25/09/2017 - 10:57

Nghề may truyền thống 

Đam mê nghề may, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, 33 tuổi, chủ tiệm may Ty Kot (phường An Phú, quận Ninh Kiều) chinh phục các dòng trang phục khó tính như trang phục biểu diễn và trang phục cưới cho cô dâu và chú rể. Anh Hiếu cho rằng, nghề may truyền thống luôn song hành với may công nghiệp và thợ may truyền thống dư khả năng sống tốt với nghề.

Chị Diễm nhận hàng tiệm may của anh Hiếu về nhà gia công, có thu nhập ổn định hằng tháng. 

Anh Hiếu (tên thường gọi là Ty), quê ở Nha Trang, vào TP Cần Thơ lập nghiệp hơn 4 năm nay. Lúc nào đến cửa tiệm của anh cũng có thể thấy các loại trang phục, từ váy, áo cưới, veston, áo dài, đến đầm dự tiệc, trang phục công sở… chờ giao khách hàng.

Anh Hiếu thích nghề may từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo đuổi đam mê. Sau khi học, nắm những kỹ thuật may cơ bản, anh Hiếu đến TP Hồ Chí Minh tìm học khóa thiết kế thời trang để phát triển tay nghề. Anh chọn hướng đi với các loại trang phục dự tiệc, công sở và cưới.

Tay nghề khéo léo cùng khiếu thẩm mỹ tinh tế, chịu khó đầu tư cho nghề, tiệm may của anh Hiếu ngày càng đông khách. Sau khi chuyển vào sống ở TP Cần Thơ, hơn 1 năm nay, nhờ bạn bè giới thiệu, anh tự tin thiết kế thêm các loại trang phục biểu diễn cho các đoàn vũ công, ca sĩ, người dẫn chương trình…

15 năm phát triển nghề, đến nay anh Hiếu có khoảng 40 thợ phụ khéo léo, lành nghề. Sau khi nhận đơn đặt hàng của khách, anh Hiếu phụ trách phác thảo mẫu mã với sự hỗ trợ tư vấn của người bạn chuyên lĩnh vực tổ chức sự kiện. Kế đó, anh trực tiếp trao đổi với khách về chất liệu, màu sắc trang phục, rồi đo, cắt, giao thợ phụ ráp trang phục.

Chị Võ Thị Ngọc Diễm, ngụ khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thợ may cộng tác với anh Hiếu nhiều năm nay. Chị Diễm phụ trách gia công các loại trang phục đòi hỏi đường may cầu kỳ, sắc nét: vest nam, nữ, áo dài thời trang, trang phục công sở và một số trang phục sân khấu cho ca sĩ hoặc MC.

Chị Diễm cho biết: “Hầu hết trang phục cửa tiệm của anh Hiếu phục vụ khách hàng khó tính nên kỹ thuật ráp, viền, lộng, ủi… đều thật cẩn thận, tỉ mỉ. Sản phẩm hoàn thành đúng mẫu thiết kế, từ đường may, các chi tiết trang trí và kiểu dáng đều phải chuẩn”. Từ việc may gia công, chị Diễm có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Đáp ứng thị hiếu khách hàng, anh Hiếu đặc biệt chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng ban đầu. Sau khi sản phẩm hoàn chỉnh, anh chịu khó lắng nghe góp ý để ngày một nâng cao tay nghề và “giữ chân” khách hàng lâu dài”. Trong các loại trang phục, đặc biệt với váy, áo cưới, anh Hiếu phải tự thiết kế và cắt, may, trang trí (đính đá, hạt cườm) hoàn chỉnh.

Theo anh Hiếu, xã hội càng phát triển, nhu cầu mặc đẹp ngày càng cao, vì thế nghề may truyền thống vẫn có chỗ đứng vững vàng, không  bị ảnh hưởng. Dù trên thị trường có đầy đủ các loại trang phục quần áo may sẵn, kể cả váy, áo cưới, veston, khách hàng có thể mua hoặc thuê nhưng nhu cầu đặt may riêng các loại trang phục đang tăng mạnh, nhiều lúc tiệm may  không đáp ứng được.

Với mỗi bộ váy, áo cưới dao động từ 4-5 triệu đồng; áo dài cưới từ 2 triệu đồng, được nhiều cô dâu chuộng đặt may. Khách hàng có thể chủ động lựa chọn chất liệu, màu sắc, họa tiết, kiểu dáng và đặc biệt là trang phục may vừa vặn với vóc dáng -  đó là lợi thế để nghề may truyền thống ngày càng phát triển, đem lại thu nhập đáng kể cho những thợ lành nghề.

  Bài, ảnh: Minh An 

Chia sẻ bài viết