ÐĂNG HUỲNH
Một nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội kết hợp cùng một nghệ sĩ nhạc rap trẻ tuổi để thực hiện sản phẩm âm nhạc. Một thí sinh mạnh dạn mang điệu nói thơ Bạc Liêu của quê hương lên sân khấu “Rap Việt”... Ðó là những nghĩ mới và làm khác trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Wowy trong MV “Tia sáng cuối cùng”.
Ra mắt chỉ mới vài ngày nhưng MV “Tia sáng cuối cùng”, dự án âm nhạc với sự phối hợp của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ hát rap Wowy, thu hút lượng người xem rất lớn. NSND xướng âm lòng bản “Tứ Ðại Oán” với hò, xự, xang, xê, cống bên cạnh Ðô, Rê, Mi... của nhạc phương Tây, cùng những ca từ xúc tích nhưng ấn tượng, kết hợp cùng bài rap của Wowy. Tất cả làm nên sản phẩm âm nhạc bắt tai, cuốn hút từ đầu đến cuối MV. Ngoài ra, “Tia sáng cuối cùng” còn là một trong những MV đầu tiên tại Việt Nam sử dụng AI trong nghệ thuật tạo hình và công nghệ 3D projector mapping kết hợp với vũ điệu đương đại để mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm.
Trước đó, sự kết hợp của NSND Bạch Tuyết với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng trong MV “Về nghe mẹ ru” cũng tạo nên cơn sốt trong thời gian dài, thu hút hàng triệu lượt xem. Thật thú vị khi giọng ca của “cải lương chi bảo” hòa cùng giọng ca của một ca sĩ trẻ hát nhạc trẻ. NSND Bạch Tuyết thường tâm sự rằng, bà không ủng hộ việc bảo thủ trong giữ gìn cải lương nguyên gốc mà phải thích ứng để tồn tại và phát triển. Kết hợp với các ca sĩ trẻ là một trong những giải pháp được NSND Bạch Tuyết chọn lựa với mong muốn giới trẻ yêu mến cải lương nhiều hơn. Trước đó, NSND Bạch Tuyết cũng rất nhanh nhạy khi viết lời vọng cổ và thể hiện cho nhiều ca khúc đình đám của nhạc trẻ, được đón nhận.
Một điển hình khác, chương trình “Rap Việt” mới đây có phần thi diễn của thí sinh Long Nón Lá, 23 tuổi, đến từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Anh đã chọn điệu nói thơ Bạc Liêu của quê hương để đưa vào tác phẩm dự thi, cùng với đó là bài rap nói về cuộc chiến giữ đất của nông dân Ninh Thạnh Lợi quê hương anh với những ca từ tự hào, mang ý nghĩa nối tiếp truyền thống. Anh chia sẻ mong muốn dùng lời ca, tiếng hát của mình để góp phần quảng bá di sản địa phương, phát triển du lịch tỉnh nhà. Dĩ nhiên, “ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay”, nhưng suy nghĩ và cách làm của chàng trai trẻ đáng được trân trọng.
Câu chuyện bảo tồn đờn ca tài tử và cải lương luôn là trăn trở của nhiều người, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày nay. Tất yếu có những tranh cãi, lo ngại việc làm mới không khéo sẽ đánh mất vẻ đẹp vốn có của nghệ thuật truyền thống. Dù vậy, nhiều người cho rằng cần có sự giao hòa, phối hợp, làm mới theo kiểu thích ứng. Ngay cả vở diễn cải lương truyền thống, một kịch bản diễn đến gần 3 giờ đồng hồ, với rất nhiều cảnh trí, lớp diễn... đã không còn đủ sức giữ khán giả đến cuối mà cần sự tinh gọn hơn. Bài vọng cổ 6 câu giờ ít ai ca trọn mà chỉ 2 câu, hoặc nhiều là 4 câu...
Mỗi người mỗi quan điểm, không có chuyện đúng hay sai! Nhưng nghĩ mới và làm khác, biết đâu con đường phát triển của nghệ thuật truyền thống sẽ rộng
mở hơn...