05/04/2017 - 21:17

Nghiên cứu mật độ xương, tình trạng thấp còi ở trẻ em

Việt Nam có hai thái cực béo phì và suy dinh dưỡng. Cả hai tình trạng này đều làm giảm mật độ xương (MĐX) và ảnh hưởng chiều cao khi trưởng thành. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thấp còi, dẫn đến hệ quả chiều cao thanh niên Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực (nam: 1,63m, nữ 1,53m)... Tại TP Cần Thơ, qua nghiên cứu có 26% trẻ bị thấp còi...

26% trẻ bị thấp còi

Theo các chuyên gia y tế, việc giảm MĐX, ngoài ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành, còn nguy cơ gây loãng xương, gãy xương. Hiện loãng xương là vấn đề sức khỏe toàn cầu, dẫn đến khoảng 9 triệu người bị gãy xương/năm. Mặc dù loãng xương là bệnh lý của người có tuổi, nhưng lại bắt đầu từ thời kỳ trẻ em, là thời kỳ đạt mật độ khoáng xương tối đa. Đo MĐX ở trẻ giúp phát hiện sớm những người có nguy cơ loãng xương sau này, để có biện pháp can thiệp kịp thời. Từ đó, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược Cần Thơ và các cộng sự thực hiện đề tài "Nghiên cứu tình hình thấp còi và giảm MĐX ở trẻ em tại TP Cần Thơ". Đề tài nghiên cứu tình trạng thấp còi, giảm MĐX và hiệu quả can thiệp cải thiện MĐX cho học sinh thấp còi, thừa cân, béo phì và trẻ bình thường tại TP Cần Thơ.

Tập thể dục đều đặn là giải pháp có bộ xương khỏe.

Đối tượng nghiên cứu là những học sinh từ 6 đến 14 tuổi học tại các trường tiểu học, THCS tại TP Cần Thơ. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 10-2012 đến tháng 4-2016. Đề tài chọn 794 học sinh tham gia vào nghiên cứu. Trong đó, qua xếp loại, trên 62% là trẻ bình thường, trên 26% trẻ thấp còi, còn lại là trẻ thừa cân và béo phì.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lứa tuổi này nên ăn đầy đủ để phòng, tránh còi cọc, cụ thể nên ăn 3 bữa chính, 1 bữa phụ. Thực tế khảo sát, nhóm trẻ thấp còi có tỷ lệ trẻ không ăn sáng trong 1 tuần cao nhất: chiếm gần 52%; không uống sữa trong 1 tuần chiếm gần 74%, ngủ dưới 8 tiếng trong 1 ngày cao nhất 71,5%. Nhóm trẻ thấp còi có tỷ lệ trẻ mắc bệnh (ho, sốt, tai mũi họng, suyễn, dị ứng…) phải đi khám bác sĩ trong 1 năm cao hơn so với nhóm trẻ còn lại.

Các trẻ được lấy máu tĩnh mạch lúc sáng, khi trẻ chưa ăn để gởi xét nghiệm tại Phòng thí nghiệm sinh học phân tử, thuộc Bộ môn Sinh lý bệnh - miễn dịch, Khoa Y, Trường Đại học Y dược Cần Thơ và Trung tâm Chẩn đoán y khoa Hòa Hảo (TP Hồ Chí Minh) để làm xét nghiệm định lượng vitamin D và các marker (chất dẫn xuất) chu chuyển xương. Trẻ cũng được đo MĐX bằng phương pháp DEXA. Kết quả cho thấy, tỷ lệ giảm MĐX ở nhóm trẻ thấp còi là 15,46%; nhóm trẻ bình thường trên 13,8%; nhóm trẻ thừa cân béo phì không giảm MĐX. Nhóm trẻ thừa cân, béo phì, tỷ lệ giảm vitamin D cao nhất (trên 34%). Trẻ cư trú tại thành thị giảm và thiếu vitamin D, cao hơn trẻ ở nông thôn.

Cải thiện sức khỏe xương, chiều cao

Các trẻ trong nghiên cứu được uống viên sủi nhãn hiệu Davitabone, liều lượng theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Sau 6 tháng, MĐX trung bình của trẻ sau can thiệp tăng có ý nghĩa so với trước can thiệp. Trẻ trai tăng trung bình 0,041g/cm2, trẻ gái tăng 0,023g/cm2. Sau can thiệp bằng viên sủi, tỷ lệ trẻ giảm MĐX từ 66,8% giảm xuống 10,6%. Sau can thiệp, nồng độ vitamin D trung bình tăng nhiều so với trước can thiệp. Không còn trẻ có nồng độ vitamin D mức độ giảm, tỷ lệ nhóm có nồng độ vitamin D thiếu từ gần 32% xuống còn 5,3%. Đặc biệt, sau can thiệp nồng độ vitamin D ở nhóm trẻ gái tăng nhiều hơn so với nhóm trẻ trai, trẻ gái tăng 15 ng/mL, trẻ trai tăng 7,19 ng/mL.

Từ kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị đối với ngành giáo dục và y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 1 lần/năm) để đo nồng độ vitamin D, MĐX và có giải pháp can thiệp kịp thời để phát triển chiều cao cho học sinh. Cùng với triển khai chương trình sữa học đường, nhà trường tăng cường giờ tập thể dục cho học sinh. Trẻ có nồng độ vitamin D thiếu hoặc giảm, MĐX giảm cần áp dụng những biện pháp can thiệp về chế độ tập luyện, chế độ ăn uống và bổ sung canxi, vitamin D theo nhu cầu, nhất là trẻ thấp còi và trẻ thừa cân, béo phì. Gia đình cho trẻ ăn sáng, uống sữa, vận động điều độ, đầy đủ và phòng các bệnh nhiễm trùng để trẻ có bộ xương khỏe mạnh và phát triển chiều cao.

H.HOA

Chia sẻ bài viết