22/12/2015 - 21:21

PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý Tài Nguyên nước và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh:

Ngập lụt đô thị tại ĐBSCL ngày càng gia tăng và đáng báo động

 

Tình trạng ngập lụt đô thị tại ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp khiến các nhà chuyên môn, quản lý, đặc biệt là người dân rất lo ngại. Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý Tài Nguyên nước và Biến đổi khí hậu (BĐKH), Trường Đại học Quốc gia TP HCM về nguyên nhân và giải pháp sống chung trong bối cảnh BĐKH, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa gia tăng…

* Ông đánh giá thế nào về tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay tại ĐBSCL?

- Ngập lụt đô thị tại ĐBSCL ngày càng gia tăng và đáng báo động. Mực nước tại các đô thị trong vùng mỗi năm tăng từ 0,5-1,5cm. Trong đó nghiêm trọng nhất là Cần Thơ, đô thị này đang lập lại kịch bản ngập lụt của TP HCM 10 năm trước.

 Khi mưa lớn kết hợp triều cường thường làm cho phần lớn hệ thống giao thông nội ô Cần Thơ ngập sâu 20cm đến gần 1m. Ảnh: T. HUY

Theo đó, trước năm 1995, mực nước cao nhất hằng năm tại các trạm trên sông Sài Gòn hầu như ít thay đổi. Nhưng sau đó gia tăng đột ngột. Đầu thập niên 2000, một số dự án thoát nước sử dụng vốn vay ODA được khởi động và đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến nay, cùng với việc tiến hành nâng cấp hệ thống thoát nước mưa và lắp đặt khoảng 700 van ngăn triều cục bộ tại các cửa xả đã góp phần kéo giảm số điểm ngập thường xuyên từ 152 (năm 2007 )xuống còn 18 điểm năm 2012. Cũng từ sau năm 2012, do các dự án đầu tư ODA về chống ngập chấm dứt và chưa tìm được nguồn kinh phí khác nên tình trạng ngập lụt ở TP HCM tái diễn theo chiều hướng gia tăng… Tại Cần Thơ đang xúc tiến dự án chống ngập đô thị trị giá 250 triệu USD từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, khi các công trình của dự án này đi vào vận hành, thì tình trạng ngập lụt sẽ giảm xuống. Nhưng sau đó, khi dự án kết thúc, nếu như khi tốc độ đô thị hóa nhanh lan ra ngoại thành, các công trình chống ngập không theo kịp, chưa đồng bộ… thì ngập lụt sẽ trở lại gia tăng.

* ĐBSCL là một vùng đất thấp, đã, đang và sẽ chịu tác động nặng nề của hiện tượng BĐKH toàn cầu. Theo đó, nhiệt độ tăng cao, giông bão, lốc xoáy, ngập lụt, sạt lở bờ sông sẽ xảy ra với cường độ cao, tác động trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của hàng triệu dân. Nếu chúng ta chọn lựa đê bao là giải pháp chủ yếu thì phải như thế nào thưa ông?

- Thực tế, ở đất nước Hà Lan, có nhiều nơi ngập. Họ vẫn để nguyên hiện trạng, coi như như đặc trưng vùng sông nước, thậm chí là điểm thu hút du lịch. Đối với ĐBSCL, chúng ta cũng cần thay đổi tư duy. Nếu như chúng ta đã phát triển đê bao thì phải làm sao sống một cách an toàn nhất trong đó. Bởi vì nên nhớ rằng đê bao không bao giờ tuyệt đối. Ví dụ như Hà Lan đưa ra thiết kế đê bao rất là cao; đủ sức chịu biến cố lên đến 1/10.000. Nghĩa là 10.000 năm mới có 1 lần. Tất nhiên mình không đủ tiền để làm như thế. Nhưng tiêu chuẩn mình cũng phải đủ cao. Chứ đừng hà tiện trước mắt mà trả giá lâu dài. Như Bangkok, Thái Lan, chẳng hạn. Họ đưa ra tiêu chuẩn là 30 năm, nghĩa là đủ sức chịu tình trạng ngập 30 năm mới có 1 lần. Nhưng đến biến cố 2011 thì nó vỡ. Chúng ta phải đặt ra vấn đề ở đây là nếu làm đê bao, mức độ an toàn phải nâng lên. Ít nhất 100 năm chứ không thể thấp hơn. Như vậy, với thực tế các công trình đê bao ở ĐBSCL, đa số từ 5-20 năm, tương đối thấp. Vậy thì mình phải nâng cấp nó lên. Nếu không nâng cấp sớm thì để nhà dân họ chiếm ngụ thì rất tốn kém sau này.

Ở Hà Lan có hệ thống quan trắc, theo dõi, đánh giá chất lượng thường xuyên, phát hiện và khắc phục kịp thời những trục trặc. Chứ không phải như mình làm xong, để đó, nhiều khi, ổ mối trong đó ngày càng lớn nhưng mình không biết, nhưng nó rất nguy hiểm. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng. Một khi đã quyết định đó là lịch sử, mình đã sống chung với đê bao rồi, thì phải hết sức chú ý vấn đề an toàn. Việc làm đê bao toàn vùng, có cái rất nguy hiểm, giống như bỏ hết trứng vào một giỏ, rớt là bể hết. Ta nên chia thành nhiều vùng, xây dựng đê bao, kiểm soát ngập lũ an toàn rồi liên kết lại thành một hệ thống, có phương án phối hợp quản lý. Trong khi nếu như chỉ làm 1 hệ thống đê bao toàn vùng, cuối cùng là "cha chung không ai khóc".

* Như vậy giải pháp phòng chống ngập lụt của chúng ta hiện nay đã và đang trong tình trạng lạc hậu? Đâu là giải pháp tối ưu, thưa ông?

- Cái lạc hậu ở đây rõ nhất là năng lực thiết kế. Mình vẫn dùng các thiết kế theo quy phạm cũ, số liệu cũ, trong khi phải đối phó những biến cố ở tương lai. Ta dùng số liệu lịch sử, còn nhỏ, tính toán làm ra công trình phải chịu đựng làm việc với điều kiện của tương lai khắc nghiệt hơn. Sửa cái lạc hậu này cần 1 sự thay đổi ở cấp trung ương. Tức là, phải thay đổi về quy phạm, thiết kế công trình, dự toán… Làm thế nào để sát đến các yếu tố biến đổi khí hậu, điều kiện thực tế của vùng… Cái lạc hậu thứ 2 là về cơ chế. Hiện nay, mình đang làm ở góc độ là mọi người có thể tham gia vào trong việc gây ngập. Nhưng có rất ít cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm chống ngập. Những anh đó thật ra để giải quyết cái hậu quả do toàn xã hội mang lại. Nhưng bây giờ chính anh đó là nạn nhân, bị phàn nàn nhiều nhất là tại sao công trình không chống được ngập. Trong khi đó, toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp, làm hạ tầng, đô thị hóa đều có phần gây ngập hết. Khi họ sang lấp vùng trũng, lấn chiếm 1 con rạch, tạo ra mặt phủ bê tông hóa là họ gây ngập đó. Nhưng họ không có trách nhiệm trong chuyện đó. Có thể khẳng định, 70% tác nhân gây ngập lụt là do con người. Đây là nguy cơ trước mắc, còn nước biển dâng là nguy cơ tương lai. Có thể thấy, mỗi năm mực nước ở các đô thị ĐBSCL tăng 1,5mm. Nhưng trong đó, yếu tố nước biển dâng chiếm 0,4mm; còn lại do đất lún, phát triển đô thị… Nhiều năm, lũ rất kém nhưng Cần Thơ và các đô thị khác ở ĐBSCL tình trạng ngập vẫn tăng.

Phải có cơ chế điều phối thế nào? Phải làm sao cho lợi ích và nguy cơ điều hòa với nhau, một cách có trách nhiệm. Chớ không phải lợi ích thì 1 số đơn vị hưởng hết, nguy cơ thì đẩy đi chỗ khác. Hiện những nỗ lực dẫn đến gây ngập lớn bằng mấy chục lần nỗ lực chống ngập. Một năm chúng ta bỏ hàng chục ngàn tỉ đồng để phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng. Tất cả cái đó đều gây ngập. Trong khi phần chống ngập rất nhỏ lẻ, dựa vào ngân sách hạn hẹp.

Chúng ta làm quy hoạch không gian, làm khu đô thị, khu công nghiệp... không cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chống ngập vì sợ tốn kém... nên không hài hòa trách nhiệm trong khi tác nhân gây ngập cứ tăng thêm. Rồi khi thấy ngập thì chúng ta đổ thừa BĐKH…

* Xin cảm ơn ông !

THANH HUY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết