13/10/2015 - 20:49

Nghiên cứu gien voi có thể giúp con người phòng chống ung thư

Voi nổi tiếng là sinh vật to lớn và trầm tính nhất trong tự nhiên, nhưng bạn có biết chúng cũng là loài hiếm khi bị bệnh ung thư? Mới đây, các nhà khoa học tại Học viện Ung thư Huntsman (Mỹ) tuyên bố đã khám phá bí mật về năng lực chống lại bệnh ung thư của động vật to lớn này, hứa hẹn mở ra hướng mới giúp phòng chống ung thư ở người.

Theo các nhà khoa học, voi có số lượng tế bào nhiều gấp 100 lần so với con người và tuổi thọ trung bình của chúng là khoảng 70. Đặc điểm sinh học đó cho phép các tế bào của loài động vật da dày này có vô số cơ hội để biến đổi và trở thành tế bào ác tính. Thế nhưng, chỉ có 4,8% số ca tử vong của voi là có liên quan đến bệnh ung thư, trong khi tỷ lệ này ở người cao hơn nhiều, từ 11-25%. Trên thực tế, giới nghiên cứu cũng đã dành nhiều thập kỷ để tìm hiểu tại sao voi và các loài động vật có vú to lớn khác có xác suất mắc ung thư thấp hơn các động vật có vú nhỏ hơn. Nhưng đến nay, câu hỏi này mới được giải đáp.

 Ảnh: Eric Peterson

Công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), các nhà khoa học Mỹ cho biết đầu tiên họ tìm hiểu tỷ lệ mắc ung thư ở voi dựa vào cơ sở dữ liệu "Elephant Encyclopedia" (kho lưu trữ thông tin về số voi sống trong điều kiện nuôi nhốt trên toàn cầu). Sau khi phân tích chi tiết 644 trường hợp tử vong của voi, các nhà nghiên cứu tính toán được chỉ có 3,11% trong số đó mắc ung thư khi chết. Ngay cả khi giả định tất cả trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân là do ung thư, thì tỷ lệ voi mắc bệnh ung thư cũng chỉ ở mức 4,81%.

Kế tiếp, nhóm nghiên cứu tiến hành quan sát sâu hơn bộ gien của loài voi châu Phi và phát hiện rằng chúng có tổng cộng 20 bản sao của một gien quan trọng gọi là TP53 (gồm một bản gốc và 19 bản sao). Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, sự hiện diện của các bản sao TP53 có thể là do sự chọn lọc ưu tiên trong quá trình tiến hóa của voi, vì chúng có lợi cho sức khỏe của loài vật này bằng cách này hay cách khác.

Được biết, các nhà khoa học lâu nay đã đánh giá cao gien TP53 về phương diện phòng chống ung thư bởi nó có khả năng tạo ra một prôtêin ức chế khối u và thường được ví như là "người bảo vệ bộ gien". Trong khi đó, con người chỉ được thừa hưởng duy nhất 1 cặp bản sao của gien TP53 từ cha mẹ, và cả hai bản sao này phải có đủ chức năng chống lại bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu một người bị khiếm khuyết một trong hai bản sao nói trên, họ chắc chắn sẽ phát triển bệnh ung thư, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Để tìm hiểu vai trò ngăn ngừa ung thư của 20 bản sao TP53 ở loài voi, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các tế bào bạch cầu từ voi và người, rồi cho những tế nào này phơi nhiễm với bức xạ nhằm làm hỏng cấu trúc ADN. Họ dự đoán với số lượng bản sao TP53 nhiều hơn, các tế bào bạch cầu của voi sẽ tự chữa lành nhanh hơn tế bào ở người. Nhưng kết quả không phải như vậy, mà là tế bào bạch cầu của voi chết nhiều hơn so với tế bào của con người. Cụ thể là tế bào của voi sau khi tiếp xúc với bức xạ có tỷ lệ "tự tử" cao gấp 2 lần tế bào ở người với gien TP53 đầy đủ chức năng, và cao gấp 5 lần tế bào ở người với gien TP53 khiếm khuyết.

Trước kết quả trên, các chuyên gia suy luận rằng một phần trong chiến lược ức chế sự hình thành khối u của gien TP53 ở voi là khiến cho các tế bào hư hại tự tiêu diệt chính nó để không biến đổi thành tế bào đột biến có hại (tạo thành khối u ung thư). "Tất cả điều này dẫn chúng tôi đi đến kết luận rằng những bản sao của TP53 có thể đã tiến hóa để bảo vệ voi khỏi căn bệnh ung thư" - Tiến sĩ Joshua Schiffman, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Thời gian tới, nhóm chuyên gia dự định sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu mới vào việc điều trị ung thư trên người. Họ có thể sẽ phát triển một loại thuốc bắt chước hành động của TP53 trong việc thúc đẩy các tế bào bị hư hỏng tự hủy diệt, hoặc tìm cách tiêm gien TP53 vào các tế bào tiền ung thư để triệt tiêu chúng.

AN NHIÊN (Theo Los Angeles Times)

Chia sẻ bài viết