21/10/2017 - 13:56

Nghĩa vợ chồng 

Vụ án trộm cắp tài sản bằng đường thủy chấn động các tỉnh miền Tây, TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử. Bên cạnh 7 bị cáo có mặt ở tòa, nhiều người liên quan được triệu tập. Đó là những người vợ lam lũ, tảo tần, khóc nức nở suốt phiên xét xử. Có chị giận chồng mê chơi, tệ bạc nhưng vẫn chấp nhận thứ tha, chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại để chồng yên tâm cải tạo, sớm về với gia đình. Trong phút giây nghẹn ngào, các bị cáo từng là tội phạm sừng sỏ cúi đầu hối lỗi trước tấm chân tình, bao dung của bạn đời.

Trong băng nhóm này, 3/7 bị cáo từng vướng tiền án và đều có vợ con đàng hoàng. Những người vợ chủ yếu quán xuyến nội trợ, chăm sóc con cái. Các bị cáo làm nghề chạy xe ôm, thợ hồ, buôn bán, riêng Lê Văn Mười và anh em bạn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, cuộc sống lênh đênh theo con nước. Qua quen biết nhau khi đi ghe, cả nhóm thực hiện hàng chục vụ trộm bằng cách đột nhập các tiệm vàng, cơ sở làm ăn, lấy tài sản hàng tỉ đồng. Từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt giữa năm 2016, những chuyến “ăn hàng” được giấu kín nên những người vợ chất phác không hề hay biết, tưởng chồng đi làm xa…

Phía sau băng trộm vàng khét tiếng miền Tây là những người vợ tảo tần, lam lũ được mời đến tòa. Nhiều chị chấp nhận tha thứ lỗi lầm, đợi chồng thụ án trở về. Ảnh: KIỀU CHINH

Tiền kiếm được các bị cáo tiêu xài hoang phí, bài bạc; riêng Mười cung phụng “bồ nhí”. Mười khai: “Hai vợ chồng lục đục, tâm trạng không vui nên khi bạn bè rủ đi ăn trộm, bị cáo hứng chí tham gia, rồi lỡ cặp bồ, khiến vợ con chịu khổ. Giờ bị cáo thấy hối hận lắm”. Lúc HĐXX thẩm vấn, vợ Mười nuốt nước mắt kể: “Ảnh ít khi ở nhà, thỉnh thoảng mới về thăm con. Tui ráng làm lụng cực khổ, gói ghém nuôi mấy đứa nhỏ, không đòi hỏi tiền bạc, đâu biết ảnh ra ngoài làm gì”. Giận lắm khi biết chồng không chung thủy, chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình, nhưng khi nghe tòa hỏi về phần bồi thường thiệt hại, là một trong những căn cứ xem xét khi lượng hình phạt, vợ Mười chấp nhận cùng gia đình trả từ từ. Chị run run, tay vân vê vạt áo, không đủ từ ngữ diễn đạt ý mình. Và cũng bởi cơn xúc động với bao tâm sự ngổn ngang chất chứa trong lòng. Biết chồng công khai có người khác đã đau, còn đem tiền phạm pháp xây dựng hạnh phúc mới, càng đau gấp bội. Nhưng vợ Mười vượt lên nỗi hờn ghen thường tình, không bỏ mặc mà tạo điều kiện để chồng sửa sai, sẵn sàng dang tay đón đợi chồng về. Vợ một số bị cáo khác, người chịu bồi thường một phần; người trình bày hoàn cảnh khó khăn không kham nổi nhưng đều tha thiết xin HĐXX xét mức án nhẹ đối với chồng mình.

Chủ tọa phiên tòa dành thời gian phân tích hậu quả hành vi sai trái của các bị cáo, có lời khen cách cư xử của một số người vợ. Chồng phạm pháp đi tù, các chị choàng vai gánh vác, lo cho con cái, phụ trả nợ dù chưa từng biết số tiền phi pháp ấy. Hiếm có phiên tòa hình sự nào mà giá trị gia đình, tình nghĩa thiêng liêng vợ chồng được nhắc nhở, soi rọi chân tình, cảm động như thế. Đứng trước vành móng ngựa, nghe vợ trải lòng, Mười lí nhí mong vợ tha thứ, đợi bị cáo về chuộc lại lỗi lầm. Còn các bị cáo khác, qua thái độ thành khẩn tại tòa và ánh mắt dõi tìm vợ con ở hàng ghế dự khán, chắc rằng sẽ thay đổi, chuyển biến tâm tính, quý trọng hơn những người vợ đồng cam cộng khổ.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, vai trò người thân rất quan trọng, nhất là vợ hoặc chồng trong giáo dục cảm hóa các đối tượng. Nếu được xã hội quan tâm cùng người thân tin yêu, người từng lầm lỡ thêm nghị lực để sửa sai, làm lại cuộc đời. Nhưng nếu xã hội định kiến, gia đình chối bỏ, rất dễ tái phạm. Anh V.P. (phường Tân An, quận Ninh Kiều) tâm sự: “Về nhà sau hơn 10 năm thụ án tù, tôi rất mặc cảm. Nếu không nhờ địa phương quan tâm, giúp đỡ và gia đình tin tưởng tạo điều kiện làm ăn, tôi không biết đời mình sẽ ra sao. Tôi rất biết ơn vợ cùng sát cánh vượt qua sóng gió”. Hiện cuộc sống anh P. ổn định, hạnh phúc, khép lại quá khứ lầm lạc.

Tham dự các phiên tòa, chúng tôi chứng kiến không ít cung bậc cuộc đời qua đạo nghĩa vợ chồng. Có phiên xử người nhà đến rất đông, dẫn theo con, cháu để bị cáo được thấy mặt, an ủi phần nào. Nhưng cũng có những phiên tòa vắng ngắt, lạnh lẽo, chỉ mình bị cáo và những người liên quan, người thân hầu như không quan tâm. Có lần tham dự vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc do TAND quận Ninh Kiều xét xử, trước tòa, người chồng thẳng thừng buông những câu cạn tình với vợ, ai làm sai người ấy chịu, anh không liên can; vợ tự giải quyết phần tiền phạt bổ sung mấy chục triệu đồng dù người chồng kinh tế khá giả. Lúc HĐXX nghị án, anh này thản nhiên đi uống nước, trò chuyện vui vẻ với bạn bè, không mảy may về người phụ nữ vướng vòng lao lý, cô độc kia là vợ mình.

Có câu ca dao rất hay nói về tình nghĩa vợ chồng: “Tay bưng chén muối đĩa gừng. Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”. Ai chẳng từng mắc lỗi lầm trong đời, nhưng nếu người sai quyết tâm sửa đổi, gia đình cần  rộng lượng chấp nhận. Huống chi, vợ chồng duyên nợ cả đời, phải có trách nhiệm với nhau, lúc nguy nan càng nên mở lòng, chung sức vượt khó, đó mới là điều đáng quý.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết