23/07/2008 - 20:43

Nghịch lý !

Cách đây 79 năm (năm 1929), đường sá nhỏ hẹp, Quốc lộ 1 chỉ rộng hơn 8 mét, trên tuần báo Nam Kỳ đã đăng quảng cáo cho Hãng xe đò Trần Đắc Nghĩa (Cần Thơ), như sau: “Chuyến ở Sài Gòn 6 giờ chạy về Cần Thơ 11 giờ tới, kịp cho quí khách ăn uống và sang xe đi Sóc Trăng và Bạc Liêu hoặc Rạch Giá hoặc Long Xuyên và Châu Đốc rất tiện...”. Như vậy, 79 năm sau, thời gian đi thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ vẫn không được rút ngắn bao nhiêu. Một nhà đầu tư đến từ Đài Loan bức xúc, nói: “Cần Thơ chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 169 km, nếu đi đường bộ phải mất 4 giờ xe, hệ thống giao thông đường bộ chưa được hoàn thiện chính là trở ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư. Nếu bay từ Đài Bắc sang thành phố Hồ Chí Minh mất khoảng 3 giờ, lại cộng thêm 4 giờ xe nữa thì thật ngán...”.

Hơn 30 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhiều nỗ lực đầu tư cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa xứng tầm và thực trạng giao thông đường bộ hiện đang còn nhiều bất cập để phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là lưu thông hàng hóa nông, thủy sản. Con đường huyết mạch của ĐBSCL là Quốc lộ 1A vẫn chưa thông suốt. Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Cần Thơ-Năm Căn, dài 236 km, đã được khởi công từ tháng 3-2003, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2005. Đến nay, đã vượt thời gian 3 năm nhưng vẫn còn nhiều công trình dở dang, chưa biết đến bao giờ mới xong. Còn đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đã khởi công từ tháng 12-2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2007 nhưng đến nay vẫn còn ì ạch. Cầu Rạch Miễu nối liền Tiền Giang-Bến Tre dự kiến đến năm 2006 hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thông xe. Cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng. Cầu Cần Thơ dự kiến sẽ nối liền sông Hậu vào cuối năm 2008 nhưng bị sự cố sập nhịp cầu dẫn phải lùi thêm khoảng một năm nữa... Những công trình mới xây dựng chưa hoàn thành như vậy, còn các cầu, đường đã xây dựng từ nhiều năm trước lại xuống cấp báo động, cần nhanh chóng sửa chữa, nâng cấp cũng không ít. Cầu Trà Nóc (Cần Thơ) nằm trên con đường độc đạo từ cảng Cần Thơ-khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc, hơn 5 năm trước tải trọng được 25 tấn nhưng hiện nay chỉ 20 tấn, đã gây ách tắc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của KCN Trà Nóc. Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp KCN Trà Nóc kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải về việc bất cập giao thông hàng hóa xuất nhập khẩu này, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái tích cực nào.

 

Cầu Trà Nóc cách đây 5 năm có tải trọng là 25 tấn...

... và bây giờ chỉ còn 20 tấn. Ảnh: HUỲNH BIỂN

Quốc lộ 1A đoạn thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ tốn nhiều tiền của để nâng cấp, mở rộng nhưng đến nay đoạn đường chỉ dài 169 km vẫn phải mất 4-5 giờ xe. Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL vừa mới tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, đã có hơn 300 xe từ 16-45 khách đang hoạt động tại ĐBSCL, trăn trở: “ Không thể chấp nhận từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ phải mất 4-5 giờ như hiện nay. Phải tìm cách nào để rút ngắn xuống còn 2 giờ. Từ Cần Thơ đi các tỉnh cũng vậy, đi tỉnh xa nhất cũng mất 2 giờ thôi. Có như vậy mới giải quyết được nhiều vấn đề cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL”.

Đó là niềm mong đợi của các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó không đơn giản. Giao thông đường bộ ĐBSCL vẫn là bài toán nan giải. Cơ sở hạ tầng yếu kém, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hiện nay có hạn chỉ đủ đáp ứng vốn ODA cho các công trình giao thông ĐBSCL. Còn các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn ĐBSCL vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có đủ năng lực tài chính để đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL-Cần Thơ 2008, cho biết: “Tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo mục tiêu của các quyết định Chính phủ còn chậm. Việc chậm trễ hay thiếu đầu tư đúng mức và không đồng bộ là một thách thức hiện nay đối với quá trình phát triển của vùng ĐBSCL trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay của vùng chưa đồng bộ. Khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của Trung ương còn hạn chế trong khi chi phí đầu tư hạ tầng giao thông tại vùng ĐBSCL lớn...”.

Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL phải đi trước một bước, trên cơ sở làm tốt công tác qui hoạch, hình thành được một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn và kết hợp được các hình thức vận tải, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội... Đó là nội dung quan trọng trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết