16/02/2023 - 15:25

Ngôi nhà truyền thống của ông Minh 

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

Dùng tiền tiết kiệm cùng phần đất của gia đình để xây nhà truyền thống, vợ chồng ông Trương Quốc Minh (92 tuổi) và bà Huỳnh Thị Minh Hiệp (87 tuổi), ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, không chỉ tưởng nhớ đồng đội mà còn tri ân những người đã nuôi chứa mình trong kháng chiến.

Vợ chồng ông Minh giới thiệu về hình ảnh những người nuôi chứa vợ chồng ông trong kháng chiến.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 15 tuổi, ông Minh tham kháng chiến, được giao nhiệm vụ làm giao liên tại xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ðến năm 1951, ông được kết nạp vào Ðảng. Thời gian tham gia cách mạng, ông Minh từng ở tù 6 năm vì địch bắt. Vượt lên tất cả, ông  luôn làm tròn nhiệm vụ mà tổ chức giao. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Minh tiếp tục công tác cho đến năm 1987, di chứng của những vết thương trên người buộc ông phải nghỉ hưu sớm.

Về hưu, ông Minh bắt đầu hành trình tìm về những nơi, những người đã nuôi chứa ông trong thời gian tham gia cách mạng. Ông cẩn thận ghi chép lại tất cả những thông tin của họ; những cô, bác đã mất, ông hỗ trợ chi phí xây lại mồ mả; những cô, bác còn sống, ông thăm viếng rồi mời đi về nguồn…

Năm 2017, kinh tế gia đình ổn định hơn, vợ chồng ông Minh quyết định xây dựng nhà “Truyền thống và tri ân” để ghi nhớ công ơn những người đã nuôi chứa ông trong kháng chiến và những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Ngôi nhà có diện tích trên 100m2 với kinh phí trên 100 triệu đồng, được ông và vợ tích lũy từ tiền lương hưu hàng chục năm qua.

Trong ngôi nhà, ở bức tường chính diện, ông Minh trưng bày ảnh Bác Hồ, hai bên là các vị lãnh tụ Ðảng, Nhà nước hai miền Nam - Bắc; kế đó là trưng bày hình ảnh tôn vinh 6 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, danh tính 30 liệt sĩ của 3 thân tộc bên nội, bên ngoại và bên vợ ông. Ðặc biệt, bức tường thứ 3 ông treo di ảnh của 39 người đã có công nuôi chứa, giúp vợ chồng ông tránh khỏi mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Bức tường còn lại là để tri ân những người thầy và bạn bè đã giúp đỡ ông. “15 tuổi, tôi đã tham gia kháng chiến và trải qua 2 lần vào tù của địch. Biết bao gia đình, nhân dân đã giúp đỡ, nhờ đó mà tôi mới có hạnh phúc và sống đến ngày hôm nay. Ðể nhớ ơn họ, tôi bàn với vợ rồi quyết định dùng số tiền đã tích lũy từ lương hưu để xây dựng ngôi nhà này. Tôi luôn dạy con cháu phải giữ căn nhà thật tốt, nếu căn nhà xuống cấp phải tu sửa, không được bán đi…” - ông Minh tâm sự.

Theo ông Minh, chiến tranh cướp đi nhiều người trong thân tộc, đồng đội và cả những người nuôi chứa ông. “Bà con không chỉ nuôi tôi bằng bữa cơm no lòng mà còn cả xương máu. Nếu địch phát hiện, họ hoặc là phải hy sinh hoặc là tù đày. Ngôi nhà vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của vợ chồng tôi, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu trong nhà” - ông Minh nói.

Tuổi thanh xuân cống hiến cho cách mạng góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc, nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vợ chồng ông Minh vẫn tiếp tục nêu gương sáng trong dạy dỗ con cháu, đồng lòng cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chia sẻ bài viết