09/04/2011 - 21:37

Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL

Nền tảng phát triển "tam nông" bền vững

* THANH LONG

BÀI 2: CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) là chương trình rất lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước. Là một chủ trương mới nên nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã và đang “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Trong quá trình này cũng nảy sinh không ít khó khăn, thách thức!

* TIẾN ĐỘ CHẬM

Người dân ĐBSCL thường vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Do vậy quy chuẩn bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Bộ Tiêu chí là không phù hợp. Trong ảnh: Thương lái thu mua bưởi ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ảnh: THANH LONG.

Theo nhận định của các địa phương vùng ĐBSCL, sau khi có chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương dù đã chỉ đạo quyết liệt cho công tác XD NTM nhưng sự chuyển động của một số bộ, ngành trung ương còn chậm, chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương. Trong khi đó, XD NTM, nhiều cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành nhưng các thông tư hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành trung ương chậm được ban hành, dẫn đến nhiều cơ chế chính sách của Đảng, Chính phủ chưa kịp thời đến được với người dân.

Không chỉ vậy, nhiều địa phương, nhất là cấp xã, việc triển khai XD NTM cũng còn nhiều vướng mắc, lúng túng nên việc thực hiện XD NTM ở ĐBSCL vẫn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, nhất là việc tuyên truyền và lập đề án XD NTM cấp xã. Như tỉnh Vĩnh Long, theo kế hoạch của Ban chỉ đạo XD NTM tỉnh, đến 2010, 100% xã nông thôn Vĩnh Long hoàn tất việc XD đề án NTM. Tuy nhiên, đến nay, chỉ riêng huyện Tam Bình thực hiện xong công tác này. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Do các địa phương còn lúng túng trong thống kê hiện trạng và lập đề án. Mặt khác, công tác tuyên truyền về XD NTM đã được triển khai mạnh ở cấp tỉnh nhưng chưa diễn ra mạnh ở cấp huyện, cấp xã. Chính vì thế, chưa tạo thành một phong trào XD NTM một cách mạnh mẽ để người dân biết, hiểu và cùng chính quyền thực hiện.

Ngoài ra, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Dù đã được quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền nhưng nhận thức về XD NTM ở một số địa phương chưa sâu, chưa nắm rõ quy trình thực hiện. Hầu hết các địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong việc xác định nhu cầu vốn để thực hiện chương trình theo giai đoạn, chưa xác định rõ mục tiêu phấn đấu theo từng năm. Những vấn đề này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện XD NTM theo yêu cầu.

* CÔNG TÁC LẬP QUY HOẠCH: THIẾU VỐN- NHÂN LỰC

Trong tiến trình XD NTM, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch được ưu tiên hàng đầu. Bởi có quy hoạch công tác XD NTM mới có thể triển khai một cách bài bản, đúng mục đích, đúng yêu cầu đề ra. Theo yêu cầu, quy hoạch XD NTM phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phải có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư, từ ý tưởng quy hoạch đến huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện và quản lý XD. Ngoài ra, quy hoạch XD NTM phải đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với nguồn vốn đầu tư và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; phải bảo đảm hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa... Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, cả nước phải phủ kín quy hoạch XD nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai quy hoạch XD NTM tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ được giao.

Nguyên nhân của tình trạng trên được các ngành hữu quan ĐBSCL nhận định: Thời gian qua, quy hoạch cho việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn mang tính chắp vá, không đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng theo trình tự, tối thiểu một đồ án phải mất 45 ngày, chưa kể những vấn đề phát sinh. Trong khi đó, đội ngũ làm quy hoạch của các địa phương đang rất thiếu. Nếu để 1 đơn vị làm nhiều đồ án thì sẽ không đảm bảo thời gian và chất lượng. Tuy nhiên, không phải đơn vị tư vấn nào cũng có thể lập quy hoạch theo yêu cầu nên dẫn đến tình trạng quá tải của nhiều đơn vị tư vấn. Mặt khác, nguồn kinh phí của chương trình chưa được phân bổ kịp thời cho các địa phương. Trong khi đó, cần có khoảng 150 triệu đồng trở lên để quy hoạch cho 1 xã, nhưng khả năng cân đối của ngân sách địa phương là rất khó; thêm vào đó, phần lớn người dân nông thôn còn nghèo, mức đóng góp còn rất hạn chế...

Trong công tác quy hoạch XD NTM, TP Cần Thơ phấn đấu hoàn thành vào quý II/2011. Đến cuối tháng 3-2011, 7/18 xã của Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ hoàn thành công tác lập quy hoạch; tỷ lệ này ở huyện Phong Điền là 3/6 và ở huyện Thới Lai là 3/12. Ông Nguyễn Hồng Phát, Giám đốc Sở XD TP Cần Thơ, cho rằng: Do đặc thù của công tác quy hoạch đòi hỏi phải nắm bắt thật kỹ những số liệu hiện trạng và đặc điểm tình hình đời sống và sản xuất của nhân dân. Vì thế, cần phải xem xét lại thời gian hoàn thành các quy hoạch đến hết năm 2011 để có được những đồ án quy hoạch đạt chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu định hướng cho sự phát triển xã NTM theo hướng bền vững.

* NHIỀU TIÊU CHÍ CHƯA PHÙ HỢP

Phú Tân là xã điểm trong XD NTM của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, phấn đấu được công nhận xã NTM vào năm 2011. Bà Châu Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: Khó nhất là chỉ tiêu tỷ lệ kí-lô-mét đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện (thuộc tiêu chí về giao thông). Bởi lẽ, trong năm 2010, từ nguồn vốn huy động của nhân dân Phú Tân thí điểm kiên cố hóa được hơn 1km kinh nội đồng. Bề mặt đường chưa đầy 1m, chủ yếu cho xe máy đi thăm đồng nhưng nguồn kinh phí đã trên 110 triệu đồng. Trong khi đó, không riêng gì Phú Tân, hầu như các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL hệ thống kinh nội đồng rất chằng chịt. Muốn kiên cố hóa hết trục chính các kênh nội đồng của các xã, tính ra con số không nhỏ. Điều này chưa nói đến tập quán của người dân đồng bằng thường vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, do vậy quy chuẩn bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhất là giao thông chính nội đồng ở ĐBSCL theo tiêu chí (tối thiểu là 3,5m) là không phù hợp. Ông Đỗ Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đề nghị: Các ngành hữu quan cần xem xét, đồng ý cho các xã chỉ quy hoạch một số tuyến kinh nội đồng chính, chiều rộng nhiều nhất là 2 mét. Trước mắt, chỉ nên làm nền hạ, khi nào người dân có khả năng mới tiến hành kiên cố hóa.

Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, XD NTM phải trải qua 7 bước cơ bản.

Đó là:

- Thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý chương trình NTM cấp xã.

- Tổ chức tuyên truyền, học tập nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XD NTM.

- Khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí.

- Lập đề án (kế hoạch) XD NTM của xã.

- XD quy hoạch NTM của xã.

- Tổ chức thực hiện đề án.

- Giám sát, đánh giá và báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện dự án.

Ngoài tiêu chí giao thông nông thôn, các tiêu chí XD chợ, nghĩa trang, nhà văn hóa ấp... đã và đang là nỗi lo lắng của nhiều xã trong tiến trình XD NTM. Bởi lẽ, nếu đầu tư các công trình này cần rất nhiều nguồn vốn nhưng lại khó có thể kêu gọi công tác xã hội hóa việc đầu tư. Trong khi đó, nếu được nguồn vốn đầu tư XD nhưng khó có thể trả lời chính xác các công trình này khi đưa vào sử dụng có hiệu quả hay không. XD chợ nông thôn là một ví dụ. Từ năm 2000 trở lại đây, phát triển thương mại, dịch vụ vùng nông thôn, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đua nhau thành lập chợ. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư không khả thi do nhà đầu tư ngán ngại đầu tư vào nông thôn chậm được thu hồi. Nhiều chợ được đầu tư XD từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng khi hoàn thành lại bỏ hoang, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Tránh “vết xe đổ” này, trong công tác XD NTM, ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NT&PTNT tỉnh Vĩnh Long, đề nghị: Trong việc XD chợ, nghĩa trang, trung tâm văn hóa ấp... chỉ nên XD theo quy hoạch của ngành dọc. Có nghĩa, mỗi sở, ngành cần có quy hoạch XD hệ thống chợ, hay nghĩa trang riêng. Trên cơ sở các quy hoạch này, nếu quy hoạch ngay xã NTM nào thì xã đó tiến hành xây dựng theo các quy hoạch đã được duyệt. Nếu làm được điều này, cũng giải quyết được một phần khó khăn về vốn trong XD NTM.

(Còn tiếp)

BÀI 3
LÀM GÌ ĐỂ HUY ĐỘNG SỨC DÂN, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN?

Chia sẻ bài viết