17/09/2017 - 11:04

Truyền hình - điện ảnh Hoa ngữ

Nghệ thuật thứ bảy từ những trang sách 

Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi ở châu Á có thể phát triển mạnh song song hai mảng truyền hình và điện ảnh. Nghệ thuật thứ bảy của quốc gia này lại gắn bó mật thiết với văn học và rất nhiều tác phẩm nổi tiếng đều bước ra từ những trang sách. Tiểu thuyết trở thành kho đề tài vô hạn để giới làm phim Hoa ngữ khai thác đưa lên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng.

Cảnh trong phim Sở Kiều truyện.         

Truyền hình: Ngôn tình chuyển thể từ sách

Tại châu Á, bên cạnh Hàn Quốc, Ấn Độ thì Trung Quốc có nhiều phim truyền hình tạo được sức hút với phong cách đặc trưng. Truyền hình Hoa ngữ đã tạo nên bản sắc với nhiều tác phẩm chuyển thể từ sách. Tiểu thuyết ngôn tình, cung đấu, kiếm hiệp đã trở thành kho đề tài phong phú để các nhà làm phim Hoa ngữ khai thác, tạo nên những tác phẩm nổi tiếng khắp châu Á: Bộ bộ kinh tâm, Lang nha bảng, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Sam Sam đến đây ăn nè, Hoa Thiên Cốt, Bên nhau trọn đời… Những câu chuyện tình lãng mạn vẫn là thế mạnh của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ trong năm 2017.

Sở Kiều truyện chuyển thể từ tiểu thuyết Đặc công hoàng phi- Sở Kiều truyện của tác giả Tiêu Tương Đông Nhi, xoay quanh nhân vật chính Sở Kiều (Triệu Lệ Dĩnh). Xuất thân từ một nữ nô lệ, Sở Kiều dần thoát khỏi đáy xã hội, cũng như tìm lại trí nhớ cùng thân thế. Đây là phim truyền hình Hoa ngữ được xem nhiều nhất trên thế giới với hơn 230 triệu lượt xem quốc tế (không tính các lượt xem trong nước) khi thống kê truy cập trên YouTube.

Sở Kiều truyện có đến 50% lượt truy cập đến từ khán giả Mỹ và đang được dịch ra 9 thứ tiếng để xuất khẩu sang 85 nước và khu vực ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á. Trong nước, Sở Kiều truyện có tỷ suất người xem 2,122%, hơn 20 tỉ lượt. Phim được đánh giá là có kịch bản và diễn xuất tốt, trên trang IMDB, phim có đến 8,4 điểm tích cực. Đây là tác phẩm Hoa ngữ hiếm hoi có được thành tích này ở quốc tế.

Sau Sở Kiều truyện, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Đường Thất Công Tử, gây chú ý trong 8 tháng qua. Phim có tỷ suất người xem trung bình 1,910%. Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa có tới 1 tỉ lượt người xem mỗi ngày, hơn 30 tỉ lượt người xem khi kết thúc phát sóng, đánh bại Hoa Thiên Cốt, Võ Tắc Thiên, trở thành phim Hoa ngữ có nhiều người xem trực tuyến nhất.

Cung đấu trước giờ được xem “đặc sản” của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Năm nay, thể loại này nổi bật khi khai thác về nữ quyền qua các tác phẩm: Hậu cung Như Ý truyện, Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn, Thắng thiện hạ, Lệ Cơ truyện, Độc cô hoàng hậu, Phù Dao hoàng hậu… Trong đó, Hậu cung Như Ý truyện đã phát sóng và nhận được những đánh giá tích cực về nội dung và diễn xuất của dàn diễn viên.

Hậu cung Như Ý truyện chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, là phần tiếp theo của Hậu cung Chân Hoàn- tiểu thuyết từng được chuyển thể thành phim truyền hình và rất được yêu thích của tác giả Lưu Liễm Tử. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Châu Tấn- nữ diễn viên hàng đầu Trung Quốc sau 3 năm vắng bóng màn ảnh nhỏ. Phim còn có dàn diễn viên nữ thực lực: Trương Quân Ninh, Đổng Khiết.

Ở thể loại hiện đại, Danh nghĩa nhân dân được xem là điểm sáng của phim truyền hình Trung Quốc, khi có tỷ suất người xem cao kỷ lục 6,695%. Danh nghĩa nhân dân xoay quanh cuộc chiến chống tham nhũng của Hầu Lượng Bình - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát điều tra về vụ án tham nhũng liên quan đến trưởng phòng chính ủy quốc gia. Dù có đề tài chính kịch nhưng tác phẩm vẫn thu hút khán giả nhờ diễn biến kịch tính, diễn xuất của dàn diễn viên: Lục Nghị, Ngô Cương, Trương Phong Nghị, Hứa Á Quân, Hồ Tịnh.

Dù là cổ trang hay hiện đại, màn ảnh nhỏ Hoa ngữ năm nay ngập tràn phim chuyển thể từ tiểu thuyết: Trạch Thiên Ký, Hoan lạc tụng 2, Quân sư liên minh, Cô phương bất tự thưởng, Thượng cổ tình ca, Con đường đưa tiễn đầy hoa, Bởi vì được gặp em, Nếu có thể yêu như vậy, Đại Đường vinh diệu, Sóng gió khoa ngoại…

Điện ảnh: Bùng nổ phim hành động; điều tra, lịch sử lên ngôi

Màn ảnh rộng Hoa ngữ là “đất” của các thể loại hình sự, hành động và lịch sử. Chiến Lang 2 đang được xem là siêu phẩm của Trung Quốc  khi có doanh thu đến 870 triệu USD, trở thành phim ăn khách thứ hai trong lịch sử Trung Quốc. Phim dựa trên ý tưởng tiểu thuyết quân sự Bullet Hole của nhà văn Dong Qun, kể về Lãnh Phong - cựu binh của đội đặc nhiệm được phái tới châu Phi để giải cứu những người đồng hương và dân địa phương thoát khỏi những kẻ đánh thuê. Chiến Lang 2 cũng là phim duy nhất không nói tiếng Anh lọt vào top 100 phim ăn khách nhất mọi thời đại trên toàn cầu.

 
Cảnh trong phim Phi vụ cuối cùng.

Thể loại hành động, điều tra hình sự phải kể đến Tâm lý tội phạm, Phi vụ cuối cùng, Phá cục… Tâm lý tội phạm chuyển thể từ tiểu thuyết Tâm lý học tội phạm của tác giả Lôi Mễ, kể về Phương Mộc- sinh viên đại học bị vướng vào một vụ án giết người hàng loạt tại ngôi trường anh theo học. Phi vụ cuối cùng phát huy thể loại hành động đặc trưng của Hoa ngữ, khi kể về nhóm siêu trộm thực hiện vụ cuối để rửa tay gác kiếm. Phim tạo nên sức hút khi có dàn diễn diễn viên thực lực: Lưu Đức Hoa, Thư Kỳ, Dương Hựu Ninh.

Cổ trang, kiếm hiệp cũng không thể thiếu trên màn ảnh rộng. Nổi bật chính là Giao châu truyện, chuyển thể từ tiểu thuyết Hoa tư dẫn của Đường Thất Công Tử. Phim kể vể cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ và mạo hiểm của bộ ba: thánh trộm, bộ khoái và hoàng tử ngây thơ. Hành trình kỳ lạ đó đưa cả ba phát hiện một âm mưu hủy diệt thế giới. Trong khi đó, thành công ở màn ảnh nhỏ, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa được chọn chuyển thể lên màn ảnh rộng và tạo nên sức hút riêng.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Sina, Chinadaily)

Chia sẻ bài viết