20/06/2021 - 14:40

Ngành công nghiệp thời trang liệu có phục hồi? 

Trước tình hình khó khăn chung trên toàn cầu do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành công nghiệp thời trang cũng đang loay hoay tìm lối thoát. Liệu có giải pháp hiệu quả nào để ngành công nghiệp này nhanh chóng hồi phục?

Cửa hàng J.Crew.

Cửa hàng J.Crew.

Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company vừa công bố báo cáo phân tích chi tiết tình hình thị trường của ngành công nghiệp thời trang. Theo đó, năm 2020 ngành công nghiệp thời trang toàn cầu sụt giảm 20% doanh thu, tương đương 440 tỉ USD. Trong đó, doanh số bán hàng ở thị trường châu Âu đã giảm khoảng 20% ​​so với năm 2019. Đức và Pháp là hai nước có mức sụt giảm thấp nhất, với tỷ lệ giảm 16-18%; trong khi Tây Ban Nha, Ý và một số nước Đông Âu giảm đến 30%. Tại Mỹ, doanh số bán hàng cũng giảm 23% so với năm trước đó.

Với thực tế này, McKinsey & Company phân tích sẽ có khoảng 20-30% các công ty trong lĩnh vực thời trang ​​đứng trước nguy cơ phá sản hoặc bị mua lại bởi các công ty lớn. Cụ thể, nhiều công ty thời trang ở châu Âu và Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng, trong đó bao gồm Neiman Marcus, J.Crew (Mỹ) và Debenhams (Anh) đã đệ đơn xin phá sản, hoặc đang tái cấu trúc bằng cách sử dụng quy trình phá sản do chính phủ hỗ trợ. Tiến sĩ Achim Berg, lãnh đạo toàn cầu mảng may mặc, thời trang và xa xỉ phẩm của McKinsey & Company, cho rằng: “Tình hình này sẽ tiếp tục diễn ra với ngành công nghiệp thời trang trong năm 2021 khi dịch bệnh vẫn hoành hành ở các nơi trên thế giới. Ngành công nghiệp thời trang chỉ có thể phục hồi sớm nhất là vào khoảng cuối năm 2022. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào chiến lược của các đơn vị, như: chiến lược kênh, chiến lược tập trung ở các khu vực địa lý khác nhau, kế hoạch phân loại hay đảm bảo chuỗi cung ứng”.

Số liệu thống kê cho thấy tín hiệu khả quan xuất hiện ở thị trường thời trang trực tuyến. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng trực tuyến đã có sự bứt phá ngoạn mục, từ mức trong tháng 1 chỉ chiếm tỷ lệ 16% doanh số toàn cầu, đã tăng lên đến 29% trong tháng 8. Theo đó, Đức, Anh và các nước Bắc Âu là những thị trường có sự tăng trưởng nhanh. Thực tế, nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất đã linh hoạt mở rộng các kênh online, tiếp cận các thị trường mới trên thế giới. Các khoản đầu tư vào kỹ thuật số đang chứng minh hiệu quả. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử Zalando đã có thêm 3 triệu người dùng mới chỉ trong quý III năm 2020, tổng giá trị hàng hóa cũng lên 30% so với cùng kỳ năm 2019. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển cao ở các thị trường như: Mỹ, Anh (tăng trưởng từ 45- 50%), các quốc gia ở Nam Âu (tăng trưởng từ 25%)... Trong khi đó, thương mại điện tử ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức hơn 50%. 

Các nhà phân tích dự đoán sự khởi sắc của ngành công nghiệp thời trang xuất hiện vào mùa hè năm 2021. Đó là khi dịch bệnh được kiểm soát ở một số khu vực và chính sách tiêm vaccine đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Người tiêu dùng đang háo hức trở lại thói quen mua sắm, nhất là ở các cửa hàng trực tiếp. Khả quan nhất là ở các thị trường châu Âu và Mỹ bởi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh sau thời gian cách ly, giãn cách xã hội. Một số hoạt động về du lịch, giải trí, điện ảnh, âm nhạc đã hoạt động trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Dự báo là thị trường châu Âu sẽ phục hồi sớm vào cuối năm 2022, còn thị trường Mỹ được đánh giá khôi phục chậm hơn. Bởi Mỹ vẫn áp dụng quy định giới hạn người vào cửa hàng mua sắm. Vì vậy, ngành công nghiệp thời trang tại thị trường Mỹ chỉ có thể hồi phục trở lại như trước khủng hoảng sớm nhất là quý I-2023.

Tại Trung Quốc, thị trường thời trang vẫn ổn định vào năm 2020 và có xu hướng tăng nhanh vào năm 2021. Đặc biệt, thị trường này đang trở thành nguồn thu lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ châu Âu. Các chuyên gia cho rằng năm 2021 sẽ là thời điểm mang lại cơ hội phát triển cho các phân khúc hàng thời trang cao cấp và xa xỉ. Đây là lĩnh vực mà người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều trong năm nay từ những chương trình giảm giá mạnh trong thời gian COVID-19. Đồng thời qua các chương trình này, thời trang cao cấp và xa xỉ cũng mở rộng cửa vào thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc. Nhờ đó ngành công nghiệp thời trang có khả năng hồi phục nhanh hơn các ngành giải trí, dịch vụ khác.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Bussiness Of Fashion, Elle, Vogue)

Chia sẻ bài viết