21/11/2019 - 17:40

Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản 

Mặc dù ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng giá trị mang lại chưa tương thích với tiềm năng của vùng; giá bán nông sản còn thấp nên đời sống nông dân bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Để giải bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân, vấn đề tái cơ cấu sản xuất và liên kết nâng cao chuỗi giá trị trở nên cấp thiết...

Các loại máy nông nghiệp hiện đại được trang bị tại Trung tâm Máy nông nghiệp Việt-Hàn thuộc Vườn  ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển thương mại và khoa học công nghệ vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế" vừa diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhưng hiện nay quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, mùa vụ. Việc chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất đã có nhiều tiến bộ nhưng còn chậm. Mặt khác, khâu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững và đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: "Xuất phát từ thực tế trên, Hội thảo nhằm mục đích đề xuất các giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua tái cơ cấu sản xuất và liên kết chuỗi giá trị hàng nông sản. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước bàn thảo các vấn đề: nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua 3 phiên hội thảo với các chủ đề "Phát triển thương mại", "Nông nghiệp - Cây thuốc - Kỹ thuật", "Sản phẩm tự nhiên và sức khỏe con người", các nhà quản lý, chuyên gia đã nêu thực trạng, trình bày các kết quả nghiên cứu, chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, đề xuất nhằm cải thiện, phát triển thương mại, khoa học công nghệ vùng ĐBSCL. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Giai đoạn 2016-2019, thành phố đã bước đầu có những thành tựu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Trong đó, chú trọng cải thiện môi trường sống, môi trường canh tác; phòng tránh dịch bệnh nông nghiệp bằng các chế phẩm sinh học thay thế cho hóa chất; xây dựng các chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương, hỗ trợ xúc tiến thương mại và xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường quốc tế khó tính…

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi nông nghiệp truyền thống chủ yếu dựa vào năng suất và lợi nhuận, nông nghiệp bền vững tích hợp khoa học sinh học, hóa học, vật lý, sinh thái, kinh tế và xã hội để phát triển các phương thức canh tác mới an toàn và không làm suy thoái môi trường.  Đặc biệt, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất (Internet vạn vật -IoT, trí tuệ nhân tạo-AI, phân tích dữ liệu lớn-SMAC…) là hết sức cấp thiết. Đây là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; phát triển các mặt hàng nông nghiệp có ưu thế cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tăng cường hội nhập…

Theo đó, đổi mới công nghệ theo chuẩn quốc tế mang lại rất nhiều lợi thế: giao thoa văn hóa, gia tăng lợi ích từ các thị trường ngách, các mô hình kinh doanh thiên thần… Giáo sư Abur Rab Miah, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh nông nghiệp và Công nghệ quốc tế (Bangladesh), chia sẻ: Nông nghiệp Bangladesh chiếm khoảng 25% GDP và thu hút 63% lực lượng lao động, có tốc độ tăng trưởng từ 2,6-4%/ năm. Do đó, Việt Nam và Bangladesh có sự tương đồng trong phát triển nông nghiệp và cùng đang hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại Việt Nam và Bangladesh đang hướng tới hợp tác trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng ngọc trai, thủy sản và vật nuôi, hợp tác công nghiệp, trao đổi văn hóa và lĩnh vực dược phẩm.

Để chuyển nền nông nghiệp từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp lớn có đủ năng lực và kinh nghiệm để đầu tư và khai thác có hiệu quả dịch vụ logistics. Đây là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông của vùng vừa góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; triển lãm, trưng bày thành tựu khoa học công nghệ; kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp đưa nhanh kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Nhằm hướng tới việc tăng trưởng và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường, các địa phương vùng ĐBSCL cần thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn trong thực tiễn, minh bạch thông tin thông qua các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh lớn cũng như tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về dòng sản phẩm sạch, an toàn, đáng tin cậy. Nhiều ý kiến đề xuất hướng đi đặc thù cho nông nghiệp Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh, đó là phát triển cây dược liệu. Việt Nam là quốc gia có diện tích đồi núi nhiều và danh sách cây dược liệu phong phú, nhiều cây dược liệu quý và một số trong đó nằm trong sách đỏ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này sẽ giúp gia tăng nguồn thu từ các cây dược liệu, với hình thức thành phẩm, thay vì xuất bán nguyên liệu thô như hiện nay.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết