Năm 2021, ngoài thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế TP Cần Thơ còn nỗ lực hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm với kết quả khả quan. Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi về kế hoạch của ngành Y tế thành phố trong giai đoạn mới.
Thưa ông, trong giai đoạn bình thường mới, khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và gánh nặng “hậu COVID-19”, hoạt động dự phòng, khám, chữa bệnh của ngành Y tế Cần Thơ được thực hiện như thế nào?
- Trong giai đoạn bình thường mới, ngành Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế đã đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện trong năm theo chủ đề năm 2022 của thành phố “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố”. Cụ thể thực hiện 6 nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðó là tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng, tử vong do COVID-19. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Song song đó, thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới, tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao; nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo dịch, xử lý ổ dịch và hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Chủ động phát hiện, cập nhật danh sách quản lý F0 cách ly, điều trị tại nhà và rà soát quản lý người thuộc nhóm nguy cơ cao; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà. Ðiều trị F0 tại các cơ sở y tế theo tháp 3 tầng; tập trung vào các bệnh viện (BV) tầng 2, 3. Mục tiêu mỗi quận, huyện đều có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình thuộc tầng 1, tầng 2. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế. Mỗi BV tuyến thành phố đều có bố trí khu vực riêng để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc tầng 2, 3 theo năng lực chuyên môn và theo phân tầng điều trị của Sở Y tế. Ðồng thời quan tâm điều trị các biến chứng hậu COVID-19.
Hai nhiệm vụ cuối cùng là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hình thức đa phương tiện nhằm truyền tải thông điệp phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện cho từng nhóm đối tượng. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, dự báo dịch; huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng,
chống dịch.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Vậy có cần thiết duy trì các BV dã chiến, trạm y tế lưu động không, thưa ông?
- Ðến thời điểm này, BV dã chiến, trạm y tế lưu động đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, mô hình BV dã chiến, trạm y tế lưu động không còn phù hợp, không hết công năng, ngành Y tế tham mưu lãnh đạo thành phố ngưng hoạt động BV dã chiến, trạm y tế lưu động. Các BV đa khoa, chuyên khoa có năng lực điều trị COVID-19 dành 1 phần cơ số giường thu dung, điều trị COVID-19, còn lại điều trị các bệnh lý khác. Ðồng thời, củng cố hoạt động các trạm y tế cố định. Riêng mạng lưới thầy thuốc đồng hành tiếp tục hoạt động, tư vấn từ xa cho người bệnh. Mạng lưới này hoạt động toàn quốc, khi dịch bệnh khu vực nơi nào bùng phát, số ca tăng nhanh thì tập trung tư vấn, truyền thông, hướng dẫn cho bệnh nhân ở khu vực đó.
Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp và bùng phát mạnh thì vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở trở nên quan trọng hơn. Năm 2022, ngành Y tế thành phố đã có kế hoạch đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở ra sao, thưa ông?
- Nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế thành phố, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; Sở Y tế căn cứ đề xuất nhu cầu đầu tư của các đơn vị trực thuộc, phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư xây dựng danh mục đăng ký nhu cầu đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, tham mưu trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Danh mục dự án dự kiến gồm: Dự án Nâng cấp cải tạo và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư dự kiến là 110 tỉ đồng; Dự án cơ sở y tế tuyến quận, huyện với tổng mức đầu tư dự kiến là 135 tỉ đồng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: H.HOA
Ngành Y tế cũng phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư trong việc lập quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, rà soát nhu cầu đầu tư phát triển y tế cơ sở để đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch, phân loại, điều trị cho tuyến y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế, tránh tình trạng dồn lên BV tuyến trên gây quá tải.
Ðối với y tế cơ sở, ngành sẽ tham mưu Sở Nội vụ, UBND thành phố, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ ưu đãi cho cán bộ, nhân viên y tế. Theo đề xuất, cán bộ, nhân viên y tế công tác ở hệ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế, hưởng phụ cấp nghề với mức cao nhất 100%, nâng lương trước hạn, đào tạo theo yêu cầu của đơn vị... Hiện nay, tuyến dự phòng và trạm y tế có khoảng hơn 600 người.
Sở cũng đã tham mưu lãnh đạo thành phố đưa vào quy hoạch tích hợp các BV lớn như Ða khoa, Nhi đồng, Ung bướu, Phụ Sản, Lao và Bệnh phổi. Riêng BV Ung bướu tiếp tục thực hiện dự án xây dựng BV, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Các BV còn lại, mở rộng mô hình điều trị, vừa cải tạo, vừa xây dựng mới theo quy hoạch của thành phố. Ðồng thời, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cao như: BV Huyết học - Truyền máu đang hoàn thiện thủ tục xây dựng trung tâm ghép tủy điều trị bệnh lý về máu và ung thư máu. BV Phụ sản rà soát, nâng cao chất lượng phòng mổ, hậu phẫu; nâng cao năng lực Trung tâm Sàng lọc trước sinh và Sơ sinh.
Thưa ông, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Y tế sẽ làm gì để ứng phó?
- Ngành Y tế thành phố tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng chuyên sâu, nâng cao chất lượng nhân lực tuyến y tế cơ sở; chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, thực hiện nghiêm phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương để kịp thời tham mưu Thành ủy, UBND thành phố; thực hiện rà soát các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền… để vận động đi tiêm chủng; xây dựng phương án vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19; nâng cao năng lực thu dung, điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết khác...; nâng cao năng lực các trạm y tế, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai mô hình bác sĩ gia đình kèm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế; tăng cường công tác thanh kiểm tra thuộc các lĩnh vực do ngành quản lý, đặc biệt các hoạt động liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2021, công suất sử dụng giường tại các BV tuyến thành phố đạt 76,7%; công suất sử dụng giường tại tuyến huyện đạt 81,3%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Đến nay, có 11 đơn vị thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên và 18 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Các dự án của ngành được triển khai đúng tiến độ. Đặc biệt, Dự án BV Ung bướu (quy mô 500 giường) từ nguồn vốn ODA Hungary đang triển khai xây dựng theo kế hoạch; Dự án BV Y học cổ truyền đã xây dựng xong; đã triển khai khởi công xây dựng cơ sở 2 BV Mắt - Răng Hàm Mặt.
H.HOA (thực hiện)