
Sau khi cơ bản hoàn thành công tác xây dựng xã nông thôn mới, các huyện trên địa bàn thành phố bắt đầu bắt tay vào việc thực hiện Bộ Tiêu chí về huyện nông thôn mới. Đến nay, TP Cần Thơ có 2/4 huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn. Các huyện nông thôn mới của thành phố đang nỗ lực nâng chất các tiêu chí và hình thành bản sắc riêng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Nỗ lực
Huyện Phong Điền được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 29-3-2016 và đây cũng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Sau khi trở thành huyện nông thôn mới, Phong Điền tập trung đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Giai đoạn 2016 đến cuối tháng 6-2019, tổng nguồn vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) toàn huyện hơn 1.150 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Tính đến tháng 6-2019, hệ thống thủy lợi của huyện đảm bảo hơn 95% diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn huyện có 33/40 trường đạt chuẩn; tất cả 74 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16% (giảm 3,24% so với năm 2015)…
Trong tháng 8-2019, huyện Vĩnh Thạnh vinh dự là huyện thứ 2 của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Về hành trình trở thành huyện nông thôn mới, ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, đúc kết: “Quá trình XDNTM, vai trò chủ thể của người dân phải được phát huy cao độ. Ngành chức năng vận động, định hướng người dân trong việc chỉnh trang hàng rào, nhà ở; thu gom và xử lý rác đúng quy định; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, Nhà nước phải luôn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, trước hết là giải quyết việc làm, đầu tư thỏa đáng cho văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn. Có thể nói, để XDNTM thành công cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa phát triển sản xuất với thực hiện tiến bộ và công bằng, giải quyết tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn”.
So với các huyện khác của TP Cần Thơ, Thới Lai là địa phương có nhiều xã XDNTM nhất. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn bộ 12 xã của Thới Lai đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thới Lai đang vào chặng nước rút để tiến đến danh hiệu huyện nông thôn mới vào năm 2020. Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: “Qua rà soát theo Bộ Tiêu chí huyện nông thôn mới, hiện Thới Lai có một số tiêu chí đạt tỷ lệ khá cao như: Tiêu chí số 2 về giao thông đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện được nhựa hóa đạt tỷ lệ 100%. Tiêu chí số 4 về điện, hệ thống điện liên xã hiện nay được đầu tư đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống điện trên địa bàn. Tiêu chí số 6 về sản xuất, huyện tạo điểm nhấn với mô hình “Cánh đồng lớn” quy mô hơn 11.420ha (có 1.056ha sản xuất lúa sạch)…”.
Tìm hướng đi riêng
Trên cơ sở những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2020, huyện xác định tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí xã, huyện nông thôn mới làm tiền đề xây dựng Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, quá trình XDNTM của huyện phải tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy về Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Bởi 2 nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau để đưa huyện Phong Điền phát triển lên tầm cao mới. Trong đó, Phong Điền tập trung vào các nội dung sau: hình thành và phát triển vùng đô thị sinh thái; vùng cây ăn trái; tuyến đường sông đạt cảnh quan môi trường; tạo nhiều sản phẩm du lịch về đặc trưng sinh thái…

Thu hoạch lúa trên một “cánh đồng lớn” của huyện Thới Lai.
Là huyện thuần nông, Vĩnh Thạnh xác định hướng đi cho huyện nông thôn mới trong thời gian tới bám sát mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: "Công tác XDNTM được huyện xác định là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Do đó, chúng tôi không dừng lại ở đây mà tiếp tục nâng cao chất lượng xã, huyện nông thôn mới; hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đích đến cuối cùng của XDNTM là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã".
Như vậy, phía các huyện đã định hình và vạch ra lộ trình để xây dựng huyện nông thôn mới mang đặc trưng riêng. Về phía thành phố sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy công cuộc XDNTM của thành phố đi đúng hướng. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối XDNTM TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động XDNTM cả chiều rộng và chiều sâu; khuyến khích người dân trồng cây xanh, hoa kiểng, tạo cảnh quan trên các tuyến đường giao thông để tạo nên cảnh quan nông thôn mới sáng-xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình XDNTM tại các địa phương. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu... Đặc biệt, phải hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Bài, ảnh: MỸ THANH