02/05/2022 - 23:29

Ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc tự tìm thị trường 

BẢO LAM (Theo South China Moring Post, Variety)

Phim ảnh Hàn Quốc từng đối mặt với không ít khó khăn về đầu ra, nhất là ở thị trường truyền thống Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó đang dần thay đổi khi có sự tác động từ các nền tảng phát trực tuyến.

Phim “Squid Game”.

Trung Quốc được xem là thị trường hàng đầu của Hàn Quốc từ năm 2013 sau thành công vang dội của "My Love From the Star" ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Thời điểm đó, "My Love From the Star" đạt doanh thu khoảng 150 tỉ won từ Trung Quốc; khiến nhiều hãng sản xuất và nhà làm phim Hàn Quốc xem Trung Quốc là thị trường mục tiêu chính, mang về lợi nhuận cao; vì thực tế rất khó thu hồi chi phí sản xuất hoàn toàn từ thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, việc một phim Hàn Quốc có thể tăng chi phí sản xuất hay không phụ thuộc rất nhiều vào lợi nhuận tiềm năng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó dường như đã không còn phù hợp trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Hội đồng Ðiện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu phim Hàn lớn nhất trong năm 2015, chiếm đến 31,5% tổng doanh thu từ các phim xuất khẩu. Giá trị của phim Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục trong năm đó với 9,2 triệu USD từ các nhà phân phối Trung Quốc chi trả cho phim Hàn. Tuy nhiên, đến năm 2019 Trung Quốc chỉ chiếm 3,1% tổng doanh thu từ phim Hàn Quốc xuất khẩu. Từ năm 2015-2019, lợi nhuận của phim Hàn ở Trung Quốc giảm gần 90%, chỉ còn 1,1 triệu USD.

Trung Quốc đã không còn là thị trường mà ngành công nghiệp giải trí phim ảnh Hàn Quốc đặt nặng nữa, thay vào đó Hàn Quốc đã tự tìm những thị trường mới dựa trên các nền tảng phát trực tuyến. Khi các nền tảng phát trực tuyến như Netflix ngày càng phát triển, các kênh phân phối nội dung càng đa dạng hóa thì sức ảnh hưởng từ Trung Quốc đối với ngành công nghiệp sáng tạo nội dung của Hàn Quốc hiện đã giảm xuống. Từ năm 2020 doanh số bản phim Hàn Quốc ở nước ngoài tăng 13,3% thông qua các nền tảng phát trực tuyến ở thị trường quốc tế. Cụ thể như "Squid Game" (2021) đã tạo đột phá cho phim Hàn ở thị trường quốc tế thông qua Netflix. Chỉ 28 ngày đầu công chiếu, "Squid Game" đã sở hữu đến 65 tỉ giờ xem quốc tế, trở thành kỷ lục của Netflix. Thành công này khiến nhiều đơn vị phát trực tuyến quan tâm đến phim ảnh Hàn Quốc nhiều hơn.

Trong giai đoạn 2016-2021, Netflix đầu tư 647 triệu USD vào ngành giải trí phim ảnh ở Hàn Quốc và đã mang về khoảng 4,71 tỉ USD. Do đó, năm 2022 Netflix dự chi 462 triệu USD để sản xuất nội dung Hàn Quốc. Kang Dong Han, Phó Chủ tịch phụ trách nội dung của Netflix Hàn Quốc, nói: "Nội dung giải trí Hàn Quốc từ Netflix và những nhà sáng tạo Hàn Quốc đã vượt ra khỏi châu Á và hiện được định vị là một nền văn hóa đại chúng được cả thế giới yêu thích, gồm cả châu Mỹ, châu Âu và châu Phi". Không chỉ Netflix mà cả Apple TV+ và Disney+, HBO Max cũng đang gia nhập và đầu tư nhiều nội dung với Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng những khoản đầu tư quốc tế sẽ khiến nội dung của Hàn Quốc trở nên cạnh tranh hơn, cải thiện cả số lượng lẫn chất lượng sản xuất nội dung của Hàn Quốc.

Xác định hướng tới thị trường toàn cầu và quốc tế hóa, nhiều đơn vị phim ảnh tại Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng sự đầu tư. Cụ thể, CJ ENM đã quyết định thu mua Endeavour Content, một hãng phim Hollywood có trụ sở tại 19 quốc gia ở châu Âu và Nam Mỹ với mức giá 785 triệu USD. Kang Ho Seong, Giám đốc điều hành CJ ENM, cho biết: "CJ ENM sẽ sử dụng Endeavour Content làm cơ sở toàn cầu để sản xuất và phân phối nội dung độc lập".

Chia sẻ bài viết