04/05/2009 - 20:41

Ngân hàng chạy đua huy động vốn chuẩn bị dài hơi

Chương trình khuyến mãi “Gửi 1 lần trúng 700 lần” của VietA Bank đang thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại VietA Bank chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: A.K

Từ sau gói kích cầu và hỗ trợ lãi suất (LS) của Chính phủ triển khai tháng 2-2009, LS huy động tiết kiệm ở nhiều ngân hàng (NH) đã bắt đầu tăng. Đến tháng 4-2009, Thủ tướng đã có 2 Quyết định 443/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 4% LS vay vốn trung và dài hạn và Quyết định 497/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 100% LS đối với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Trên thị trường, có dấu hiệu một “cuộc đua” hút vốn trung và dài hạn đã được khởi động...

Tăng LS huy động, “mưa khuyến mãi”

Chưa lúc nào người gửi tiền bị “hoa mắt” trước “cơn mưa” khuyến mãi với các giải thưởng hấp dẫn lên đến hàng tỉ đồng từ các NH như hiện nay. Chương trình khuyến mãi dự thưởng “Gửi tiền, trúng tiền” của Eximbank có giải đặc biệt trị giá lên đến 500 triệu đồng áp dụng từ 1-4 đến 27-6-2009 mới kết thúc. Nhưng mới đây, NH này đã tiếp tục tung ra một chương trình khuyến mãi mới “Lãi suất cao, Tặng thưởng lớn” áp dụng từ ngày 4-5 đến 4-8-2009 với mức thưởng tiền ngay từ 0,2-1% trên số tiền gửi có kỳ hạn gửi từ 12-60 tháng. Ngoài mức thưởng LS bậc thang lên đến 0,204%/năm, NH này còn thưởng LS từ 0,24-0,36%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên khi đáo hạn tiếp tục gửi tiền lại cho Eximbank với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức LS hiện hành áp dụng cho các kỳ hạn từ 12-60 tháng là 8,1-8,7%/năm. Trong tháng 4, NH Á Châu (ACB) cũng có chương trình khuyến mãi lớn kéo dài đến 25-6-2009 với 2 cơ hội trúng thưởng hấp dẫn dành cho khách hàng gửi tiết kiệm. Khách hàng được tham dự quay số trúng thưởng các giải vàng với giải đặc biệt lên đến 2 kg vàng ACB và nhiều giải thưởng cào trúng thưởng ngay các phần quà là: tivi LCD 32 inch, bàn ủi Philip, bộ chén sứ Minh Long...

NH Việt Á (VietA Bank) cũng vừa triển khai chương trình khuyến mãi lớn “Gửi 1 lần trúng 700 lần”. Theo đó, khách hàng gửi tiền tại VietA Bank chỉ với mức tối thiểu 5 triệu đồng sẽ nhận được một số dự thưởng và có cơ hội trúng thưởng 2 kg vàng SJC. Khách hàng còn được tham gia quay số hàng ngày với các giải thưởng hấp dẫn như: xe Dylan, Air Blade, Click, chuyến du lịch Hongkong, laptop Sony Vaio...

Một điều dễ nhận thấy là ngoài những “cơn mưa” khuyến mãi hấp dẫn, các NH còn điều chỉnh cơ cấu khung LS huy động, tăng mạnh LS ở các kỳ hạn dài, khác với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng 4-2009, NH Hàng Hải (Maritime Bank) tung ra chương trình khuyến mãi “Cào trúng ngay, Quà trao tay” với LS lên đến 9,3%/năm đối với kỳ hạn 48 tháng, 9,2%/năm kỳ hạn 36 tháng... Ngoài ra, khách hàng gửi tiền tại Maritime Bank còn nhận được thẻ cào và có cơ hội trúng thưởng các phần quà như: lò vi ba, máy vắt cam... NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng vừa thông báo điều chỉnh LS tiết kiệm bậc thang VND đối với khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 27-4-2009 trên toàn hệ thống, mức tăng từ 0,1-0,3%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 2-24 tháng. Ngoài ra, từ 2-4 đến 2-6-2009, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại SHB sẽ được hưởng LS lên đến 9,3%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng cùng với LS cộng thưởng lên đến 0,25%/năm. Các NH khác như: Sacombank, SCB, ABBank... cũng có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn và hầu hết đều điều chỉnh tăng LS các kỳ hạn dài lên trên 8%/năm.

Chuẩn bị vốn cho giai đoạn sau khủng hoảng

Với những hiệu quả tích cực từ gói kích cầu của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu hồi phục từ quý II/2009 và đạt mức tăng trưởng bình thường như các năm trước vào giữa năm 2010. Nhiều NH tuy cũng thận trọng trước những khó khăn của nền kinh tế, nhưng vẫn có nhiều kế hoạch phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, việc các NH tập trung hút vốn trung và dài hạn là tranh thủ mặt bằng LS thấp trong hiện tại để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân, tăng thanh khoản và chuẩn bị nguồn vốn cho giai đoạn sau khủng hoảng. Ngoài việc tăng LS huy động, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi huy động vốn hấp dẫn với giải thưởng lên đến hàng tỉ đồng, nhiều NH còn có kế hoạch phát hành giấy tờ có giá lên đến hàng ngàn tỉ đồng, tăng vốn điều lệ...

Trong tháng 4-2009, Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam đã có quyết định cho phép ACB và Sacombank được phát hành giấy tờ có giá dài hạn năm 2009 với tổng mệnh giá phát hành đối với ACB là 11.000 tỉ đồng, đối với Sacombank là 10.000 tỉ đồng. Trước đó, Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam cũng cho phép BIDV, VCB được phát hành giấy tờ có giá dài hạn trong năm 2009 với tổng mệnh giá phát hành lần lượt là 9.000 tỉ đồng và 10.000 tỉ đồng. Techcombank và MB cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2009 với tổng mệnh giá quy đổi lần lượt là 8.000 tỉ đồng và 5.000 tỉ đồng...

Theo quy định của NH Nhà nước Việt Nam, sau năm 2010, NH phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Vì vậy, nhiều NH có vốn điều lệ chưa đạt theo quy định đang trong lộ trình tăng vốn. Từ nay đến cuối năm sẽ còn một lượng vốn lớn đổ vào NH thông qua kênh này do cả những NH có mức vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng cũng có kế hoạch tăng vốn để đẩy mạnh phát triển. Trong quý I/2009, Maritime Bank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỉ đồng lên 2.240 tỉ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến mức 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay. ABBank cũng đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 2.705 tỉ đồng lên 3.482 tỉ đồng trong năm 2009 bằng việc phát hành thêm cổ phiếu cho Maybank - đối tác chiến lược của ABBank-nâng tỷ lệ cổ phần của Maybank lên 20% theo cam kết đã ký và từ nguồn thặng dư. “Đại gia” ACB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2009 bằng các nguồn: phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 2 trị giá khoảng 1.350 tỉ đồng và từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trên 108 tỉ đồng. Một “đại gia” khác là Sacombank cũng có kế hoạch tăng 30% vốn điều lệ lên 6.700 tỉ đồng vào cuối năm...

Hầu hết các NH đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển các tiện ích và sản phẩm mới trên nền công nghệ ngân hàng hiện đại, mua sắm tài sản, phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực cho vay...

Mục tiêu tăng trưởng gắn với phát triển bền vững

Sự thận trọng của các NH về tình hình kinh tế thể hiện ở các mục tiêu tăng trưởng được thông qua ở đại hội đồng cổ đông với các chỉ tiêu về lợi nhuận, nâng chất lượng tín dụng, quản lý rủi ro, đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng bán lẻ... Nhiều NH như: DongA Bank, LienVietBank, Techcombank... có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận không cao so với năm trước. Tuy nhiên, những kế hoạch tăng vốn, phát triển mạnh mạng lưới và đa dạng hóa, nâng chất sản phẩm, dịch vụ là một sự chuẩn bị dài hơi cho các năm sau. Ngoài mục tiêu lợi nhuận đạt 2.700 tỉ đồng (năm 2008 là 2.556 tỉ đồng), tổng dư nợ đạt 65.000 tỉ đồng (tăng 90%), đại hội đồng cổ đông của ACB còn thống nhất thông qua kế hoạch phát triển thêm 48 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc, thành lập Công ty Tài chính ACB và Công ty Kinh doanh vàng ACB. Trong quý I/2009, ACB đã đạt lợi nhuận 450 tỉ đồng.

Sacombank cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 1.600 tỉ đồng trong năm 2009, tổng dư nợ không dưới 50.000 tỉ đồng (tăng 50%). Thành lập thêm công ty tài chính và công ty thẻ dưới hình thức công ty TNHH một thành viên trực thuộc Sacombank, mở thêm 50 chi nhánh, phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 300. Trong đó, ngoài 1 văn phòng đại diện tại Trung Quốc và 1 chi nhánh tại Lào đang hoạt động, sẽ có thêm 1 chi nhánh Sacombank tại Campuchia được khai trương. Điểm nổi bật trong hoạt động của Sacombank từ cuối năm 2008 đến nay là việc NH này “xâm nhập” vào lĩnh vực kinh doanh vàng với việc thành lập Công ty Sacombank - SBJ, đưa ra thị trường sản phẩm vàng miếng Thần Tài Sacombank, đẩy mạnh phát triển mạng lưới sàn giao dịch vàng, khai trương cửa hàng kinh doanh nữ trang cao cấp, đá quý, dịch vụ chế tác, gia công nữ trang theo yêu cầu. Sacombank cũng khá lạc quan với mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2009 khi mức lợi nhuận quý I/2009 của NH này đã đạt trên 350 tỉ đồng. Việc chấm dứt các khoản vốn huy động chi phí cao của năm trước từ tháng 2-2009 được đánh giá là một trong những yếu tố tác động tích cực đến kế hoạch lợi nhuận của NH này. Ngoài ra, tỷ lệ nợ quá hạn của Sacombank cũng được duy trì ở mức 1,19% trên tổng dư nợ, tổng thặng dư vốn và các quỹ lên đến gần 2.000 tỉ đồng.

ABBank cũng đặt mục tiêu tăng 82% thu nhập thuần từ dịch vụ, lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, ABBank tập trung quản lý rủi ro thông qua việc hợp tác với Công ty E&Y tư vấn về thiết lập và vận hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để tiến tới xếp hạng khách hàng và phân loại tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, ABBank còn tập trung đẩy mạnh dịch vụ thẻ; thành lập mới 20 phòng giao dịch, chi nhánh, nâng mạng lưới giao dịch lên 100 điểm trên toàn quốc; thành lập Ủy ban Chất lượng nhằm tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm dịch vụ... Trong quý I/2009, ABBank đã đạt lợi nhuận 87,7 tỉ đồng với họat động cho vay và huy động vẫn tăng trưởng ổn định.

Có thể thấy kế hoạch phát triển của các NH đang tập trung nhiều vào việc phát triển các mảng kinh doanh dịch vụ ngoài hoạt động tín dụng. Từ năm 2008, đánh dấu sự “tấn công” mạnh mẽ của các NH vào thị trường vàng với hàng loạt NH như: DongA Bank, ACB, Sacombank... Từ đầu năm 2009 đến nay, xu hướng này được đánh giá bằng hàng loạt cái “bắt tay” của các tổ chức tín dụng với các công ty kinh doanh vàng trên lĩnh vực sàn giao dịch vàng. Mảng kinh doanh dịch vụ ngoại hối cũng là mảng dịch vụ sẽ được các NH đẩy mạnh trong năm 2009 bên cạnh các dịch vụ về thẻ, thanh toán quốc tế...

KIM XUYẾN

Chương trình khuyến mãi “Gửi 1 lần trúng 700 lần” của VietA Bank đang thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng đang gi

Chia sẻ bài viết