11/02/2010 - 15:19

Ngày xuân, bàn về tinh hoa giáo dục đại học của thế giới

Duyên Khánh (Tổng hợp)

Giáo dục đại học (GD ĐH) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội, mỗi quốc gia có chiến lược phát triển GD ĐH khác nhau. Xét về quy mô, phương thức, tính hiệu quả và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, các chuyên gia GD quốc tế đánh giá cao mô hình GDĐH của Mỹ, Đức, Úc và Nhật Bản. Ngày xuân, xin cùng bạn đọc điểm qua một số nét đặc trưng tiêu biểu của các nền GDĐH các quốc gia tiên tiến này.

Sinh viên ngành Luật tại Đại học Harvard (Mỹ) tập làm luật sư tranh cãi trước phiên tòa.
Ảnh: ij.org

* Mỹ: tạo chất lượng bằng sự cạnh tranh

Giáo sư Niall Ferguson là một trong những nhà sử học giỏi nhất nước Anh. Ông giảng dạy Kinh tế và lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ nhất hấp dẫn đến mức ngay cả những sinh viên vốn chểnh mảng việc học hành cũng chú tâm trong giờ ông lên lớp. Vì vậy, 3 trường ĐH nổi tiếng: Oxford (Anh), Harvard và ĐH Tổng hợp New York (Mỹ) quyết tranh nhau mời cho bằng được Niall Ferguson. Trong khi tưởng như phần thắng nghiêng ĐH Oxford thì ĐH Tổng hợp New York đưa ra hứa hẹn hấp dẫn: giao Giáo sư Niall Ferguson phụ trách toàn bộ môn Lịch sử tài chính, đồng thời, tăng lương, cấp nhà và trợ cấp tiền đi lại... Thế nhưng, Giáo sư Niall Ferguson lại về với ĐH Harvard vì nơi đây nhận ông vào biên chế.

Câu chuyện về Giáo sư Niall Ferguson cho thấy các trường ĐH của Mỹ rất chú trọng việc thu hút nhân tài để làm nên sự vượt trội của chất lượng đào tạo. Để phát huy tối đa tài năng cá nhân, các giáo sư có quyền tự chủ rất lớn. Phương pháp giảng dạy ở các trường ĐH Mỹ mang tính mở, khuyến khích sinh viên tư duy độc lập. Giảng trình “101 tư duy về tư duy” (101 thinking about thinking- 101 là mã số chung cho các giáo trình nhập môn tại ĐH Mỹ) của ĐH Harvard là một ví dụ.

Giảng trình “101 tư duy về tư duy” mang tính liên ngành giữa Luật- Triết- Kinh tế. Đầu tiên, vị giáo sư luật sẽ khai mào bằng cách nêu lên một vấn đề đang được tranh cãi trên các phương tiện truyền thông: bác sĩ X. đang phải hầu tòa vì đã giúp bệnh nhân Y. kết thúc cuộc đời một cách êm dịu theo lời yêu cầu khẩn thiết của bệnh nhân, vì anh ta không chịu nổi những cơn đau khủng khiếp của bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vị giáo sư triết sẽ tiếp nối bằng cách phân tích ý nghĩa của cái chết và có thể hùng hồn trích dẫn sử thi Hy Lạp, văn chương cổ đại... ca ngợi thái độ can đảm đối mặt với thần chết của những vị anh hùng. Vị giáo sư kinh tế có thể nhẹ nhàng phân tích các khía cạnh kinh tế của dịch vụ mai táng... Vị giáo sư luật có thể nghiêm nghị bác lại: “Bác sĩ X. đang sống tại bang Z- bang này cấm không cho thực thi “quyền được chết”. Vậy, bác sĩ X. đã phạm luật”... Trong khi các giáo sư tranh luận, sinh viên có thể giơ tay phát biểu, nêu ý kiến, tranh luận một cách thoải mái.

Với những ưu điểm về đội ngũ giáo sư giỏi, phương pháp đào tạo..., các trường ĐH Mỹ thu hút đông đảo sinh viên quốc tế. GD bậc cao của Mỹ là một ngành kinh doanh trị giá hơn 200 tỉ USD, với gần 18 triệu sinh viên đang theo học tại hơn 4.000 trường ĐH. Trách nhiệm quản lý GD thuộc về các bang nhưng chính quyền bang cũng chỉ quản lý GD bậc cao một phần bằng cách đầu tư một khoản kinh phí và cử một người đại diện tham gia Hội đồng quản trị của các trường ĐH công. Đối với ĐH tư- chiếm gần một nửa trong số hơn 4.000 trường ĐH ở Mỹ- quyền tự trị còn lớn hơn nhiều. Nguyên tắc cạnh tranh buộc các trường ĐH không ngừng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thu hút giáo sư giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo. Ưu điểm của việc giao quyền tự chủ cho các trường là tạo ra một nền GD bậc cao đại chúng, gắn bó chặt chẽ với cộng đồng địa phương, có quan hệ mật thiết với nền kinh tế, bám sát nhu cầu của thị trường lao động.

Sinh viên Đại học Aachen (Đức) xuống thực tập ở xưởng sản xuất để tiếp cận những thiết bị, kỹ thuật mới. Ảnh: altium.com

* Đức: tinh hoa song hành với đại trà

Nói đến Đức, chúng ta nghĩ ngay đến những nhà khoa học lỗi lạc: W. Hegel, A. K. Marx, M. Weber, Humboldt... và một quốc gia có nền học thuật thuộc loại phát triển nhất châu Âu. Có được những thành tựu này là do Đức tổ chức hệ thống GD ĐH theo mô hình tinh hoa bên cạnh ĐH đại trà.

Ban đầu, Đức chỉ tập trung phát triển mô hình ĐH tinh hoa. Quy mô các trường nhỏ, khoảng 5.000-10.000 sinh viên, được cấu trúc theo cơ chế ĐH chuyên ngành. Hiện nay, Đức có hơn 20 trường ĐH tinh hoa hàng đầu thế giới, như: ĐH Tổng hợp Munich, Bielefeld, Aachen, Tuebingen... Đây là những “lò” tôi luyện nhân tài trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, y học và công nghệ. Giữa năm 1970 trở lại đây, Đức bắt đầu chuyển hướng sang phát triển ĐH đại trà nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế. Nhiều trường ĐH quy mô lớn xuất hiện, như: ĐH Tổng hợp Ruhr- Bochum trên 50.000 sinh viên, ĐH Kỹ thuật Munich trên 40.000 sinh viên...

Tuy chuyển sang mô hình ĐH đại trà, nhưng về căn bản thì hệ thống ĐH của Đức vẫn hướng tới chọn lựa và đào tạo nhân tài. Ngay từ phổ thông, học sinh đã được phân luồng. Chỉ những học sinh có học lực khá, giỏi mới được vào học tại các trường Gynasium để lấy bằng tú tài (Abitur) và chỉ khi đó mới được xét vào học tại các trường ĐH. Trên 80% trường ĐH Đức vẫn là ĐH công lập. Một số ĐH tư mới xuất hiện trong những năm cuối thế kỷ XX. Nhờ đặc điểm này mà Nhà nước Đức có thể chủ động điều chỉnh chiến lược GD ĐH. Tuy nhiên, các tiểu bang vẫn có quyền tự chủ rất cao trong việc hoạch định chính sách GD. Vì vậy, tùy theo địa phương, các trường ĐH sẽ chú trọng ngành giảng dạy, đề tài nghiên cứu sao cho phù hợp với yêu cầu của vùng. Đặc biệt, sinh viên không phải trả học phí khi vào học tại các trường ĐH chuyên ngành và tổng hợp ở các bang: Berlin, Brandenburg, Mecklenburg Vorpommern, Rheinland Pfalz, Sachsen Anhalt, Sachsen, Schleswig-Holstein và Thuingen.

Khuyến khích tính tự chủ và độc lập của sinh viên là điều đáng ghi nhận của các trường ĐH Đức. Trong quá trình học, sinh viên tự lập lộ trình, kế hoạch học tập, tự chọn môn học bổ trợ, tự chọn giáo sư phù hợp. Sinh viên chỉ đăng ký thi khi nhận thấy mình đã đủ trình độ để thi. Sinh viên sẽ gặp giáo sư, đăng ký trước 2 hoặc 3 vấn đề mà họ cảm thấy nắm vững nhất trong nội dung môn học. Giáo sư sẽ xem xét và nếu chấp nhận, giáo sư chỉ kiểm tra phần kiến thức đã được đăng ký. Giáo sư Bernhard Dahm, ĐH Tổng hợp Passau, phát biểu với hãng Reuters: “Khi sinh viên không đăng ký thi vào vấn đề nào đó, có nghĩa là họ đã biết rõ điểm yếu. Họ sẽ tự biết cách khắc phục, nếu cần thiết. Đối với chúng tôi, quan trọng nhất là đánh giá đúng sở trường của sinh viên bởi khi ra đời, ai sử dụng sở đoản”.

Sinh viên ngành Sinh vật học tại Đại học Flinders (Nam Úc) trong vườn thí nghiệm.
Ảnh: cieng.flinders.edu.au

* Úc: chuyển biến mới trong tư duy phát triển

Gamada, người Indonesia, cựu sinh viên Trường ĐH Melbourne, phát biểu với tạp chí Studyinaustralia rằng học tập tại Úc không chỉ mang lại cho anh kiến thức. “Suy nghĩ sáng tạo và độc lập được khuyến khích và trông đợi trong suốt quá trình học tập tại Úc của tôi. Tôi có thể áp dụng những cách tiếp cận và ý tưởng khác nhau để giải quyết vấn đề và làm việc với mọi người thuộc mọi thành phần theo tinh thần đồng đội”, Gamada bày tỏ. Có thể nói Gamada là “sản phẩm” của những đặc trưng GD ĐH Úc: đòi hỏi sinh viên tự nghiên cứu; khuyến khích sinh viên tự mình, hoặc làm việc theo nhóm, thu thập và phân tích dữ liệu, tham gia các cuộc bàn thảo, tranh luận với những sinh viên khác hoặc giáo sư.

Hằng năm, Chính phủ Úc đầu tư hàng tỉ đô-la để phát triển GD và nghiên cứu ở bậc ĐH. Trong khoảng 40 trường ĐH các loại của Úc, nhiều trường được xếp trong danh sách 300 trường ĐH nổi tiếng thế giới. Mỗi trường ĐH của Úc đều có thế mạnh riêng và đáp ứng các qui định khắt khe của Chính phủ Úc về đào tạo. Tại tiểu bang New South Wales, ĐH Khoa học Công nghệ (UTS) rất mạnh về chuyên ngành máy tính, trong khi đó ĐH Maquaire lại nổi trội về chuyên ngành Thương mại và Kinh doanh. ĐH Sydney vốn nổi tiếng về đào tạo Luật học trong khi ĐH New South Wales (UNSW) lại mạnh về Công nghệ thông tin...

Có thể nói, đã có những bước chuyển quan trọng trong tư duy phát triển GD ĐH ở Úc. Trước thập niên 1990, GD ĐH Úc xem sinh viên như một thứ nguyên liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp. Hội đồng điều hành nhà trường xem GD là phương tiện thu lợi nhuận từ sinh viên để trang trải các phí tổn của quá trình đào tạo. Vì vậy, càng tiết kiệm chi phí đào tạo bao nhiêu, nhà trường càng lợi bấy nhiêu. Chính phủ Úc cũng dựa trên quan điểm này khi tài trợ các trường ĐH. Sau thập niên 1990, GD ĐH Úc bắt đầu chuyển mạnh sang chú trọng đối tượng sinh viên. Các trường ĐH Úc phải tự giải đáp những vấn đề: chương trình giảng dạy có ý nghĩa quan trọng tới mức nào đối với sinh viên? sinh viên học hỏi được những gì từ nhà trường?... Gần đây, một số trường ĐH nhận ra nhà trường không chỉ đơn thuần giảng dạy theo nhu cầu của thị trường lao động mà còn hướng dẫn và dìu dắt sinh viên theo đuổi đường hướng học tập lâu dài. GD ĐH Úc đang chuyển sang mô hình mới. Bộ phận quản lý và điều hành các trường đang xem xét lại chương trình giảng dạy, phương pháp chuyển giao kiến thức, kết quả học tập, vai trò giảng dạy cũng như các hình thức nghiên cứu. Các cơ sở GD ĐH ở Úc áp dụng nhiều biện pháp cải tổ. Điển hình là ĐH Melbourne và chương trình giảng dạy mang tên “Mô hình Melbourne” với khẩu hiệu “chương trình giảng dạy hơn hẳn, đồng thời giúp sinh viên có cuộc sống phong phú hơn trong môi trường học đường”.

Sinh viên Đại học Osaka (Nhật Bản) nghiên cứu và lắp ráp robot. Ảnh: thejunction.net

* Nhật: môi trường học tập tuyệt vời

Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng người đạt giải Nobel. Năm 1949, ông Yukawa Hideki là người Nhật đầu tiên được nhận giải Nobel với Nobel Vật lý “Nghiên cứu về giả thuyết Meson”. Đến nay, Nhật có tất cả 16 người nhận giải Nobel trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học, Chính trị... Theo Bộ Khoa học GD Nhật Bản, luận văn của các nhà khoa học Nhật Bản chiếm khoảng 10,4% tổng số luận văn của các nhà khoa học trên thế giới. GD ĐH tiên tiến là một trong những yếu tố mang đến cho Nhật Bản những thành công trên.

Điểm hấp dẫn nhất của GD ĐH Nhật Bản là môi trường học thuật đầy thuận lợi. Hầu hết chương trình đào tạo của các trường ĐH ở Nhật Bản có chiều sâu và cập nhật rất nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các trường ĐH Nhật Bản được trang bị rất hoàn hảo, từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng... nhằm phục vụ tốt nhất việc học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của sinh viên. Phần lớn sách báo chuyên ngành nổi tiếng đều được dịch sang tiếng Nhật trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận tri thức mới. Nhiều trường đại học cho phép sinh viên sử dụng phòng máy tính 24/24 giờ.

Theo thống kê của Bộ Khoa học GD Nhật Bản, khoảng 48,6% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH- một tỷ lệ rất cao. Không giống như các quốc gia Âu Mỹ chủ trương mở rộng “đầu vào” ĐH, kỳ thi đầu vào của các trường ĐH Nhật thường được thí sinh ví von là “kỳ thi của địa ngục”. Tuy nhiên, khi đã đặt chân vào giảng đường ĐH, cường độ học tập lại “giãn” ra hơn. Trừ ngành y, nha, dược, các khóa học ĐH của Nhật đều kéo dài 4 năm. Tỷ lệ các môn học chuyên môn tăng dần và phần lớn thời gian của năm thứ 4 thường được dành cho nghiên cứu, làm luận án tốt nghiệp.

Mới đây, Chính phủ Nhật đề ra mục tiêu tăng số lượng sinh viên quốc tế học tập, nghiên cứu tại các trường ĐH Nhật từ 120.000 người lên đến 300.000 người vào trước năm 2020. Chính phủ đã chọn ra 30 trường ĐH hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ này. Chính phủ còn đề xướng và khởi động một chương trình mang tên “Career Development Program” (Chương trình phát triển sự nghiệp) dành cho sinh viên nước ngoài đến từ các nước châu Á. Các trường ĐH và các công ty tham gia chương trình sẽ mở các lớp học chuyên biệt đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên tham gia các lớp học đó sẽ được nhận vào công ty làm việc. Chương trình hy vọng mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp.

* * *

Mô hình GD ĐH của mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, tựu trung lại, có thể thấy, ở các mô hình GD ĐH tiên tiến, quyền tự chủ của các trường ĐH, của chính quyền địa phương luôn được đề cao. Vai trò trung tâm của người học luôn được đặt lên hàng đầu với chương trình đào tạo mang tính chất mở và phương pháp dạy học hướng tới phát huy tư duy độc lập, sở trường của từng sinh viên. Đây có lẽ là điều mà GD ĐH Việt Nam cần nghiên cứu, học tập trong quá trình phát triển.

Chia sẻ bài viết