vì gối làm cổ không thẳng, có thể làm tắc nghẽn đường dẫn khí.

Song song với thay đổi các thói quen sinh hoạt, người ngủ ngáy có thể tìm đến các sản phẩm thiết kế giúp ngủ nghiêng – tư thế giúp giảm ngáy ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, thiết bị CPAP (máy áp lực dương liên tục), giống như mặt nạ đặt trên mũi trong lúc ngủ để duy trì áp lực không khí trong mũi và giữ đường thở luôn mở cũng hỗ trợ giảm ngáy. Bên cạnh các thiết bị hỗ trợ, tùy mức độ, tình trạng ngáy, các bác sĩ chuyên khoa có thể dùng phương pháp nhiệt điện cực, dùng sóng cao tần cắt đốt làm co các mô ở khẩu cái mềm.

Khi bị người thân than phiền vì làm ồn trong giấc ngủ, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời, để cả hai đều có giấc ngủ ngon lành, yên tĩnh.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết