02/05/2020 - 19:41

Ngành công nghiệp hoạt hình Nhật thoát khỏi khuôn khổ 

Ngành công nghiệp phim hoạt hình có lịch sử phát triển khá lâu đời ở châu Á, đặc biệt là tại Nhật. Với phương Tây, nhất là tại Mỹ, phim hoạt hình Nhật ít khi được công chiếu kiểu chính ngạch trên màn ảnh rộng; mà thường xuất hiện ở dịch vụ trực tuyến hay các băng đĩa DVD. Thế nhưng, điều đó đang dần thay đổi...

“Weathering With You”.

“Dragon Ball Z: Battle of Gods” (2013) thành công lớn tại hệ thống rạp ở phương Tây khi mang về 2,5 triệu USD, dù chiếu giới hạn. Sự thành công của “Dragon Ball Z: Battle of Gods” đã tạo nên một ngoại lệ: phim hoạt hình được các nhà đầu tư xem xét như thị trường tiềm năng mới, thay cho các dòng phim siêu anh hùng đang bị chững lại. Dễ dàng nhận ra thay đổi này khi hàng loạt các phim hoạt hình được ra rạp một cách chính thống, như: “Dragon Ball Super: Broly”, “Fate/Stay Night: Heaven’s Feel II”, “KonoSuba: God Blessing on This Wonderful World!”, “Legend of Crimson”, “One Piece: Stampede”, “Promax”. Việc công chiếu giới hạn thành công ở phương Tây đã chứng minh cho thế giới thấy rằng hoạt hình Nhật có khả năng thu hút khán giả đến rạp. Ví như sự thành công của “Weathering With You” ở Mỹ mới đây, cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp tục và mở rộng thêm nhiều cơ hội cho dòng phim này.

Thực tế, phim hoạt hình Nhật đã có chỗ đứng vững chắc, cũng như thị trường ổn định ở các hạ tầng trực tuyến. Khán giả cũng đã quen với điều này. Do đó, khi dòng phim này ra rạp và có xu hướng mở rộng, thì có những lo ngại rằng liệu nó còn đủ hấp dẫn với khán giả. Dễ thấy nhất là trên hạ tầng của Netflix - đơn vị tiên phong đưa dòng phim hoạt hình Nhật tiếp cận thị trường phương Tây. “Dragon Quest: Your Story” đã từng thành công trên Netflix sau khi bị từ chối ở rạp. Nền tảng này đã mở đường cho nhiều phim hoạt hình tiếp cận khán giả, nhưng đồng thời cũng làm cho nhiều tác phẩm phải từ bỏ cơ hội ra rạp vì khán giả quen với việc tiếp nhận phim hoạt hình qua các dịch vụ trực tuyến.

Đơn cử như trường hợp của “Pókemon The Movie: Mewtwo Strikes Back Evolution”. Loạt phim về Pókemon từng thành công khi chiếu rạp, nên việc “Pókemon The Movie: Mewtwo Strikes Back Evolution” ra mắt ở nền tảng Netflix đã gây không ít tranh cãi. Thế nhưng đó là sự đảm bảo an toàn cho phim ở thị trường phương Tây mà các nhà sản xuất và phân phối lựa chọn. Funimation và GKIDS - 2 đơn vị chuyên phân phối phim hoạt hình ở thị trường phương Tây, cũng thừa nhận rằng phương thức phát hành trên là thích hợp cho dòng phim này. Tuy nhiên, vẫn có những lựa chọn khác theo tình hình thực tế. Như trường hợp của “My Hero Academia: Heroes Rising” từng ra rạp thành công ở Nhật năm 2019, sau đó gây chú ý khi phát hành ở Mỹ. Điều này làm cho đơn vị Fathom Events dự định đưa “Digimon Adventure: Last Evolution Kizuma” ra rạp ở phương Tây sau khi phim này đã công chiếu thành công ở Nhật vào tháng 2 vừa qua. 

Trong lịch phát hành phim hoạt hình của Nhật năm 2020, có hai dự án nổi bật là: “Redbuild of Evangelion: 3.0 + 1.0” và “Pretty Guardian Sailor Moon Eternal”. “Redbuild of Evangelion: 3.0 + 1.0” có lịch ra rạp tại Nhật vào tháng 6, được nhìn nhận là một trong những dự án được trông đợi nhất. Funimation đã mua bản quyền “Redbuild of Evangelion: 3.0 + 1.0” và khả năng phim sẽ ra rạp ở Mỹ, chỉ là chưa biết thời gian nào. “Pretty Guardian Sailor Moon Eternal” cũng đã lên lịch công chiếu vào tháng 9 tại Nhật. Nhiều khả năng phim cũng được Fathom Events lựa chọn phát hành hạn chế ở các rạp phương Tây.

Thực tế, nhiều phim hoạt hình thương hiệu của Nhật đã có lợi thế phòng vé nhờ lượng khán giả có sẵn từ truyện tranh. Điều này tạo cơ hội cho phim ra rạp dễ dàng, nhưng lại khó với các phim hoàn toàn mới. Dẫu vậy cũng có ngoại lệ, như thành công của “Promare” hay “Weathering With You”. Tuy nhiên, đứng đằng sau 2 dự án trên là những tên tuổi tác gia: Hiroyuki Imaishi và Shinkai Makoto. Điều này cho thấy công thức giúp phim hoạt hình Nhật được lựa chọn ra rạp ở phương Tây: dòng phim thương hiệu danh tiếng; hoặc được làm bởi những nhà làm phim, viết truyện nổi tiếng.

“Josee, the Tiger anh the Fish” đang thử nghiệm công thức này. “Josee, the Tiger anh the Fish” là phiên bản hoạt hình làm lại từ phim người đóng năm 2003, dựa trên tiểu tuyết nhà văn nổi tiếng Seiko Tanabe. Một tác phẩm khác nữa là “Love Me, Love Me Not” chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Io Sakisaka. “Love Me, Love Me Not” đã có bước chuẩn bị khá tốt khi nhượng quyền ở thị trường phương Tây cho Viz và khả năng phim sẽ được ra rạp hạn chế. Trên tất cả, nhiều người trông đợi nhất là dự án “How Do You Live” - đánh dấu sự trở lại của nhà làm phim gạo cội Hayao Miyazaki. GKIDS đã lấy quyền phát hành phim này từ sớm.

Còn quá sớm để khẳng định phim hoạt hình Nhật sẽ thuận lợi ra rạp và tìm được thị trường ổn định ở phương Tây. Tuy nhiên, sự chuyển hướng và nỗ lực tiếp cận các phương thức công chiếu cho thấy ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật đang có những thay đổi và tích cực mở rộng thị trường.

BẢO LAM (CBR, Japantimes)

Chia sẻ bài viết