12/01/2008 - 22:54

ÔngTerry Wilson, Chuyên gia tư vấn quốc tế về vấn đề quản lý nhà đất:

Nên dùng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 2 quyền và do một tổ chức quản lý

Quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) được thống nhất, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đang là vấn đề còn nhiều tồn tại, bất cập. Để từng bước khắc phục hạn chế này và quản lý đất đai đi vào nề nếp hơn, Dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam (VUUP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã triển khai thí điểm đề án “Thiết kế hệ thống quản lý nhà đất hiện đại” tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng. Để hiểu thêm về những quy trình quản lý đất đai tại TP Cần Thơ mà dự án sẽ triển khai trong thời gian tới, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Terry Wilson, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà đất - chủ nhiệm đề án này.

* Là chuyên gia tư vấn quốc tế về vấn đề quản lý nhà đất, qua thời gian nghiên cứu tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về công tác quản lý lĩnh vực này hiện nay?

Tìm giải pháp quản lý nhà đất ở TP Cần Thơ hiệu quả nhất đang là đòi hỏi bức xúc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: THIỆN KHIÊM
- Có thể nói Việt Nam rất thành công trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu (cấp giấy đỏ). Nhưng điểm mấu chốt gây ra vấn đề chồng chéo hiện nay là giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở có nhiều điểm không nhất quán, dẫn đến nhiều trường hợp trên cùng một căn nhà - miếng đất có nhiều cơ quan cùng quản lý. Mặt khác, quan điểm quản lý của Nhà nước và của người dân chưa có sự thống nhất, dẫn đến nhiều bất cập cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân đang sở hữu nhà đất... Trong khi đó, từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới họ quản lý nhà đất theo phương thức 1 giấy chứng nhận QSDĐ có 2 quyền (QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở) và chỉ do một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất quản lý. Do đó, mọi giao dịch, biến động về nhà đất đều được kiểm soát rất chặt chẽ, người dân rất thuận lợi khi có nhu cầu giao dịch cũng như cần biết thông tin về lĩnh vực này...

* Trong đề án “Thiết kế hệ thống quản lý nhà đất hiện đại”, ông sẽ đề ra những giải pháp quản lý đất đai hiện đại, chính xác, thuận lợi cho người dân trên những nguyên tắc nào?

- Tôi đề xuất xây dựng hệ thống quản lý 1 giấy chứng nhận QSDĐ có 2 quyền và chỉ một tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ và quản lý tất cả các thông tin, thì mới có thể quản lý đất đai, nhà ở hiệu quả. Đặc biệt, cách quản lý này đối với cấp quận, huyện và thành phố sẽ thích hợp, tiện lợi hơn cho người dân và nhà quản lý. Ở cấp thành phố, tất cả sẽ tập trung vào một đơn vị, cụ thể là Văn phòng Đăng ký đất đai, nhà ở tại cơ quan một cửa một dấu. Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các biến động về nhà đất như: chuyển nhượng, ủy quyền, thừa kế, phê duyệt xây dựng, nhận phí lệ phí của khách hàng... Một vấn đề quan trọng nữa là tất cả các hồ sơ giấy tờ sẽ được số hóa và cập nhật thường xuyên. Đương nhiên, bắt buộc phải lưu trữ bằng các văn bản giấy tờ để đảm bảo tính pháp lý cao nhất.

Tuy nhiên, theo quá trình lịch sử phát triển của Việt Nam, có rất nhiều loại hồ sơ được ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau, nên hiện nay rất phức tạp, chồng chéo. Chính vì vậy mà chúng ta cần số hóa và cập nhật cùng thể hiện trên một loại văn bản giấy tờ thống nhất để đảm bảo cùng một tiêu chuẩn. Theo quan điểm của tôi, trong lĩnh vực này Việt Nam đang đi đúng hướng, không có gì nghi ngờ hệ thống quản lý sẽ không tốt hơn trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn đề án “Thiết kế hệ thống quản lý nhà đất hiện đại” sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình này.

* Quản lý đất đai theo thông lệ quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO là điều cần thiết. Có người cho rằng, chỉ cần vận dụng mô hình quản lý nhà đất hiệu quả của một quốc gia nào đó vào Việt Nam, sẽ không phải mất nhiều thời gian nghiên cứu. Ông nghĩ sao về cách làm này?

- Mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng, điều kiện địa lý khác nhau, nên nếu ai đó cứ so sánh và cho rằng nên coppy 100% cách làm của nước khác đem vận dụng tại Việt Nam là không thể được, sẽ là một sai lầm. Không thể áp dụng một mô hình quản lý đất đai ở một quốc gia nào đó vào Việt Nam, nhưng khung pháp lý hoặc định hướng cơ bản chung theo thông lệ quốc tế thì có thể - thậm chí bắt buộc phải vận dụng. Sắp tới đây, lãnh đạo ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng sẽ đi tập huấn, nghiên cứu các mô hình quản lý ở một số nước như Úc (theo kế hoạch xây dựng đề án). Hy vọng qua những chuyến đi này, các nhà lãnh đạo sẽ tìm hiểu sâu hơn về hệ thống quản lý nhà đất để có dịp so sánh, tham khảo nhằm xây dựng cho đề án này hoàn chỉnh hơn...

* Theo ông, đề án “Thiết kế hệ thống quản lý nhà đất hiện đại” ở TP Cần Thơ bao giờ hoàn tất để có thể triển khai rộng rãi ra các địa phương?

- Mô hình đề xuất sẽ mang lại một dịch vụ hiệu quả hơn, tiện ích cho nhà quản lý, đơn giản cho người dân sở hữu nhà đất. Nhưng đưa ra những thay đổi không phải là việc dễ làm và tốn kém không ít thời gian. Tuy nhiên, trong thời gian sớm nhất, những giải pháp cải thiện sẽ được thực hiện theo kế hoạch đầu tư về công nghệ trong quá trình thí điểm dự án, hy vọng sẽ sớm mang lại kết quả (từng bước) và triển khai đại trà ra nhiều địa phương...

* Xin cảm ơn ông!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết