Thiện Phúc
Ðến khoảng thế kỷ XVII, người Việt bắt đầu công cuộc khẩn hoang ÐBSCL và từ khi đó Phật giáo đi cùng những lưu dân trên hành trình mở cõi, dẫu chưa có nhiều điều kiện phát triển. Trong số những ngôi chùa đầu tiên ở khu vực Tây Nam Bộ, chùa Bửu Lâm là ngôi chùa hiếm hoi ra đời ở tiểu vùng Ðồng Tháp Mười. Suốt hàng trăm năm qua, ngôi chùa không chỉ là trung tâm truyền bá Phật giáo, mà còn gắn bó mật thiết với lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương.
Cổng chùa Bửu Lâm. Ảnh: Hữu Nghị
Nhà sư đầu tiên ở Đồng Tháp Mười
Hơn 300 năm trước, Ðồng Tháp Mười là nơi hoang vu và ngập úng, rất khó khăn cho người dân sinh sống và canh tác. Do đó, người tìm đến miền đất này rất ít ỏi. Vậy mà, một ngôi chùa đã ra đời từ rất sớm và tồn tại đến ngày nay, trở thành chứng nhân cho quá trình khai phá ÐBSCL của người Việt. Ðó là chùa Bửu Lâm, hiện tọa lạc ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp.
Chùa Bửu Lâm được hình thành vào những năm cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, một số tài liệu của nhà chùa cho là năm 1702. Tổ khai sơn là Hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu. Người địa phương xem chùa Bửu Lâm là ngôi chùa đầu tiên ở Ðồng Tháp Mười và Hòa thượng Thiện Châu là Tổ của Phật giáo trên mảnh đất nầy. Do đó, ngôi chùa có tên dân gian là chùa Tổ, hoặc chùa Tổ Cái Bèo, vì nằm cạnh rạch Cái Bèo.
Hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu thế danh là Nguyễn Văn Nhẫn (có tài liệu cho là Lê Kiên Nhẫn), sinh năm 1622 trong gia đình nông dân gốc miền Trung. Theo thông tin từ gia tộc, ngài có cha là Lê Pháp Như, mẹ là Nguyễn Thị Hà (cả hai đều qua đời sớm) và anh là Nguyễn Văn Lăng. Qua đó cho thấy, có thể Lê Kiên Nhẫn là họ tên ban đầu của ngài, về sau vì lý do nào đó mà hai anh em đổi sang họ mẹ. Lúc trưởng thành, ngài xuất gia, pháp danh Tánh Nhẫn, pháp hiệu Thiện Châu.
Trước khi sáng lập chùa Bửu Lâm, Hòa thượng Thiện Châu tu hành trong một am nhỏ trên phần đất của anh trai. Sau đó, ngài quyết định vân du hành đạo trên chiếc bè tre. Theo giai thoại dân gian, ngài phát nguyện nếu bè tấp vào đâu mà xô ra 3 lần vẫn tấp vào chỗ cũ thì lên bờ cất am tu hành. Ðến bãi bồi ven con rạch nhỏ ngoằn ngoèo, bè tấp vào. Hòa thượng xô ra 3 lần mà bè vẫn tấp vào chỗ cũ. Theo lời nguyện, ngài lên bờ cất am tu hành, đó chính là tiền thân của chùa Bửu Lâm.
Ngoài truyền bá Phật giáo, Hòa thượng Thiện Châu còn tìm kiếm thảo dược để chữa bệnh cho dân chúng. Dân gian truyền tụng nhiều giai thoại ly kỳ về những năng lực của ngài như đi trên bè không cần chèo chống, thu phục thú dữ ở rừng… Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến quy y, thọ giáo, làm công quả, phụ giúp các hoạt động của nhà chùa.
Năm 1714, hòa thượng Thiện Châu triệu tập đệ tử xuất gia và tại gia vào ngày 14 tháng 2 âm lịch để thuyết pháp lần sau cùng. Ðến ngày rằm, ngài thông báo để lại ngón tay út và cái tà phà (miếng thắt y) sau khi hỏa thiêu, rồi viên tịch vào giờ Ngọ. Ðệ tử hỏa thiêu nhục thân thầy, quả thật tìm thấy 2 di vật đó, bèn đặt vào bảo tháp thờ chung với di cốt. Bia trên tháp đề: "Tế Thượng Chánh Tông tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu đường thượng tổ sư giác linh."
Mái chùa qua những thăng trầm
Từ khi ra đời, chùa Bửu Lâm trở thành điểm tựa tinh thần cho những người xa xứ giữa vùng đất mới. Theo thời gian, hòa thượng Thiện Châu với các đệ tử xuất gia và tại gia đã tập hợp xung quanh chùa một bộ phận di dân đông đảo, góp phần vào công cuộc khai phá Ðồng Tháp Mười. Và ngược lại, nhờ dân cư đông đúc, ngôi chùa dần được trùng tu khang trang hơn, tiếp tục có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.
Trước tiên, chùa Bửu Lâm có những đóng góp không nhỏ trong quá trình truyền bá Phật giáo trên vùng đất mới phương Nam. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, chùa đã trải qua nhiều thế hệ kế thừa, trong đó nhiều nhà sư xuất thân từ chốn tổ Bửu Lâm đã tiếp tục hoằng hóa, sáng lập, trụ trì các ngôi chùa ở khắp ÐBSCL. Có thể nói, các sư thầy từ ngôi chùa này đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành lân cận.
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, chùa Bửu Lâm dù ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng đã tích cực tham gia. Năm 1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được chính thức thành lập, trụ trì chùa Bửu Lâm khi ấy là Hòa thượng Như Liễn - Phổ Lý đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên. Hòa thượng đã hăng hái vận động chấn hưng Phật giáo, đào tạo người xuất gia, chỉnh đốn giới luật…
Năm 1947, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ được thành lập, tổ chức lễ ra mắt tại chùa Bửu Lâm. Trụ sở của hội đặt tại chùa Ô Môi, cách chùa Bửu Lâm khoảng 20km, song nhiều hoạt động của Hội được tổ chức ở chùa Bửu Lâm. Năm 1949, Hội xuất bản đặc san Tinh Tấn, do Hòa thượng Tam Không (bí danh của hòa thượng Minh Nguyệt) làm Chủ nhiệm, nhà giáo Lê Văn Ðông làm Chủ bút, tòa soạn đặt tại chùa Bửu Lâm.
Ngoài những đóng góp đối với Phật giáo, chùa Bửu Lâm có nhiều đóng góp đối với đất nước. Trong những thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, chùa trở thành nơi liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần, nuôi giấu chiến sĩ… Do đó, chùa nhiều lần bị đánh phá gây hư hỏng nghiêm trọng, cổ vật bị thất thoát, kinh sách bị hủy hoại… Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn, chư tăng nhà chùa và cư sĩ địa phương luôn hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Không chỉ vậy, chùa Bửu Lâm còn là nơi góp phần gìn giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa Phật giáo ở Nam Bộ. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như các pho tượng gỗ, hoành phi, liễn đối, lư đồng, chuông, ấn, kinh sách chữ Hán và chữ Nôm, thủ bút của các hòa thượng… Qua đó cho thấy kỹ thuật của tiền nhân trong chế tác tượng, khắc bản gỗ, đúc đồng…
Ðặc biệt là kỹ thuật chế tác tượng theo phương pháp thủ công truyền thống. Theo lời kể được truyền lại, buổi đầu giữa chốn hoang vu đầy khó khăn, chùa Bửu Lâm không có tượng để thờ cúng. Hòa thượng Thiện Châu và các đệ tử vào rừng cắt dây mây để thắt thành cốt tượng, trộn đất sét với cỏ tranh khô để trát bên ngoài, cuối cùng lấy cây cánh kiến làm nước sơn để tô điểm cho các pho tượng. Ðiều đó thể hiện sự sáng tạo của chư vị tổ sư Phật giáo nói riêng và cư dân trên vùng đất mới nói chung.
Ngày nay, dù trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá và xây dựng lại, nhưng chùa Bửu Lâm vẫn giữ được nét cổ kính của chùa quê Nam Bộ. Chùa có kiến trúc theo hình chữ "tam" trong Hán tự, nằm giữa khuôn viên cây cối xanh tươi, thoáng mát, yên tĩnh. Chánh điện bề thế, mặt tiền có ba cổ lầu trang nghiêm, nóc lợp ngói cổ kính. Sau chánh điện là nhà tổ, xung quanh có khu tháp mộ, các miễu thờ, tiểu cảnh, tượng Phật…
Trong quá trình mở cõi về phương Nam, người Việt đã đem theo Phật giáo trong hành trang văn hóa tinh thần của mình. Trên vùng đất xa lạ, những ngôi chùa và những nhà sư trở thành tâm điểm quy tụ quần chúng, tiêu biểu là chùa Bửu Lâm và Tổ khai sơn Tánh Nhẫn - Thiện Châu. Trên 3 thế kỷ trôi qua, ngôi chùa quê ngày nào vẫn luôn là nơi thể hiện tính chất phong phú của Phật giáo Nam Bộ, không chỉ ở tư tưởng và những di sản văn hóa, mà còn ở tinh thần nhập thế sâu sắc, sự gắn bó mật thiết giữa đạo và đời…