10/06/2021 - 11:42

Ngăn COVID-19 xâm nhập thành phố 

Trong buổi làm việc với ngành Y tế Cần Thơ chiều 7-6, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh yêu cầu lực lượng phòng, chống dịch phải rà soát, tăng cường kiểm soát, chốt chặn để ngăn COVID-19 xâm nhập vào thành phố. 

Sẵn sàng cho tình huống xấu

CDC Cần Thơ kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam.

CDC Cần Thơ kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam.

Hiện một số tỉnh trong vùng ĐBSCL đã có ca bệnh trong cộng đồng. Chưa kể dòng người từ TP Hồ Chí Minh về TP Cần Thơ rất đông, nguy cơ rất cao dịch bệnh COVID-19 xâm nhập. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh yêu cầu ngành Y tế rà soát khâu chuẩn bị nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm, các phương án điều trị, cách ly tập trung.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: CDC Cần Thơ liên hệ thường xuyên với các tỉnh, thành, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông tin liên tục các trường hợp F0, F1, F2 để kịp thời truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp ở TP Cần Thơ có liên quan đến các ca bệnh ở các địa bàn ngoài thành phố. 

CDC Cần Thơ đã cấp 1.500 test nhanh kháng nguyên cho các cơ sở y tế để xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ và đang xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh) cho 5.000 cán bộ y tế của thành phố. CDC Cần Thơ đã tập huấn cho 70/170 doanh nghiệp trong khu công nghiệp về công tác phòng, chống COVID-19 và trong tuần này sẽ tiếp tục tập huấn cho số doanh nghiệp còn lại, kết hợp cấp áp phích tuyên truyền cho doanh nghiệp. CDC Cần Thơ phối hợp các đơn vị kiểm tra doanh nghiệp, công ty trong khu công nghiệp. Đồng thời lên kế hoạch test nhanh một số người làm việc ở các khu vực nguy cơ cao tại doanh nghiệp, chợ, siêu thị…

CDC Cần Thơ cũng đã tập huấn cho 98 cán bộ y tế công lập và tư nhân làm test nhanh kháng nguyên; 1.195 cán bộ y tế ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế và trạm y tế, sinh viên y khoa làm công tác lấy mẫu xét nghiệm. CDC cũng tập huấn cho khoảng 400 sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ về truy vết. Sắp tới, CDC cũng tập huấn cho cán bộ y tế ở doanh nghiệp, công ty ở khu công nghiệp về lấy mẫu xét nghiệm. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết: “Lực lượng sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là lực lượng dự bị, sẵn sàng cho tình huống xấu xảy ra”.

Theo bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, các cơ sở y tế của thành phố có khả năng tiếp nhận điều trị 400 bệnh nhân mắc COVID-19 và có thể nâng công suất lên 1.000-1.200 bệnh nhân. Ngành Y tế cũng đưa các tổ điều trị của các bệnh viện, trung tâm y tế lên tập huấn thực tế điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ (có kinh nghiệm điều trị).

Lo thiếu sinh phẩm xét nghiệm

Dược sĩ Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Về thuốc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, chỉ điều trị triệu chứng nên không lo thiếu thuốc. Nỗi lo hiện nay là lo thiếu sinh phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ cho xét nghiệm SARS-CoV-2. Tính đến chiều 7-6, ngành Y tế Cần Thơ còn trên 2.500 test xét nghiệm RT-PCR, 15.000 test nhanh, 2.385 bộ trang phục chống dịch, hơn 4.600 khẩu trang N95… Cuối tuần này, ngành Y tế tiếp nhận 10.000 bộ kit test xét nghiệm RT-PCR và 3 máy chiết tách do UBND TP Cần Thơ vận động xã hội hóa. Ngoài ra, ngành Y tế cũng dự trù mua sắm trình Sở Tài chính, UBND thành phố với tổng kinh phí 21,6 tỉ đồng mua khoảng 14.000 bộ kit test xét nghiệm RT-PCR, cùng các vật tư, hóa chất, đồ phòng hộ…

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh biểu dương các cán bộ y tế vất vả trong phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời nhắc nhở, chưa bao giờ nguy cơ dịch xâm nhập cao như lần này. Vì vậy, ngành Y tế là “tổng tham mưu trưởng” trong công cuộc phòng, chống dịch của cả thành phố, nên cần chuẩn bị theo 4 nhóm vấn đề: năng lực truy vết, xét nghiệm diện rộng, cách ly và điều trị. Khi có tình huống xấu, có thể “kích hoạt” thực hiện ngay. Trong đó, tham mưu cho lãnh đạo thành phố chuẩn bị khu cách ly tập trung 1.000-2.000 chỗ, có thể vận hành ngay sau 1-2 ngày.

Thành phố đang ở giai đoạn ngăn chặn, ngành Y tế tham mưu kiểm soát dòng người vào thành phố và kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong thành phố. Trong đó, tập trung rà soát ở các khu công nghiệp, bệnh viện, chợ truyền thống… Theo Dược sĩ Nguyễn Phước Tồn, tới đây, ngành Y tế sẽ tập trung 3 vấn đề: công tác tham mưu, chuẩn bị cho tình huống xấu xảy ra và tham mưu cho lãnh đạo thành phố chọn điểm cách ly tập trung số lượng lớn.  

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết