Mới đây, UBND tỉnh Long An yêu cầu tất cả chủ đầu tư phải lắp bảng thông tin dự án (bao gồm dự án đầu tư công, dự án bất động sản, khu dân cư) trước ngày 30-8-2019 để người dân theo dõi. Theo đó, các bảng thông tin dự án phải được in và lắp đặt tại chân công trình đảm bảo mọi người dân đều đọc được thông tin theo quy định và đảm bảo mỹ quan. Việc xác định vị trí để lắp đặt các bảng thông tin dự án phải thống nhất với UBND cấp huyện…

Khu nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát là một trong những dự án tiêu biểu có ghi rõ những chi tiết để người dân cần biết.
Cụ thể, tất cả dự án đang triển khai chưa lắp đặt bảng thông tin dự án, UBND tỉnh yêu cầu phải lắp đặt ngay các bảng thông tin này. Đối với các dự án sẽ triển khai, thời gian lắp đặt bảng thông tin chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày chủ đầu tư nhận được giấy phép thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc quyết định đầu tư.
Các bảng thông tin dự án phải có chỗ để cập nhật thông tin tiến độ thực hiện dự án, ghi rõ các khó khăn, vướng mắc nếu dự án thực hiện không đúng tiến độ (cập nhật thông tin ít nhất 3 tháng một lần). Chỉ những dự án nào thực hiện đúng tiến độ mới không phải cập nhật thông tin.
Thông tin dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách phải bảo đảm cung cấp thông tin với các nội dung chủ yếu như tên dự án có ghi rõ số, ngày văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư hoặc quyết định đầu tư. Thông tin chủ đầu tư gồm: Tên đơn vị chủ đầu tư, họ và tên, chức vụ, địa chỉ liên hệ, số điện thoại phải được cập nhật rõ.
Quy mô dự án (có trích lục bản đồ ranh đất); vốn đầu tư; dự kiến tiến độ thực hiện dự án (nêu rõ dự kiến thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...) cũng buộc phải nêu trong bảng thông tin công khai. Ngoài ra, các ghi chú, cập nhật quá trình đầu tư, ghi rõ nguyên nhân trễ do nguyên nhân chủ quan hay khách quan cũng cần được nêu cụ thể trong bảng thông tin đặt trước dự án…
Tại TP Cần Thơ, chỉ riêng dự án khu dân cư hiện có hàng chục dự án đang triển khai (gồm dự án khu dân cư thương mại do doanh nghiệp đầu tư và các dự án tái định cư của Nhà nước), trong đó có rất nhiều dự án trễ tiến độ hoặc thi công cầm chừng. Có dự án chủ đầu tư khu dân cư đã nhận góp vốn với khách hàng kéo dài hàng chục năm đến nay vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhiều nhất ở khu Nam Cần Thơ, quận Cái Răng)...
Mới đây ngày 22-6-2019, Công ty Cổ phần Kita Invest thuộc Kita Group, đã tổ chức lễ khởi công dự án Stella Mega City tại đường Đặng Văn Dầy, Khu dân cư Ngân Thuận, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Theo chủ đầu tư, dự án Stella Mega City có tổng diện tích hơn 150ha, tổng đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, với hệ thống khách sạn 5 sao, khu trung tâm thương mại, khu liên hợp thể thao, trung tâm sự kiện, quảng trường... Trong khi đó năm 2003, cũng tại quận Bình Thủy có dự án Khu dân cư Ngân Thuận, quận Bình Thủy quy mô 150ha, dự án này được UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) giao đất theo Quyết định số 4895/QĐ-UB ngày 31-12-2003. Hiện nay, Khu dân cư Ngân Thuận có hạ tầng khá hoàn chỉnh đã xây dựng hàng trăm căn nhà (đa số đã có “giấy đỏ”), trụ sở UBND quận, Quận ủy Bình Thủy, các phòng ban của quận cũng đều nằm trong khu dân cư này… Vậy dự án Stella Mega City và dự án Khu dân cư Ngân Thuận có phải là 1 dự án hay đổi thành tên gọi mới; hay Stella Mega City hoàn toàn là dự án mới?
Thiết nghĩ, Sở Xây dựng, UBND thành phố cần phải có thông tin đăng tải trên wesite chính thức cụ thể cho từng dự án; phổ biến, công khai thông tin các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố đang có hiệu lực. Thông tin những dự án đã bị thu hồi (tên dự án, chủ đầu tư, vị trí, diện tích dự án bị thu hồi…). Từ đó, chính quyền thành phố sẽ có được nguồn thông tin nhiều chiều, kịp thời xử lý, ngăn chặn chủ đầu tư vượt rào, không công bố thông tin dự án hoặc không cập nhật thông tin dự án, làm cho chính quyền địa phương và người dân rất khó giám sát tiến độ thực hiện dự án; người dân có nhu cầu mua đất tại các dự án khu dân cư cũng hạn chế được rủi ro mua nhầm phải dự án “ma”.
Bài, ảnh: An Khánh