10/11/2017 - 21:11

Năng động quảng bá văn hóa, du lịch Cần Thơ 

Những năm gần đây, nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa được Cần Thơ tổ chức thường niên, thu hút rất đông khách tham quan. Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch mà còn khẳng định sự năng động, tiên phong và năng lực tổ chức lễ hội của địa phương. Qua đó, văn hóa, du lịch Cần Thơ được hội nhập sâu rộng.

Năng lực tổ chức lễ hội

Có thể nói, Cần Thơ là một trong số ít địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hóa xuyên suốt trong năm. Đầu năm, Cần Thơ có đường đèn, đường hoa nghệ thuật rồi đến Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (khoảng giữa tháng Giêng âm lịch), Hội Sách Cần Thơ (cuối tháng 3 dương lịch), Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ (khoảng mùng 10-3 âm lịch), Kỳ yên Đình Bình Thủy (khoảng giữa tháng 4 âm lịch), Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc (khoảng mùng 5-5 âm lịch)… Những năm gần đây, lại có thêm nhiều lễ hội tổ chức đều khắp các địa phương như Ngày hội Văn hóa chợ nổi Cái Răng (tháng 7), Đêm hoa đăng Ninh Kiều (tháng 8), Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (tháng 9), Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn- Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ (khoảng giữa tháng 10 âm lịch)… Đó là chưa kể những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước như Pháp, Nhật Bản… tại TP Cần Thơ.

Các sự kiện, lễ hội là dịp để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Cần Thơ với bạn bè quốc tế. Trong ảnh: Bạn trẻ Cần Thơ trong trang phục Kimono tại Lễ hội Việt- Nhật 2017. Ảnh: DUY KHÔI

Với số lượng lễ hội, sự kiện dày đặc như thế, nhưng nhiều năm qua, Cần Thơ luôn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách tham quan. Điển hình như tại Lễ hội Việt- Nhật 2017 vừa kết thúc, gần 120 ngàn lượt khách tham quan song không có chuyện chen lấn, xô đẩy hay tranh giành phản cảm. Ở gian hàng xếp giấy Origami đổi quà, hàng trăm khách ngồi bệt, say sưa xếp hạc rồi xếp hàng nhận quà trật tự. Chị Nguyễn Thu Vân, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nói: “3 mùa lễ hội Việt- Nhật tôi đều tham dự vì tôi rất thích văn hóa Nhật. Lễ hội được tổ chức rất hấp dẫn, chu đáo, an toàn”. Quả vậy, các hoạt động diễn ra hầu như liên tục từ sáng đến tối trong suốt 3 ngày của lễ hội, thu hút đông du khách và sự tổ chức chỉnh chu, nghiêm túc là điều có thể cảm nhận.

Ngay cả sự kiện lần đầu tiên được tổ chức là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn- Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ vừa kết thúc, hơn 25 ngàn lượt khách tham quan cho thấy sự thành công. Ngày hội không chỉ là dịp giới thiệu và tôn vinh nét văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc Khmer mà còn thu hút du khách đến với Ô Môn, chiêm ngưỡng tài hoa của bà con thông qua rất nhiều trái cây tạo hình, làm bánh… Hay ở Phong Điền, địa phương có Ngày hội du lịch sinh thái, các hoạt động như đờn ca tài tử trên sông, tái hiện chợ nổi… được làm mới hằng năm, cho thấy nỗ lực của địa phương. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch huyện Phong Điền, nói: “Qua mỗi lần tổ chức, địa phương đều lắng nghe những nhận xét của dư luận để năm sau tổ chức tốt hơn. Chúng tôi cố gắng làm sao tránh sự nhàm chán, quen thuộc để thu hút du khách”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, công tác tổ chức lễ hội- vốn được xem là “nhạy cảm” và “dễ tai tiếng”- được dư luận cả nước rất chú ý. Song, Cần Thơ đã chứng minh năng lực tổ chức lễ hội qua từng sự kiện cụ thể, qua đó góp nhặt thêm lòng tin cho khách tham quan, đối tác. Cơ hội giao lưu và hội nhập vì thế cũng rộng mở hơn.

Thêm nhiều cơ hội…

Thông qua những sự kiện đã tổ chức, Cần Thơ đẩy mạnh thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng địa phương. Có mặt tại Lễ hội Việt- Nhật 2017, ông Kazunori Hosoya, Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm lạc quan vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển. Ông cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả là một minh chứng rõ nét.

Dòng người chen chân tại Đêm hoa đăng Ninh Kiều 2017. Ảnh: DUY KHÔI

Gặt hái lớn nhất từ những sự kiện văn hóa mà Cần Thơ tổ chức chính là giới thiệu được những nét văn hóa của địa phương. Đó là miệt vườn, miệt cù lao bốn mùa cây trái ở Phong Điền, Thốt Nốt; là bánh ngon Nam bộ nức lòng du khách; là ngày hội bồng bềnh ở chợ nổi Cái Răng; là không khí linh thiêng, trầm mặc của những lễ hội kính nhớ tiền nhân… Tham dự Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền vừa qua, J.Hussey, du khách đến từ Úc, đã không khỏi trầm trồ trước tài nghệ đờn ca của những tài tử miệt vườn. Anh nói, đây là lần đầu tiên chứng kiến một buổi biểu diễn lạ lẫm như thế.

Hay ở Lễ hội Việt- Nhật 2017, nếu như không gian văn hóa Nhật Bản lan tỏa thì Cần Thơ cũng “đối ứng” bằng rất nhiều điểm nhấn văn hóa. Các nghệ nhân đờn ca tài tử biểu diễn hằng đêm phục vụ du khách. Gian hàng của Bảo tàng Cần Thơ trưng bày hơn 60 hình ảnh, hiện vật về văn hóa và âm nhạc dân tộc ở Nam bộ, thu hút rất đông du khách. Em Thạch Tuấn, sinh viên quê Sóc Trăng, nói: “Em rất thích những gian hàng của Cần Thơ vì giới thiệu được nét văn hóa của mình, bên cạnh nét độc đáo của Nhật Bản”.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho rằng, thành công của các lễ hội vừa qua theo hướng tăng dần lượng khách tham quan cho thấy các sự kiện được tổ chức chu đáo, chặt chẽ, công tác quảng bá lễ hội tốt. Thông qua các sự kiện, ngành du lịch thành phố đã tranh thủ kết nối đến các điểm du lịch trong toàn thành phố. Qua đó, kết quả doanh thu du lịch của địa phương tăng cao. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, du lịch TP Cần Thơ đón trên 6,1 triệu lượt khách, tăng gần phân nửa so với cùng kỳ. Đặc biệt, đã có hơn 18 ngàn lượt khách quốc tế du lịch Cần Thơ trong 9 tháng đầu năm, trong số này có nhiều người tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch. Những con số này là minh chứng hiệu quả các lễ hội, sự kiện mang lại.

 Ông Ơn còn thông tin thêm, từ 18-20/11 tới, Cần Thơ sẽ lần thứ 3 vinh dự được chọn đại diện Nam bộ tái hiện chợ nổi ở Hà Nội. Cơ hội này đang được tận dụng rất hiệu quả trong quảng bá văn hóa, du lịch Cần Thơ vì đông đảo du khách các vùng miền rất thích thú cảm giác ăn chè, ăn bánh trên những chiếc ghe bồng bềnh ở chợ nổi, thích nghe vọng cổ, đờn ca tài tử…  Đặc biệt, những sản vật miệt vườn được bà con rất yêu thích. “Việc làm sao để giới thiệu được những nét đặc trưng của Cần Thơ, thôi thúc du khách đến khám phá vùng đất Tây Đô là bài toán chúng tôi tự đặt ra và phải giải”- ông Ơn quyết tâm.

* * *

“Đến hẹn lại lên”, Cần Thơ lại có những sự kiện, lễ hội thường niên phục vụ khán giả theo phương châm “năm sau cao hơn năm trước”- như chỉ đạo của ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ. Chính ý thức tự làm mới, nâng cao năng lực tổ chức ngày càng tốt hơn, thành công hơn đã góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Cần Thơ vươn xa hơn, hội nhập và phát triển.

  DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết