22/03/2020 - 07:01

Ngành giải trí lao đao vì COVID-19 

Chỉ trong thời gian ngắn, sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19 đã gây thiệt hại đến nhiều ngành nghề. Trong đó, những hoạt động giải trí bị đình trệ, thua lỗ nghiêm trọng.

Doanh thu điện ảnh lao dốc, sản xuất đình truệ

“Mission Impossible 7” phải tạm hủy lịch quay vì dịch bệnh tại Italy.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ không chỉ là tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 mà còn là nơi phản ánh rõ sự lao dốc không phanh, thua lỗ của ngành giải trí.

Hoành Điếm, một trong những phim trường lớn nhất thế giới và nổi tiếng Trung Quốc đã bị đóng băng. Tờ Ifeng phản ánh: “Đến 6.000 người ở Hoành Điếm, nhưng cả thành phố vẫn tựa như lãnh cung, tịch mịch và trống rỗng. Quang cảnh u ám ở Hollywood phương Đông là biểu tượng của cuộc khủng hoảng đang bao trùm ngành công nghiệp giải trí Hoa ngữ”. Nhiều dự án phim bị đình sản xuất vô thời hạn, hàng ngàn người thất nghiệp. Trước đó, hơn 70.000 rạp phim tại Trung Quốc đã bị đóng cửa kể từ tháng 1, kéo theo doanh thu sụt giảm mạnh. Thống kê từ Artisan Gateway, Trung Quốc thất thu lên đến 2 tỉ USD. Trong khi đó, tại Hàn Quốc - thị trường điện ảnh thứ 5 toàn cầu - doanh thu từ phòng vé giảm gần 70% và đang lao dốc không phanh. Nhiều chuỗi rạp lớn như: CGV, CGV, Megabox đã đóng cửa hoặc giảm các suất chiếu, nhân sự. Tại Nhật, mọi hoạt động giải trí đều bị cấm đến tháng 4. Các hãng phim, nhà phân phối và nhà điều hành rạp chiếu phim Shochiku cũng tạm dừng hợp đồng quảng bá với đối tác. Nhiều dự án phim như “Doraemon the Movie: Nobita’s New Dinosaur”, “Fukushima 50”... đều bị hoãn chiếu.

Hollywood cũng chịu chung số phận khi mất khoảng 5 tỉ USD doanh thu phòng vé. Chưa dừng lại đó, kinh đô điện ảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi hàng loạt dự án bị đình trệ, tạm ngưng sản xuất. Chuỗi rạp AMC - một trong những hệ thống rạp lớn nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu, đang phải hứng chịu khó khăn khi thất thu lên đến 95% và phải đóng cửa hàng loạt rạp chiếu. Vue International - Công ty Điện ảnh đa quốc gia của Anh, Italy... cũng tuyên bố đóng cửa 17 điểm chiếu ở Bắc Italy. Hàng loạt phim: “Mulan”, “No Time No Die”, “The Truth”… bị dời lịch chiếu. Các dự án: “Mission Impossible 7” hay phim tiểu sử về Elvis Presley đình sản xuất.

Liên đới nhiều ngành giải trí

Không chỉ điện ảnh, nhiều quốc gia đã có lệnh cấm với việc tổ chức các sự kiện lễ hội, thời trang, âm nhạc.

Italy - thiên đường thời trang quốc tế, hiện đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu - đang chứng kiến sự lao dốc không phanh của ngành thời trang. Massimo, chuyên gia về luật thương mại và hải quan quốc tế, cho biết: “Ước tính doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019”. Đây là đòn giáng nặng nề cho kinh tế Italy khi ngành công nghiệp thời trang thường mang về khoảng 100 tỉ USD hàng năm, trong đó có gần 80 tỉ USD đến từ xuất khẩu. Nhưng hiện tại Italy đang bị phong tỏa. Hàng loạt các nhãn hiệu xa xỉ như Prada, Versace, Armani đều phát triển mạnh mẽ tại Milan; trong khi đó các thương hiệu Louis Vuitton, Stella McCartney cũng đều dựa vào dây chuyền sản xuất lớn của cái nôi thời trang hàng hiệu này. Italy bị phong tỏa thì dây chuyền sẽ tê liệt, nhất là trong giai đoạn các thương hiệu đang chuẩn bị trình làng các bộ sưu tập Xuân Hè. Dẫu vậy, Massimo vẫn hy vọng: “Các cửa hiệu đang dần bán hàng trở lại ở Trung Quốc, nên tôi hy vọng điều này cũng sớm xảy ra với Italy để chuỗi cung ứng ngành hàng xa xỉ có thể đưa sản phẩm ra thị trường”.

Tuy nhiên, hy vọng của Massimo có lẽ không mấy khả thi khi Trung Quốc cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Hàng loạt các cửa hàng thời trang của Louis Vuitton, Chanel, Burberry, Nike, Hugo Boss, Levi’s... đều đã đóng cửa, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Một trong những sự kiện thời trang quốc tế lớn nhất tại Trung Quốc là Shanghai Fashion Week cũng bị hoãn vô thời hạn. Tương tự, tại Hàn Quốc, Seoul Fashion Week cũng bị hủy, kéo theo đó là 135 đối tác đến từ 12 nước châu Á và 30 đối tác đến từ khu vực Âu Mỹ sẽ không đến sự kiện này. Đây là tình trạng chung. Thống kê cho thấy, doanh số bán ra của Dior, Gucci, Yves Saint Laurent đều giảm.

Ngoài thời trang, nhiều hoạt động giải trí khác bị liên đới. Đại nhạc hội Coachella đã bị dời lại, hay CBS tuyên bố ngừng sản xuất sê-ri truyền hình thực tế “Survivor” mùa 41, chương trình thực tế “The Amazing Race” cũng tạm dừng sản xuất và rất nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ từ châu Á đến châu Âu, Mỹ đều phải dừng lại.l

BẢO LAM (Theo Variety, Latimes, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết