14/07/2014 - 20:26

Nghề làm trống – Nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ

 Ông Thêu (trái), ông Doanh (phải) đang ghim da trống với tang trống.

Từ lâu tiếng trống đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam như: tiếng trống trường, trống lễ hội, sự kiện lớn nhỏ của đất nước và cả tiếng trống của sự vui – buồn… Có được tiếng trống vang vọng, bay xa ấy phải kể đến công lao của những người đã ra sức bảo vệ và lưu truyền nghề làm trống.

Hôm chúng tôi đến cửa hàng trống Mỹ Tho (phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), cũng là lúc ông Phạm Chí Thêu cùng người thợ đang gấp rút hoàn thành sản phẩm để kịp giao cho khách hàng. Ông Thêu cho biết: Ông quê gốc làng Đọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nơi có truyền thống làm nghề trống từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, nghề làm trống này đã ăn sâu vào máu của bao thế hệ người con trong làng. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, nghề làm trống ở đây vẫn được truyền từ đời này qua đời khác.

Năm 1980, gia đình ông Thêu chuyển vào Tiền Giang, vẫn gắn bó miệt mài, gìn giữ nghề làm trống, bởi cái nghề này đã từng nuôi sống bao thế hệ của gia đình và quan trọng hơn là ông không muốn để cái nghề mang tính văn hóa, truyền thống này bị mai một theo thời gian. Hiện tại, cơ sở làm trống cũng là ngôi nhà ông đang ở, chứa nhiều loại trống với nhiều kích cỡ khác nhau như: Trống chầu, trống múa lân, trống nhạc lễ, trống hội…. cất lên những cung bậc cảm xúc, cùng với sự buồn – vui, trăn trở của người đời.

Ông Thêu cho biết để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Da ngâm trong nước không được quá lâu hoặc quá nhanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em, tang trống tốt nhất là làm bằng gỗ mít, gỗ mít càng già thì âm của trống càng vang vọng, càng hay. Tre dùng làm đai trống là tre bánh tẻ, còn tre làm đinh để ghim da trống với tang trống phải là tre đực già. Việc tạo dáng cũng vô cùng nghệ thuật và khéo léo, làm sao để trống tròn, đẹp, hài hòa, cân đối. Thân trống là sự cộng hưởng âm thanh của cả mặt trống và tang trống. Mặt trống phải đều, phẳng, để khi căng ra phải cân nhau theo chiều chảy, keo dán phải thật kín để âm thanh không bị lọt ra ngoài trống.

Nghề làm trống thu nhập không cao, nhưng với lòng yêu nghề, niềm tự hào truyền thống quê hương đã khiến ông Thêu gắn bó cuộc đời mình với nghề này chưa bao giờ hối tiếc. “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm trống không biết đã qua bao thế hệ. Tính đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang không có mấy cơ sở làm trống. Những người đam mê như chúng tôi cố gắng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này đến khi nào không còn sức để làm. Và chúng tôi như thấy hãnh diện hơn với công việc mình gắn bó mấy chục năm qua” – ông Thêu nói.

Trong vài năm trở lại đây, trước nhu cầu đặt trống của các trường học, đình, chùa, miếu, các đội lân… ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều nên nghề làm trống phát triển mạnh hơn. Bên cạnh việc nhận làm trống theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh, thì thông thường lúc nào trong nhà ông Thêu cũng có sẵn hàng chục cái trống với nhiều mẫu mã, kích thước để người mua lựa chọn theo ý muốn. Ông Phạm Chí Doanh, một người đã đồng hành với gia đình ông Thêu trong nghề làm trống cho rằng các công đoạn từ cách làm tang trống cho đến bịt trống đều quan trọng và ông luôn trăn trở khi hiện nay giới trẻ nếu không phải người của làng Đọi Tam thì ít ai chịu theo cái nghiệp làm trống này. Ông Doanh nói: “Thế hệ trẻ bây giờ ít người nào chịu theo cái nghiệp này, một phần vì lợi nhuận không được cao, phần vì nghề này cần sự khéo léo, tỉ mỉ, yêu nghề và phải có đôi tai biết cảm thụ…Chính vì thế ít có người nào hội tụ đủ các yếu tố này, họ có đến hỏi học nghề nhưng không thấy quay lại. Anh em chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng chỉ dạy cho những ai có đam mê với nghề làm trống, với hy vọng cái nghề làm trống không chỉ có ở làng Đọi Tam mà còn được giữ gìn ngay trên đất Mỹ Tho này”.

Để có thể giữ được nghề làm trống thì nghệ nhân không chỉ am hiểu về trống mà còn phải biết cách làm thế nào để tiếng trống không bị phai nhạt trong đời sống văn hóa. Cũng vì thế ông Thêu luôn gìn giữ cái tinh túy của nghề, không chấp nhận để những sản phẩm thô xấu, chất lượng kém xuất hiện trên thị trường.

Chia tay ông Thêu, một người không thể nhớ rõ mình là thế hệ thứ mấy trong dòng họ Phạm gắn bó với nghiệp làm trống này, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước điều ông Thêu trăn trở là: sợ mai này nghề trống, một cái nghề vốn đi theo suốt chiều dài lịch sử rồi đây sẽ “thất truyền”. Ông cũng chỉ có một mong muốn, là làm sao được truyền tâm huyết nghề này cho thế hệ kế tiếp nhằm lưu truyền một sản phẩm mang đậm nét văn hóa của người Việt Nam.

Bài ảnh: VĂN MINH

Chia sẻ bài viết