01/07/2018 - 10:42

Nắng trong thành phố 

Truyện ngắn: Phong Linh

Ung thư máu? Tại sao? Tại sao lại là Út?

Mới hôm qua em tôi còn đang khỏe mạnh, nói cười. Chúng tôi còn nói về những chuyện tương lai, vui vẻ, trong bữa cơm tối muộn, Út còn ngồi giúp tôi sắp xếp lại hàng hóa, vừa thủ thỉ ước muốn trở thành một nhà hoạt động xã hội đi khắp thế giới. Vậy mà sáng nay, vì một cơn buồn nôn chóng mặt, mà chúng tôi nghĩ Út bị suy nhược bởi dạo này làm việc quá sức, lại ra kết quả Út  bị ung thư máu giai đoạn 3. Cách để cứu chữa là lọc máu, cấy ghép tủy. Nhưng cũng chỉ kéo dài cuộc sống thêm được vài năm nữa.

Từ khi cả nhà bán đất chuyển lên thành phố sống, chúng tôi đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khó khăn, nhưng chuyện gì rồi cũng đã qua, khi ba mẹ và các em đều mạnh khỏe. Cho đến gần hai chục năm sau, khi cuộc sống đã ổn hơn một chút, tôi lập gia đình nhưng vẫn quây quần cùng ba mẹ và Út trong một căn nhà khá rộng rãi, thì chuyện này lại ập đến.

Cha mẹ tôi khóc khi nghe tin này. Mẹ nói: “Tại sao không phải là mẹ?”. Cha trầm mặc lặng lẽ. Út nín thinh, không khóc, cũng không tỏ ra đau khổ khi phải ở bệnh viện. Mỗi ngày trôi qua, Út gầy đi một chút, xanh xao hơn một chút, nhưng Út vẫn luôn cười, nói “Em ổn” khi chúng tôi ở bên, khi bạn bè ghé thăm.

Út nhỏ nhất nhà, nhưng cũng luôn mạnh mẽ nhất nhà. Trải qua những chuyện khó khăn nhất, Út lúc nào cũng kiên cường theo đuổi ước mơ của mình. Lúc nhỏ thích những việc vận động nhiều, sau này lớn lên Út chọn làm nghề công tác xã hội, để có thể chạy khắp nơi giúp đỡ mọi người. Út nói, lúc trẻ nhất định phải chạy thật nhiều, vì biết đâu thời gian chạy của mình có thể rất ít.

Tôi đã từng cười Út còn trẻ mà nói chuyện như người già. Út cứ xa nhà liên miên, hết dự án dạy tiếng Anh cho trẻ con ở Bản Giốc, lại đến xóa mù cho trẻ ở Bản Kê. Từ ngày ra trường, chưa có khi nào Út ở nhà quá một tháng. Lần này, Út không đi đâu nữa. Bệnh viện yêu cầu phải để Út trong môi trường vô trùng. Thế là cả ngày Út chỉ có căn phòng, ăn những thức ăn được cho phép. Đoạn đường Út có thể đi chỉ từ nhà đến bệnh viện, bằng taxi. Út nói, thành phố mùa này nắng quá. Trước đây, giang nắng mãi, thấy nắng đôi khi sợ, nhìn bao nhiêu người đi lại trong nắng chói chang thì thấy thương, nhưng giờ ước gì, một giây thôi, được đứng trong nắng. Thỉnh thoảng khi nắm tay tôi ngồi trong taxi, Út nhìn ra đường và nói như vậy.

Mới hơn một tháng phát bệnh, Út trông gầy đi rất nhiều. Đôi lúc còn không đủ sức dùng tay cầm nổi vật gì. Cha mẹ cố tỏ ra bình tĩnh trước mặt Út, nhưng quay đi, chỉ ngồi buồn so. Mọi thứ ảm đạm, thực sự quá ảm đạm.

“Con sẽ không tiếp tục đến bệnh viện nữa. Con biết không có cách nào trị khỏi căn bệnh này. Con không muốn mọi người dùng hết sạch tiền cả nhà đã phải dành dụm bao nhiêu năm, chỉ để kéo dài một việc chắc chắn sẽ thất bại. Con chỉ muốn trước khi con không thể sống được nữa, cả nhà chúng ta có thể cùng nhau đi chơi một chuyến, ở cạnh bên nhau, nói những chuyện vui, để những ký ức cuối cùng của con trong cuộc sống này sẽ thật vui. Con cũng mong muốn cha mẹ hãy đồng ý cho con được hiến tạng. Sẽ có người có thể được cứu nếu con chết đi”.

Út đã nói với cả nhà tất cả những điều đó.

Mẹ tôi khóc. Từ xưa chuyện gì mẹ cũng có thể chịu đựng thay chúng tôi. Chịu đói chịu khổ, chịu nắng, chịu mưa. Ngày phải đẩy những xe hoa quả nặng đi ra chợ bán từ 3 giờ sáng, mẹ cũng đã chịu đựng tất cả để nuôi dạy chúng tôi lớn từng ngày. Nhưng bệnh tật này, mẹ làm sao có thể chịu thay Út. Tôi cảm thấy đôi vai của ba mẹ trĩu nặng xuống hơn cả khi phải oằn mình đẩy những xe hàng.

“Cả nhà sẽ chữa khỏi bệnh cho con”. Mẹ tôi nói trong nước mắt. Mắt Út cũng rưng rưng, nhưng Út gượng cười nhìn mẹ. “Thay vào đó, mẹ hãy đi chơi cùng con. Bao nhiêu năm nay, ngoài những lần cả nhà phải về quê vì có việc, chúng ta chưa từng đi đâu đó với nhau”. “Con nên nghỉ ngơi”, cha tôi trầm mặc nói.

Nhưng Út lắc đầu. Út cười quay sang nhờ tôi đặt một chiếc xe riêng để cha mẹ, vợ chồng tôi và Út có thể đi Đà Lạt chơi.

Từ lúc Út bệnh, số tiền tiết kiệm ít ỏi của cả nhà đã gần cạn. Cha mẹ đã gọi điện khắp họ hàng, bạn bè để cậy nhờ giúp đỡ. Nhà cửa ở quê trước đã bán hết để mua căn nhà này, nên chẳng còn gì để bán. Thế chấp nhà cũng chẳng được bao nhiêu. Tiền thuốc tiền viện, tiền mỗi lần lọc máu đều rất cao. Nhưng đó không phải là điều khiến cha mẹ tôi phiền não, nhìn Út ngày một héo mòn đi, mới khiến chúng tôi đau đớn. Cha mẹ đã tìm cách để thuyết phục, nhưng Út đã nói những suy nghĩ của mình với bác sĩ và không có ý định sẽ thay đổi.

***

Cả nhà tôi đã cùng nhau đi Đà Lạt. Út ngồi giữa tôi và mẹ trên xe, chúng tôi đều nắm tay Út. Út cười, “Nhà mình phải đi thật nhiều nơi, rồi chụp thật nhiều ảnh nhé. Ăn thật nhiều món ngon nữa”. Phải, đây là lần đầu tiên cả nhà chúng tôi đi du lịch cùng nhau.

Buổi tối trước hôm đi, Út còn phụ tôi sắp xếp đồ đạc cho cả nhà. “Lần này mình hãy để sạch nỗi lo lắng ở nhà nhé chị”. Tôi lặng im. “Chị cứ bận rộn suốt, đã bao giờ được thực sự thư giãn đâu, cả nhà cũng vậy. Mình hãy nhân cơ hội này để nghỉ ngơi thật thoải mái nhé”. Út nhìn tôi, vẻ năn nỉ, nhưng cũng rất mạnh mẽ. Mỗi lần phải đưa ra quyết định, tôi thường thấy ánh mắt này của Út. 

Những ngày ở nhà, bạn bè đến thăm, Út không giấu bệnh, Út vẫn kiên nhẫn ngồi tiếp từng người, cười tươi rộn rã với từng người. Út nói, sau này có chuyện gì, chỉ cần nhớ đến nụ cười là được. Bạn bè đứa nào ra về cũng mắt đỏ hoe, xuống nhà vội chào cha mẹ tôi rồi đi ngay. Sau mỗi lần ấy, Út lại bần thần nhìn ra cửa sổ. Nhưng Út không khóc, tôi chưa thấy Út khóc lần nào.

Vậy mà trên đường từ Đà Lạt về, sau những ngày chúng tôi đã ở bên cạnh nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện của ngày xưa, khi ngồi giữa mẹ và tôi, Út đã khóc. Út khóc nức nở như đứa trẻ ngày xưa mỗi lần bị mẹ phạt vì đi chơi giữa trưa nắng. Thế là cả nhà chúng tôi khóc theo, nhưng đó cũng là lần cuối cùng, lần cuối cùng tôi thấy Út khóc.

“Con chỉ hạnh phúc quá thôi”- lúc sau Út lại quệt nước mắt rồi cười. Giữa ánh nắng mùa hè chói qua khung cửa kính ô tô, nụ cười của Út đẹp như trong tranh. Nụ cười tôi vẫn nhìn thấy khi Út đi dự án ở vùng sâu vùng xa. Đó là điều tuyệt đẹp về Út mà tôi muốn lưu giữa lại mãi mãi, trong mùa hè cuối cùng chúng tôi ở bên nhau.

Chia sẻ bài viết